Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

Các loại thuốc được Bộ Y tế phê duyệt trong phác đồ điều trị Covid-19

Bộ Y tế đã ban hành và nhiều lần cập nhật phác đồ điều trị Covid-19 tại Việt Nam, dựa trên tình hình thực tế của người bệnh. Trong đó, nhiều loại thuốc mới được đưa vào sử dụng.

phac do dieu tri Covid-19 tai Viet Nam anh 1

Trên thế giới, thuốc điều trị Covid-19 đang được các chuyên gia, hãng dược ráo riết tìm kiếm. Nhiều ứng viên có kết quả thử nghiệm lâm sàng hứa hẹn trong việc giảm tải lượng virus, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và xuất viện.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, nhiệm vụ giảm tỷ lệ tử vong, số ca mắc được đặt lên hàng đầu. Trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế, tình hình thực tế, Bộ Y tế liên tục cập nhật các phác đồ về điều trị, thuốc. Dưới đây là các loại thuốc đã được Bộ Y tế chấp thuận và có hướng dẫn cụ thể khi điều trị bệnh nhân Covid-19.

Remdesivir

Ngày 12/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký văn bản gửi các đơn vị được phân bổ, sử dụng thuốc Remdesivir kèm hướng dẫn triển khai sử dụng trong điều trị Covid-19.

Đây vốn là thuốc kháng virus được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ 22/10/2020.

Nghiên cứu ACTT-1 của Mỹ cho thấy thuốc có tác dụng làm giảm thời gian bệnh ở một số người. Trong tổng số 1.063 bệnh nhân nhập viện, thời gian trung bình để cải thiện bệnh là 11 ngày thay vì 15 ngày đối với giả dược. Sự cải thiện được định nghĩa ở đây là xuất viện hoặc tiếp tục nằm viện, nhưng không cần bổ sung oxy.

Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm mạnh tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ..., đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020.

phac do dieu tri Covid-19 tai Viet Nam anh 2

Remdesivir được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng trong điều trị nội trú ở các F0 bị suy hô hấp, thở oxy, thở máy không xâm nhập. Ảnh: Reuters.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh Remdesivir là thuốc ức chế virus, giúp giảm sự phân chia của nCoV trong tế bào người bệnh. Về cơ chế hoạt động, điều trị bằng Remdesivir đặc biệt hữu ích trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng SARS-CoV-2.

Hướng dẫn tạm thời sử dụng Remdesivir 100 mg (5 mg/ml) của Bộ Y tế chỉ định thuốc cho người mắc Covid-19 điều trị nội trú tại bệnh viện có suy hô hấp, thở oxy, thở HFNC hoặc thở máy không xâm nhập. Thời điểm dùng thuốc là trong vòng 10 ngày đầu từ khi khởi phát bệnh. Remdesivir được ưu tiên sử dụng cho nhóm nguy cơ cao gồm người trên 65 tuổi, có bệnh nền, béo phì (BMI >25).

Các cơ sở y tế phải thông báo với bệnh nhân hoặc người nhà thông tin về việc thuốc được cấp phép nhập khẩu; chỉ sử dụng thuốc sau khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà.

Ngoài ra, các cơ sở, bệnh viện cần thận trọng sử dụng với phụ nữ có thai và cho con bú, chưa có dữ liệu đầy đủ nên không khuyến cáo trừ trường hợp lợi ích vượt trội so với nguy cơ.

Trường hợp chống chỉ định với thuốc này gồm: Người bệnh Covid-19 cần thở máy xâm nhập, ECMO; trường hợp phản ứng quá mẫn với bất kỳ thành phần của thuốc; suy chức năng thận eGFR < 30 mL/phút; tăng enzyme gan ALT > 5 lần giá trị giới hạn trên; suy chức năng đa cơ quan nặng.

Molnupiravir

Khác với Remdesivir (phải dùng cho F0 điều trị nội trú, truyền qua tĩnh mạch), Molnupiravir được chỉ định trong phác đồ chữa Covid-19 tại nhà. Đây cũng là dược phẩm được kỳ vọng là thuốc kháng virus đầu tiên bằng đường uống.

Từ ngày 16/8, Bộ Y tế phối hợp TP.HCM triển khai chương trình chăm sóc tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0 ngoại trú. Trong đó, ngành y tế sẽ sử dụng thuốc Molnupiravir.

TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên thí điểm chương trình điều trị tại nhà từ ngày 16/8, dành cho các F0 không triệu chứng, tình trạng vừa đến nhẹ.

Các F0 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng; cung cấp hộp thuốc home-based care cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch Covid-19; cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.

Ngoài ra, bệnh nhân được nhận tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế để tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe, liên lạc với cơ sở y tế trong trường hợp trở nặng.

phac do dieu tri Covid-19 tai Viet Nam anh 3

Molnupiravir được chỉ định sử dụng trong mô hình thí điểm chăm sóc tại nhà (home-based care) tại TP.HCM từ ngày 16/8. Ảnh: Shutterstock.

Molnupiravir (còn được gọi là MK-4482) vốn là thuốc phòng ngừa và điều trị virus cúm SARS-CoV, MERS vào đầu những năm 2000, hiện được Ridgeback (Mỹ) phối hợp cùng hãng dược Merck (Đức) tiếp tục phát triển.

Đến nay, Molnupiravir đã hoàn tất hai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Các giai đoạn thử nghiệm đều có kết quả khả quan. 100% bệnh nhân giảm tải lượng virus xuống ngưỡng không gây lây lan sau 5 ngày điều trị.

Kết quả của hãng dược Ridgeback công bố cũng cho thấy Molnupiravir gây ra rất ít tác dụng phụ. Tỷ lệ tác dụng phụ gặp phải thấp nhất ở nhóm sử dụng 800 mg. Một số tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải gồm nhức đầu, mất ngủ và tăng nồng độ alanin aminotransferase.

Nhà sản xuất đang thử nghiệm lâm sàng pha 3 trên 1.850 bệnh nhân khắp thế giới. Kết quả bước đầu cho thấy sau 5 ngày điều trị, 78,3% tình nguyện viên dùng Molnupiravir có kết quả âm tính khi xét nghiệm rRT-PCR, cao hơn mức 48,4% trong nhóm được chăm sóc bình thường.

Qua ngày điều trị thứ 10 và 14, số bệnh nhân còn lại trong nhóm dùng Molnupiravir đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Độ an toàn của thuốc cũng được chứng minh sau khi các nhà nghiên cứu không ghi nhận tác dụng phụ hoặc bệnh nền xảy ra trong và sau quá trình điều trị.

Xuyên tâm liên

Ngày 6/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 lần thứ 5. Ngay sau đó, sáng 7/7, Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tổ chức họp Hội đồng chuyên môn cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19. Trong đó, các chuyên gia bàn luận vấn đề sử dụng xuyên tâm liên - thuốc đông y cổ truyền quen thuộc của Việt Nam - trong hỗ trợ điều trị F0.

Ngay từ tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, việc ứng dụng xuyên tâm liên và y học cổ truyền vào phác đồ chữa trị đã được Bộ Y tế cùng các chuyên gia tính toán, xem xét kỹ.

Theo Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, xuyên tâm liên được dùng cho F0 thuộc giai đoạn nhẹ và vừa, dựa trên chỉ dẫn phác đồ điều trị kết hợp Đông và Tây y.

Việt Nam cân nhắc điều này khi các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc…, có đánh giá hiệu quả khi sử dụng xuyên tâm liên trong điều trị Covid-19.

Nhờ đặc tính kháng vi khuẩn, virus phổ rộng, xuyên tâm liên cũng có hiệu quả tốt trong điều trị nhiều bệnh lý nhiễm trùng ở các cơ quan khác, như viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo, khí hư, viêm nhiễm đường ruột. Ngoài ra còn được sử dụng trong điều trị các bệnh về gan, sốt, tiêu chảy cấp tính, tăng huyết áp, thủy đậu, bệnh phong, sốt rét, đắp ngoài hoặc làm nước tắm chữa mụn nhọt, ghẻ lở….

phac do dieu tri Covid-19 tai Viet Nam anh 4

Xuyên tâm liên được bào chế dưới dạng viên nén, dùng cho F0 tại Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post.

“Tất cả đều được dùng trong phòng và điều trị Covid-19. Bộ Y tế không khuyến cáo thiên vị bất kỳ sản phẩm nào. Với tác dụng hỗ trợ phối hợp trong điều trị và nâng cao sức đề kháng, xuyên tâm liên có thể dùng cho F0, người trong diện tiếp xúc và tất cả người dân”, tiến sĩ dược sĩ Trần Duy Hùng, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, cho biết.

Trong công văn 1306 về việc tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền, Bộ Y tế đã có hướng dẫn một số bài thuốc sử dụng xuyên tâm liên tương ứng 3 giai đoạn của bệnh Covid-19.

Ngoài những loại thuốc trên, Việt Nam cũng đang triển khai một số loại thuốc được cấp phép, có 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong việc điều trị Covid-19 như Favipiravir hay kháng thể đơn dòng ức chế virus IL6 (được WHO khuyến cáo).

Ngày 10/8, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi họp báo công bố kết quả nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 Vipdervir. Kết quả đánh giá cho thấy thuốc Vipdervir có khả năng ức chế được sự phát triển của SARS-CoV-2 ở nồng độ virus cho kết quả xét nghiệm dương tính (F0).

Những F0 không được dùng thuốc Remdesivir

Thuốc Remdesivir chỉ được sử dụng với các bệnh nhân điều trị nội trú bị suy hô hấp, thở máy không xâm nhập.

Hiệu quả của loại thuốc dùng cho F0 ở TP.HCM điều trị tại nhà

Molnupiravir đang được kỳ vọng là loại thuốc chữa Covid-19 dạng viên đầu tiên trên thế giới. Các thử nghiệm lâm sàng của thuốc cũng cho kết quả khả quan.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm