Sau hơn một tháng chiến sự, triển vọng hòa bình tại Ukraine đã trở nên rõ ràng hơn khi công thức "trung lập” đã được giới chức Ukraine đặt lên bàn đàm phán với Nga trong bản đề xuất ngày 29/3 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Giáo sư Maartje Abbenhuis, Giám đốc Viện châu Âu thuộc Đại học Auckland, New Zealand, lựa chọn cụm từ “trung lập hóa” để mô tả lựa chọn của Ukraine.
“Trung lập hóa là quá trình một quốc gia hay lãnh thổ chính thức trở thành ‘trung lập’ bởi một hiệp ước quốc tế. Với sự trung lập hóa, quốc gia chịu tác động sẽ phải ‘trung lập’ về pháp lý như không tham gia vào các cuộc chiến tranh bên ngoài hay liên minh quân sự”, bà giải thích với Zing.
Dù vậy, quan điểm của Nga và Ukraine về vấn đề này vẫn còn tồn tại khác biệt. Bản thân phía Nga cũng chưa phản hồi chính thức đối với các đề xuất của Ukraine. Vì vậy, quá trình đàm phán được dự báo còn gặp thách thức.
Kịch bản của chuyên gia Nga
Theo bản đề xuất của Ukraine, nước này sẽ tuyên bố trung lập, không gia nhập khối quân sự nào và không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự. Đổi lại, Kyiv sẽ nhận được sự đảm bảo an ninh ràng buộc pháp lý.
Nga, Anh, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Canada, Italy, Ba Lan và Israel là các nước bảo trợ tiềm năng. Các nước bảo trợ sẽ có nghĩa vụ hỗ trợ Ukraine nếu quốc gia này bị tấn công, bao gồm cả sử dụng lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó, Ukraine muốn giữ quyền gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và yêu cầu các nước bảo trợ xác nhận mong muốn này.
Đề xuất được Ukraine đưa ra trong cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3. Ảnh: Anadolu Agency. |
Về vấn đề Crimea, Kyiv đề nghị hai bên đàm phán song phương để giải quyết trong 15 năm. Trong khi đó, vấn đề Donbas sẽ được bàn luận sau giữa hai nhà lãnh đạo, một quan chức Ukraine cho biết. Tổng thống Zelensky đã bày tỏ khả năng thỏa hiệp về các vùng lãnh thổ này.
Moscow chưa đưa ra hồi đáp về những yêu cầu của Kyiv. Dù vậy, Financial Times đưa tin rằng Moscow đã dỡ bỏ một số yêu cầu trong đàm phán như “phi quân sự hóa”, “phi phát xít hóa” Ukraine hay bảo vệ tiếng Nga về mặt pháp lý. Nga cũng không còn phản đối việc Ukraine gia nhập EU.
Chính phủ Nga chưa xác nhận thông tin trên.
Theo giáo sư Evgeny Pashentsev tại Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nền trung lập của Ukraine không thể gắn liền với chính sách thân phương Tây và chống Nga.
Giáo sư Pashentsev cũng cho rằng Ukraine không thể có một quân đội mạnh được phương Tây vũ trang và nền kinh tế định hướng một chiều về phương Tây.
“Sự trung lập không thể được hiện thực hóa nếu các hạn chế ‘từ trên xuống’ với việc sử dụng tiếng Nga hay với các đảng chính trị ủng hộ ‘mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa đa phương hướng’ tại Ukraine”, ông nói với Zing.
Trước đó, hôm 20/3, Ukraine đã đình chỉ hoạt động của 11 đảng chính trị được cho là có mối liên hệ với Nga.
Kịch bản của chuyên gia Ukraine
Ở chiều ngược lại, giới chuyên gia Ukraine chỉ ra nước này không đồng ý bị “tước vũ khí” bởi vị thế trung lập, hay chấp nhận sự can thiệp của bên ngoài vào các vấn đề nội bộ.
“‘Trung lập’ là thuật ngữ chỉ dành riêng cho lĩnh vực an ninh - quân sự, không mở rộng tới vấn đề nội bộ của Ukraine như hình thái chính phủ hay quan hệ kinh tế - thương mại”, tiến sĩ Vlad Mykhnenko tại Đại học Oxford, Anh, cho biết.
Theo ông Mykhnenko, vấn đề tư cách thành viên EU và quân số, thành phần của quân đội Ukraine không phải là vấn đề có thể đem ra thảo luận.
Các chuyên gia Ukraine nhận định Kyiv vẫn cần lực lượng quân sự mạnh để tự vệ. Ảnh: BBC. |
Đồng quan điểm, giáo sư Olexiy Haran tại Đại học Quốc gia Kyiv-Mohyla nhận định Ukraine sẽ vẫn cần lực lượng quân sự mạnh và trang bị tốt để tự vệ.
"Chúng tôi không thể bị tước vũ khí và chờ một cuộc tấn công khác của Nga”, giáo sư Haran nói. “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng cần một quân đội mạnh”.
Về lãnh thổ, phía Nga dường như vẫn đòi hỏi công nhận việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, cũng như công nhận nền độc lập của hai nước “cộng hòa tự xưng” miền Đông Ukraine, cố vấn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin nói với CNN ngày 28/3.
Các chuyên gia Ukraine bác bỏ khả năng này. “Người Ukraine không chấp nhận Crimea bị sáp nhập hay một phần Donbas bị chiếm đóng”, giáo sư Haran tuyên bố.
Theo vị giáo sư tại Đại học Quốc gia Kyiv-Mohyla, Ukraine sẽ cần các đảm bảo an ninh “thực chất”, thay vì chỉ trên giấy. Ví dụ, nếu Ukraine bị tấn công, một vùng cấm bay sẽ được thiết lập trên bầu trời quốc gia này, trong khi Kyiv sẽ ngay lập tức nhận được viện trợ vũ khí.
Ông cũng chỉ ra Nga có thể trở thành một nước bảo trợ an ninh cho Ukraine, nhưng chỉ trên danh nghĩa. Nga cũng có tên trong danh sách các nhà bảo trợ mà Ukraine đề xuất hôm 29/3.
Kịch bản "kiểu Áo"
Đối với các nhà quan sát bên ngoài, “trung lập kiểu Áo” là lựa chọn đáng được nghiên cứu kỹ lưỡng. Giáo sư Philip Terrence Hopmann tại Đại học Johns Hopkins, Mỹ và phó giáo sư Pascal Lottaz, chuyên gia về trung lập tại Đại học Waseda, Nhật Bản, cùng nhận định mô hình này sẽ là tốt nhất cho Ukraine.
Giáo sư Hopmann chỉ ra ba thành tố chính của nền trung lập Áo là không tham gia liên minh quân sự, không chọn phe trong chiến tranh và không cho phép xây dựng căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ.
Dù chấp nhận trung lập, Áo vẫn được quyền giữ quân đội, đưa quân thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, cũng như gia nhập EU vào năm 1995, giáo sư Hopmann cho biết.
Mô hình trung lập kiểu Áo đang được một số chuyên gia đề xuất cho Ukraine. Ảnh: AFP. |
Sự trung lập kiểu Áo cũng được giáo sư Pashentsev đề cao. “Thực tiễn lịch sử của Áo và Phần Lan cho thấy các cách thức khả thi để hình thành quốc gia trung lập. Thậm chí ngày nay, họ vẫn tận hưởng những lợi thế từ nền trung lập của họ”, ông nói.
Trong khi đó, tiến sĩ Lottaz nhận định Ukraine có thể trở thành nhà nước liên bang với các địa phương có quyền tự trị cao như Bỉ hay Thụy Sĩ. Mô hình này sẽ dễ dàng được Nga chấp thuận, trong khi đảm bảo Ukraine sẽ không đảo ngược quyết định về trung lập.
Ông cũng cho rằng Nga sẽ không yêu cầu loại bỏ hoàn toàn quân đội Ukraine mà chỉ muốn lực lượng này mất đi khả năng tấn công.
“Nga cũng có thể sẽ yêu cầu một số lượng binh sĩ tối đa. Tuy vậy, tôi không dự đoán về một Ukraine không có quân đội”, tiến sĩ Lottaz nói.
Theo giáo sư Hopmann, vấn đề lãnh thổ và đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ là hai vướng mắc lớn nhất trong hòa đàm.
“Việc đưa ra đủ đảm bảo để làm thỏa mãn Ukraine mà không đe dọa Nga có thể là vấn đề phức tạp nhất trong các cuộc đàm phán hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ”, ông chia sẻ.
“Tôi không nghĩ Nga sẽ chấp nhận các nhà bảo trợ ‘cứng’. Tuy vậy, họ có thể chấp nhận các ‘nhà bảo trợ quá trình thực thi ngừng bắn’”, tiến sĩ Lottaz nhận định. “Về dài hạn, tôi không nghĩ Nga chấp nhận nước bảo trợ về an ninh nào khác ngoài họ và Belarus”.
Quy trình phải trải qua
Theo đề xuất của Ukraine, thỏa thuận về trung lập sẽ có hiệu lực sau khi nước này tổ chức trưng cầu dân ý, sửa đổi hiến pháp (vốn có mục tiêu gia nhập NATO), cũng như văn bản nhận được sự phê chuẩn của nghị viện Ukraine và các nước bảo trợ.
Các chuyên gia Ukraine nhận định người dân nước này có khả năng đồng tình với đề xuất trung lập trong cuộc trưng cầu dân ý.
Người Ukraine đã sẵn sàng ủng hộ mô hình trung lập. Ảnh: New York Times. |
“Người Ukraine muốn gia nhập NATO”, giáo sư Haran chia sẻ. “Tuy vậy, nếu các đề xuất là thực tế, chúng tôi có thể thảo luận về chúng một cách dân chủ bên trong Ukraine”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng này.
“Quan điểm của Ukraine về trung lập nghĩa là liên minh quân sự một chiều với các nước bảo trợ: Nếu Ukraine bị tấn công, các nước bảo trợ có nghĩa vụ giúp đỡ, nhưng nếu Nga tấn công các nước này, Ukraine giữ trung lập”, tiến sĩ Mykhnenko nói. “Tôi không nghĩ các nước liên quan hứng thú với thỏa thuận”.
Dù vậy, các chuyên gia nhận định trung lập là lựa chọn khả thi nhất lúc này cho Ukraine.
“Trung lập là lựa chọn thay thế duy nhất cho một cuộc chiến kéo dài”, tiến sĩ Lottaz nói. “Đây là điều Nga sẽ không ngừng đòi hỏi. Đâu còn lựa chọn nào khác để kết thúc cuộc chiến qua đàm phán?”.