Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, những ý kiến đơn vị này đóng góp trước kia không được cơ quan soạn thảo tiếp thu. Ngoài ra, nếu ban hành quy chế quản lý mới như dự thảo sẽ tạo ra rất nhiều những bất hợp lý, rủi ro, dẫn đến sự phá sản của toàn bộ các doanh nghiệp taxi trên địa bàn TP. Hà Nội.
Băn khoăn về trung tâm điều hành chung
Dự thảo quy chế quản lý taxi có đề cập đến việc xây dựng trung tâm điều hành chung của các đơn vị vận tải taxi, nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Phản bác lại, Hiệp hội taxi nói việc thành lập một trung tâm điều hành chung cho 80 doanh nghiệp sẽ gây lãng phí so với các cơ sở hiện tại.
Theo đơn vị này, trung tâm điều hành của 80 hãng phải có sức chứa khoảng 1.600 nhân viên chia làm 3 ca. Như vậy, quy mô là rất lớn. Khi đó, các trung tâm điều hành hiện tại của các hãng đã được đầu tư công nghệ, cơ sở hạ tầng phải bỏ đi, gây lãng phí.
Nhiều nội dung trong dự thảo quy chế vẫn gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Ngoài ra, cách thức hoạt động của trung tâm này cũng chưa rõ ràng. Doanh nghiệp taxi băn khoăn việc áp dụng giá cước có chung hay không? Nhân viên tư vấn chung cho toàn bộ hệ thống taxi hay của riêng từng hãng?
Việc quản lý trung tâm lớn sẽ gây những yếu tố phức tạp trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Có thể phá sản vì “quyền khai thác kinh doanh”
Cũng theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, dự thảo đưa ra khái niệm quyền khai thác kinh doanh taxi nhưng chưa rõ ràng, chưa xác định thuộc tính để đảm bảo tính hợp pháp của quy chế.
Theo đó, việc đấu giá quyền khai thác kinh doanh đối với xe taxi vô hình chung đẩy doanh nghiệp vào thế bị động. Doanh nghiệp bị tước quyền tự chủ đầu tư thay thế phương tiện, tự chủ kinh doanh.
“Doanh nghiệp phải đấu giá để mua lại quyền khai thác kinh doanh của chính chiếc xe mình vừa thanh lý. Việc này làm gia tăng chi phí và tạo tâm lý bất an cho doanh nghiệp.
Việc đấu giá làm số lượng phương tiện của doanh nghiệp không ổn định, không biết mình tồn tại được hay không vì phụ thuộc vào kết quả đấu giá. Điều này gây nên tình trạng nguồn lực luôn trong tình trạng bất an, lúc thừa, lúc thiếu”, văn bản nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc đấu giá quyền khai thác có thể là một rào cản nữa cho doanh nghiệp. Đặc biệt khi taxi truyền thống phải chịu nhiều ràng buộc trong điều kiện kinh doanh, chịu sự cạnh tranh gay gắt soi với Uber, Grab.
Trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc taxi Ba Sao, cho rằng nếu doanh nghiệp không trúng thầu, xe bị bỏ đi, có thể gây nên tình trạng phá sản.
Ông Huy đề xuất: Với những doanh nghiệp đã ổn định lượng xe thì chuyện thay đổi xe cũ mới không nên kiểm soát. Nhà nước chỉ nên đấu giá các xe tăng thêm so với đề án quy hoạch.
Bị đánh đồng thương hiệu khi chung một màu sơn
Giám đốc taxi Ba Sao cũng cho rằng quy định về một màu sơn cho taxi đã được các nước phát triển đã áp dụng từ lâu. Việc quy định một màu sơn có những điểm tích cực nhất định.
Màu sơn thống nhất sẽ giúp phân biệt được xe ngoại tỉnh so với xe được phép hoạt động trong thành phố.
Nhiều doanh nghiệp băn khoăn về nhận diện taxi khi thống nhất màu sơn chung. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Tuy nhiên, việc quy định "mặc đồng phục" này cần phải bàn thêm, vì thương hiệu các hãng taxi sẽ bị đánh đồng.
“Các công ty mất nhiều năm gây dựng thương hiệu. Nếu cùng một màu xe, thương hiệu sẽ bị đánh đồng hết. Ngoài ra, khách hàng rất khó nhận biết doanh nghiệp nào với doanh nghiệp nào, để lựa chọn. Rất khó có cái gì đó khác biệt”, ông Huy nhận định.
Vị này dẫn ra ví dụ, một số thành phố lớn trên thế giới chỉ có khoảng 4-5 hãng taxi. Do đó quy định các hãng đều một màu không quá phức tạp. Tuy nhiên, tại Hà Nội hiện tại có tới 70-80 hãng taxi đang hoạt động. Việc sơn màu xe thế nào cho hợp lý, đảm bảo việc kinh doanh là điều cần bàn thêm.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Bình Minh, Giám đốc Công ty taxi Vạn Xuân, băn khoăn về việc nhận diện các hãng taxi so với dự thảo quy chế quản lý mới.
Theo ông Minh, trước kia thành phố có quy định các hãng taxi phải có nhãn hiệu, có logo riêng… Tuy nhiên, hiện nay lại yêu cầu có nhận diện chung bằng một màu sơn, là cần lưu ý bàn bạc thêm về tính hương hiệu của từng doanh nghiệp.