Nhiều quy định mới được bổ sung để quản lý ứng dụng xem phim, truyền hình trực tuyến tại Việt Nam. Ảnh: Vox. |
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đưa ra văn bản hướng dẫn cho các quy định mới, có hiệu lực từ 2023 cho các ứng dụng trực tuyến, phục vụ nhu cầu xem TV, truyền hình tại Việt Nam.
Theo đó, các hoạt động thu phí ứng dụng, cài sẵn công cụ xem truyền hình cần được rà soát để đảm bảo đúng quy định mới của pháp luật.
Xử phạt khi phát hành phim sai quy định
Nghị định số 128/2022/NĐ-CP sửa đổi, được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2022, bổ sung các quy định về phạt tiền đối với hành vi vi phạm về phổ biến phim trên không gian mạng. Cụ thể, các hành vi vi phạm về phổ biến phim trên không gian mạng sẽ bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, tùy mức độ.
Trong đó, mức 20-40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi không thông báo danh sách, phân loại phim cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phạt 60-80 triệu đồng với hành vi không triển khai giải pháp kỹ thuật, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm theo quy định.
Bộ phim Ba chị em bị Netflix gỡ bỏ vì vi phạm pháp luật Việt Nam. Ảnh: Netflix. |
Trong năm 2022, Netflix đã phải gỡ bỏ bộ phim Little Woman sau khi được phía Cục PTTH&TTĐT yêu cầu. Trong các tập phim của tác phẩm này có chứa thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử Việt Nam.
Ngoại ra, Nghị định sửa đổi áp dụng mức phạt cao nhất, 80-100 triệu đồng đối với các hành vi không đảm bảo thực hiện phân loại phim theo quy định; Không thực hiện biện pháp kỹ thuật để hướng dẫn cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim, để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm theo quy định.
Những hành vi như không ngăn chặn truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Không gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh và các quy định của pháp luật khác có liên quan khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng được áp khung phạt tiền cao nhất.
Cục PTTH&TTĐT kỳ vọng sau khi có hành lang pháp lý chặt chẽ, các hoạt động phổ biến phim trên Internet tại Việt Nam sẽ vào khuôn khổ, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nhóm ứng dụng xuyên biên giới.
Nhà sản xuất TV phải rà soát lại phần mềm
Từ 1/1, Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình chính thức có hiệu lực. Theo đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên Internet thuộc đối tượng phải có Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.
Các nhà sản xuất TV phải rà soát lại ứng dụng được cài sẵn, phím bấm trên điều khiển. Ảnh: Geek. |
Theo Cục PTTH&TTĐT, xu hướng xem truyền hình thông qua ứng dụng trực tuyến trở nên phổ biến trong vài năm gần đây. Với khả năng tùy biến sâu, các mẫu TV hiện đại tại Việt Nam thường được cài sẵn ứng dụng xem phim, truyền hình như Netflix, FPT Play, TV360, AmazonTV. YouTube…
Bên cạnh lợi ích, các ứng dụng này còn tồn tại những nội dung xấu, độc hại, không phù hợp với văn hóa, ảnh hưởng tiêu cực đến đối tượng người xem là trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam. Đồng thời, một số ứng dụng được cài sẵn, tích hợp vào điều khiển TV nhưng chưa có giấy phép hoạt động trong nước.
Do đó, Bộ TTTT đã ra văn bản gửi các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất TV, yêu cầu rà soát ứng dụng xem truyền hình được cài sẵn và tích hợp lên phím bấm điều khiển. Việc này nhằm đảm bảo sản phẩm bán ra không chứa app vi phạm.
Mặt khác, Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp lên kế hoạch cài đặt trang chủ, phím bấm điều khiển để truy cập ứng dụng xem truyền hình số quốc gia trong thời gian tới.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.