Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thêm một nhà mạng bước vào lĩnh vực truyền hình theo yêu cầu

Sau Viettel và FPT Telecom, nhà mạng VNPT bước vào lĩnh vực kinh doanh truyền hình Internet, với một ứng dụng dành riêng cho nội dung thể thao.

Ứng dụng truyền hình theo yêu cầu của VNPT có bản quyền các trận đấu của đội tuyển Việt Nam và độc quyền một số sự kiện. Ảnh: Minh Chiến.

“Trong hàng chục triệu thuê bao di động của VNPT, rất nhiều thuê bao là khách hàng có nhu cầu sử dụng truyền hình theo yêu cầu với các nội dung thể thao”, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc VNPT Media, giải thích lý do nhà mạng này tìm cách bước chân vào ngành nội dung số.

Việt Nam có khoảng 70 triệu người dùng Internet, theo ước tính của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA). Statista ước tính số người dùng Internet của Việt Nam hiện đứng thứ 13 trên thế giới và thứ 6 trong châu Á.

Dù vậy tần suất tiêu thụ nội dung số của người Việt lại thấp hơn so với trung bình khu vực, các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện cho rằng nền kinh tế Internet của Việt Nam sẽ đạt 220 tỷ USD về tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030 và vào top đầu Đông Nam Á.

Trong khi các ngành kinh doanh nội dung số còn dư địa phát triển, thậm chí trở thành trị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp xuyên biên giới, thì các mảng kinh doanh truyền thống của các nhà mạng viễn thông như nhắn tin và thoại lại trên đà sụt giảm trong những năm gần đây, một phần do sự phổ biến của các dịch vụ qua Internet.

Đây là lý do mà các nhà mạng bao gồm Viettel, FPT Telecom, và mới đây nhất là VNPT tận dụng lợi thế về lượng người dùng và cơ sở hạ tầng để tìm hướng kinh doanh mới. Trong năm 2021, Viettel đã "bắt tay" với K+ và FPT đã gộp 2 thương hiệu con thành truyền hình FPT, hay FPT play.

Tuy chậm chân hơn, nhưng đại diện VNPT tỏ ra hài lòng với đối tác phụ trách nội dung, Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab), gọi đây là "đơn vị phân phối nội dung hàng đầu Việt Nam về truyền hình trả tiền trên đa nền tảng".

Ứng dụng do nhà mạng này và VTVCab hợp tác phát triển có tên ON Plus, hiện có bản quyền chiếu các giải Ligue 1, La Liga, Serie A và các trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Ngoài ra, các sự kiện thể thao mà ứng dụng truyền hình Internet này độc quyền phân phối bao gồm các trận đấu của Quang Hải tại Ligue 2, các giải đấu thể thao điện tử của ESL Gaming, giải quần vợt Roland-Garros.

Tuy không có ứng dụng chuyên biệt, nhưng Viettel và FPT Telecom hiện cũng kinh doanh các gói "sport" dành cho khán giả theo dõi các kênh và sự kiện thể thao. Với hàng chục triệu người dùng và thời gian tồn tại lâu hơn trên thị trường, đây sẽ là các đối thủ đáng kể của ON Plus.

Không đề cập đến đối thủ cạnh tranh, nhưng ông Bùi Huy Năm, Tổng giám đốc VTVcab, cho biết: “ON Plus là ứng dụng đặc sắc nhất Việt Nam hiện nay cả về nội dung lẫn các tính năng tương tác”. "Tính năng tương tác" đề cập đến các "mini-game" dự đoán kết quả, bình luận, sắp xếp đội hình lý tưởng, và trả lời câu hỏi có thưởng được tích hợp trên ứng dụng.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Chân dung 'TV được yêu thích nhất năm 2022'

Giữa những ứng viên “nặng ký” đến từ các thương hiệu tên tuổi, TV Neo QLED 8K 2022 QN900B của Samsung giành chiến thắng thuyết phục tại Best Choice Award 2022.

Hoàng Nam

Bạn có thể quan tâm