Hãng tin Bloomberg cho rằng với những báo cáo tài chính được công bố trong tuần tới, các ngân hàng Trung Quốc có thể chứng minh được rằng họ vẫn đứng vững dù ngành ngân hàng thế giới đang chao đảo.
Chỉ trong vài tuần, 3 nhà băng của Mỹ đã sụp đổ. 2 trong số đó là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 và thứ 3 trong lịch sử nước này. Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ - cũng được UBS Group mua lại với giá hơn 3 tỷ USD.
17 tỷ USD trái phiếu cấp 1 bổ sung của Credit Suisse đã gần như bốc hơi hoàn toàn sau thương vụ gây chấn động toàn cầu. Các trái chủ của ngân hàng này đang chuẩn bị đâm đơn kiện.
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank - ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ và Credit Suisse - nhà băng lớn nhì Thụy Sĩ - đã khiến các thị trường choáng váng. Nhưng hệ thống ngân hàng của Trung Quốc được cho là sẽ miễn nhiễm. Ảnh: Reuters. |
Kiểm soát chặt chẽ
Theo các chiến lược gia tại Goldman Sachs, trái chủ của Credit Suisse đã gánh khoản lỗ lớn nhất đối với nhà đầu tư AT1 kể từ khi loại trái phiếu này ra đời vào cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Quyết định của giới chức Thụy Sĩ bị chỉ trích là gây tổn hại niềm tin vào loại tài sản này và có thể tạo ra hiệu ứng lan toàn trên toàn cầu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Francis Chan của Bloomberg Intelligence, vụ việc sẽ không đe dọa các chứng khoán do 6 ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc phát hành.
Chính quyền Bắc Kinh vừa thành lập một cơ quan giám sát tài chính do đảng điều hành. Ảnh: Bloomberg. |
Theo tính toán của Bloomberg Intelligence, khoảng 94% trái phiếu cấp 1 bổ sung của các ngân hàng Trung Quốc được bán cho trái chủ trong nước, phần còn lại nằm ở những tài khoản bằng đồng USD.
Theo Bloomberg, giới chức Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát đối với hệ thống tài chính nước này. Trong nhiệm kỳ thứ 3 của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa thành lập một cơ quan giám sát tài chính do đảng điều hành. Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ sâu rộng nhằm trao quyền kiểm soát và giám sát trực tiếp cho đảng về vấn đề tài chính.
Theo truyền thông Trung Quốc, Ủy ban Tài chính trung ương sẽ chịu trách nhiệm thiết kế, phát triển và giám sát ở cấp cao nhất với ngành tài chính trị giá 57.000 tỷ USD của đất nước. Trong cuộc họp Quốc hội thường niên của nước này, một kế hoạch cải cách chi tiết cho các cơ quan nhà nước đã được công bố.
Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Giới chức Trung Quốc cũng vừa cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với hầu hết ngân hàng nhằm hỗ trợ cho vay và thúc đẩy thanh khoản.
Trong khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất điều hành để đối phó với lạm phát kỷ lục, lạm phát của Trung Quốc thấp hơn đáng kể những nền kinh tế khác như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh, do sự khác biệt trong các biện pháp kích thích kinh tế thời kỳ đại dịch.
Ngay cả đối với lĩnh vực bất động sản đã suy yếu nghiêm trọng trong vài năm qua, Trung Quốc cũng áp dụng chiến lược "cây gậy và củ cà rốt", tức bao gồm cả sự đe dọa trừng phạt lẫn quyền lợi và phần thưởng.
Bắc Kinh đang nỗ lực hết sức nhằm vực dậy thị trường bất động sản. Tuy nhiên, chính phủ nước này cũng lên tiếng cảnh báo về "sự phát triển thiếu trật tự" trong lĩnh vực này.
Đất nước 1,4 tỷ dân cũng đã mở cửa trở lại sau nhiều năm áp dụng những biện pháp kiểm soát gắt gao nhằm đối phó với đại dịch. Theo Bloomberg, tốc độ phục hồi và mở cửa trở lại của Trung Quốc là yếu tố quan trọng đối với đà tăng trưởng của các thị trường mới nổi.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.