Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bài toán khó của Ukraine

Trong khi quy chế trung lập là điều Kyiv dường như đã chấp nhận, vấn đề khó giải quyết nhất trong các lựa chọn của Ukraine là các lãnh thổ Crimea, Donetsk và Luhansk.

Nga tan cong Ukraine anh 1

Vòng đàm phán mới đây giữa Nga và Ukraine hôm 29/3 ở Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc với tuyên bố của các bên về những dấu hiệu tích cực. Ukraine đưa ra một số đề xuất với Nga, mà đáng chú ý nhất là phương án duy trì tư cách trung lập đổi lấy bảo đảm an ninh.

Dù cả Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đều nói về những tiến triển trong cuộc đàm phán, khả năng thành hiện thực của phương án trung lập mà Ukraine đề xuất bị đặt dấu hỏi bởi những rào cản cả về chính trị và thực tiễn.

Nga tan cong Ukraine anh 2

Không ảnh cho thấy thành phố Mariupol bị phá hủy gần như hoàn toàn. Ảnh: Space.

Đề xuất quá tham vọng

Những ngày gần đây, giới chức Kyiv ngày càng phát ngôn nhiều hơn về quy chế trung lập của Ukraine, đổi lại bảo đảm an ninh từ nhiều nước lớn. Phương án cụ thể được Ukraine công bố hôm 29/3.

Điểm đáng chú ý nhất là việc Kyiv đề xuất sẽ được bảo đảm an ninh bởi không chỉ Nga mà còn bốn nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khác, gồm Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Tất cả đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Không dừng lại ở đó, các nước có nghĩa vụ bảo đảm an ninh cho Ukraine còn bao gồm Canada, Italy, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Ba Lan, theo CNN.

Ông Mykhaylo Podoliak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho hay hình thức bảo đảm an ninh sẽ tương tự cơ chế "tự vệ tập thể" tại điều 5 Hiến chương NATO.

Điều này đồng nghĩa nếu Ukraine bị tấn công vũ trang, các nhà bảo trợ an ninh cho Ukraine sẽ có nghĩa vụ hỗ trợ vũ khí, thậm chí gửi quân đội và khí tài quân sự tới Ukraine để trực tiếp tham chiến.

Nga tan cong Ukraine anh 3

Một tòa nhà bị phá hủy ở thành phố Mykolaiv. Ảnh: AP.

Hơn nữa, Ukraine khẳng định bảo đảm an ninh sẽ phải được quốc hội của Ukraine, Nga và tất cả các nhà bảo trợ thông qua.

"Chúng tôi kiên quyết thỏa thuận này phải là một điều ước quốc tế được ký bởi tất cả các bên, các nhà bảo trợ an ninh, phải được phê chuẩn, để không tái diễn sai lầm từng xảy ra với Bản ghi nhớ Budapest", trưởng đoàn đàm phán Ukraine David Arakhamia tuyên bố, theo Al Jazeera.

Đề xuất của Ukraine có khả thi hay không là một câu hỏi lớn.

Nga có lý do rất hiển nhiên để bác bỏ đề xuất của Ukraine. Nếu chấp nhận phương án này, Moscow sẽ đối mặt nguy cơ va chạm trực tiếp với hàng loạt cường quốc quân sự trong trường hợp quan hệ với Ukraine xấu đi sau này và một lần nữa xung đột vũ trang nổ ra.

Phương án mà Moscow mong đợi sẽ là một thỏa thuận tay đôi giữa Nga và Ukraine, thay vì quốc tế hóa mâu thuẫn giữa hai nước.

Ngay cả khi có cái gật đầu từ Moscow, khả năng các đồng minh của Ukraine như Mỹ, Anh, Pháp chấp nhận ký vào một thỏa thuận như vậy là đáng hoài nghi.

Phản ứng từ khi chiến sự nổ ra cho thấy phương Tây muốn tránh va chạm với Nga trong mọi tình huống. Việc đồng ý phương án mà Kyiv đề xuất mở ra khả năng chiến tranh trực diện giữa các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ngay cả khi thực sự muốn ký kết, Washington, London hay Paris sẽ vấp phải áp lực từ phe đối lập trong nước, cũng như bộ phận cử tri theo đường lối dân tộc chủ nghĩa. Họ đặt câu hỏi lợi ích của Mỹ, Anh và Pháp đến đâu khi tham gia vào một thỏa thuận có nguy cơ đẩy ba nước này vào một cuộc chiến tranh hủy diệt.

Với những nước như Mỹ và Anh, việc quốc hội phê chuẩn một điều ước quốc tế có mức độ ràng buộc về an ninh cao như đề xuất của Ukraine sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều.

Đó là chưa kể khi một lãnh đạo mới lên nắm quyền ở Mỹ, vẫn có khả năng Washington rút khỏi thỏa thuận, như cách Tổng thống Trump bỏ rơi JCPOA năm 2018.

Nga tan cong Ukraine anh 4

Kho chứa thực phẩm ở Brovary, ngoại ô Kyiv, bị không kích phá hủy. Ảnh: AP.

Ukraine thực sự muốn gì?

Đến nay, tham vọng gia nhập NATO của Ukraine cho thấy là một giấc mơ xa vời, và Kyiv đã chấp nhận thực tế Ukraine sẽ là nước trung lập. Những phát ngôn chỉ trích NATO gần đây của Tổng thống Zelensky là động thái dọn đường dư luận cho sự chuyển hướng chiến lược đó.

Nhưng làm thế nào để quy chế trung lập mang lại nhiều lợi thế nhất trên bàn đàm phán cho Ukraine lúc này, cũng như cho an ninh đất nước về sau, là điều chính quyền Tổng thống Zelensky phải đong đếm.

Khi tham gia đàm phán, các phái đoàn luôn có nhiều phương án, nhiều mức độ kết quả mong đợi cho một vấn đề. Đề xuất cơ chế bảo đảm an ninh quốc tế được giới thiệu hôm 29/3 nhiều khả năng chỉ là một con bài mặc cả của đoàn đàm phán Ukraine.

Đây sẽ là phương án cao nhất mà Ukraine mong muốn, nhưng trong trường hợp không thể hiện thực hóa, phái đoàn Kyiv có thể dùng để đánh đổi với Nga về các vấn đề khác.

Nga tan cong Ukraine anh 5

Lực lượng Ukraine tham gia huấn luyện ở Lviv. Ảnh: AP.

Vấn đề sống còn với chính quyền Tổng thống Zelensky không phải quy chế trung lập hay quy mô quân đội của Ukraine sau này, đó là quy chế pháp lý của Crimea và Donbas.

"Chúng ta sẽ không từ bỏ một phân lãnh thổ của Ukraine", đây là thông điệp đã được Tổng thống Zelensky lặp đi lặp lại.

Cuộc họp ngày 29/3 là lần đầu tiên Kyiv cho thấy sẵn sàng thảo luận về vấn đề Crimea. Nhưng Ukraine sẽ không dễ dàng công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo này năm 2014.

Thay vào đó, Kyiv đưa ra một tiến trình đàm phán lâu dài về vấn đề Crimea. Phái đoàn Ukraine đề xuất cơ chế tham vấn kéo dài ít nhất 15 năm để thảo luận về quy chế cuối cùng của Crimea, kèm theo cam kết hai bên không sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột tại đây.

"Tổng thống Zelensky hiểu ông ấy đứng trước áp lực lớn phải lấy lại Crimea từ Nga. Đề xuất hiện nay là cách để khởi động tiến trình xử lý vấn đề Crimea", Telegraph bình luận.

Thế khó của Tổng thống Zelensky là ông không có cách nào đòi lại Crimea, cũng không thể từ bỏ bán đảo này bởi đây là lãnh thổ thuộc chủ quyền hợp pháp của Ukraine, và người Ukraine sẽ không tha thứ nếu ông nhượng bộ.

Thời hạn 15 năm đàm phán là đủ để giữ Crimea nguyên trạng, trong khi ngầm chấp nhận quân đội Nga tiếp tục hiện diện ở lãnh thổ này.

Một bài toán khó khác là Donbas.

Giống với Crimea, Donbas là lãnh thổ thuộc chủ quyền hợp pháp của Ukraine và hiện phần lớn nằm trong tay lực lượng Nga hoặc phiến quân ly khai thân Nga.

Điểm khác biệt lớn nhất ở chỗ trong khi Nga đạo diễn cuộc trưng cầu dân ý chóng vánh ở Crimea trước khi sáp nhập năm 2014, chiến sự đã kéo dài suốt 8 năm ở Donbas. Donetsk và Luhansk cũng chưa bị Nga sáp nhập.

Lực lượng mạnh nhất của Ukraine lúc này được triển khai ở Donbas.

"Chiến sự ác liệt suốt một tháng qua khiến thái độ của người Ukraine cứng rắn hơn, người dân sẽ không chấp nhận từ bỏ bất cứ vùng lãnh thổ nào vào lúc này, khi họ tin rằng đang ở thế thắng", Telegraph bình luận.

Nga tan cong Ukraine anh 6

Người dân xếp hàng chờ nhận tiếp tế thực phẩm ở Brovary, ngoại ô Kyiv. Ảnh: AP.

Thời điểm hiện tại, khó có thể nói bên nào sẽ giành chiến thắng cuối cùng ở Donbas nếu chiến sự kéo dài. Ngay cả khi Nga giành được chiến thắng quân sự trước mắt, chiến tranh du kích cũng sẽ khiến tình hình ở Donbas tiếp tục chìm trong bất ổn.

Phái đoàn Ukraine đề xuất vấn đề Donbas sẽ được giải quyết trong cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Zelensky và Tổng thống Putin. Như thế, khúc mắc về vấn đề lãnh thổ sẽ tạm được gạt qua một bên.

Nhưng bài toán khó Donbas sẽ tiếp tục dội ngược về Tổng thống Zelensky trong cuộc gặp với Tổng thống Putin sau này.

Chính phủ Ukraine cho biết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để nhân dân quyết định bất kể thỏa thuận nào có thể đạt được nhằm chấm dứt chiến sự. Bởi thế, mọi phương án dẫn đến từ bỏ lãnh thổ sẽ khó được công chúng Ukraine chấp nhận.

Về phía Nga, việc Điện Kremlin chấp nhận phương án từ bỏ Donbas, vùng lãnh thổ mà phiến quân ly khai thân Nga hiện kiểm soát 95% Luhansk và 50% Donetsk, cũng bị đặt dấu hỏi.

Hiển nhiên, chính quyền Tổng thống Zelensky mong muốn đạt được một thỏa thuận đẩy các lực lượng Nga về biên giới kiểm soát trước năm 2014. Nhưng thực tế tương quan lực lượng giữa hai bên cho thấy nhiều khả năng ông Zelensky sẽ phải tìm cách thuyết phục người dân Ukraine nhượng bộ để có thể chấm dứt chiến sự.

Nga tuyên bố giảm hoạt động, Chernihiv vẫn bị pháo kích 'suốt đêm'

Thống đốc tỉnh Chernihiv của Ukraine cáo buộc quân đội Nga vẫn pháo kích “suốt đêm”, bất chấp lời hứa sẽ giảm hoạt động quân sự tại đây và quanh Kyiv để tạo điều kiện cho đàm phán.

Ba Lan vạch lộ trình ngừng nhập khẩu than của Nga

Thủ tướng Ba Lan ngày 30/3 cho biết nước này đặt kế hoạch ngừng sử dụng dầu của Nga kể từ cuối năm 2022, và ngừng nhập khẩu than của Nga chậm nhất là vào tháng 5.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm