Ngày 13/2 vừa qua, Xiaomi đã trở thành nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đầu tiên tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm mới theo hình thức online trong bối cảnh virus viêm phổi chủng corona mới đang diễn biến khó lường.
Lei Jun, đồng sáng lập kiêm CEO Xiaomi sinh ra tại Hồ Bắc, sau đó theo học Đại học Vũ Hán từ 1987 đến 1991. Đây cũng là nơi khởi phát dịch bệnh Covid-19 đang trở thành mối nguy hại trên toàn cầu. Ông đã xúc động khi bước lên sân khấu sự kiện được tường thuật trực tiếp trên khắp thế giới.
"Vũ Hán là thành phố của những anh hùng. Người Vũ Hán rất dũng cảm, tự tin và luôn lạc quan... Cuộc sống có thể bị đảo lộn bởi dịch bệnh, nhưng chúng tôi quyết không khuất phục", CEO Xiaomi chia sẻ trong khi đeo khẩu trang, rớm nước mắt.
CEO Xiaomi đeo khẩu trang trong sự kiện ra mắt Mi 10 được tổ chức online ngày 13/2 vừa qua. Ảnh: Xiaomi. |
Xu hướng ra mắt sản phẩm online
Trong khi mục đích chính của sự kiện là giới thiệu dòng smartphone cao cấp Mi 10 và Mi 10 Pro, vị tỷ phú thừa nhận ngành smartphone đang chững lại do dịch Covid-19. Ông hy vọng mọi hoạt động sẽ sớm bình thường trở lại.
Sự kiện online diễn ra sau khi Lu Weibing - Phó chủ tịch Xiaomi, Tổng giám đốc Redmi đăng lên Weibo thông điệp xin lỗi người dùng vì sự kiện ra mắt sản phẩm mới không thể tổ chức như kế hoạch.
Ra mắt sản phẩm online trở thành giải pháp thay thế phù hợp cho các nhà sản xuất trong bối cảnh virus corona bùng phát. Do virus có thể lây từ người sang người, các chuyên gia đã khuyến cáo không nên tụ tập đông người.
Ước tính doanh số sụt giảm nghiêm trọng
Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã khiến nhiều cơ sở sản xuất tại Trung Quốc phải đóng cửa gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung và sản lượng. Không chỉ vậy, doanh số smartphone cũng có thể sụt giảm nghiêm trọng khi hàng loạt công ty phải đóng cửa hàng. Các văn phòng đại diện cũng chưa thể hoạt động, nhân viên được yêu cầu làm việc tại nhà, hạn chế đi đến Trung Quốc để đảm bảo an toàn.
Ra mắt online đang là giải pháp được ưa chuộng để các hãng nhanh chóng mang sản phẩm đến người dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các sự kiện công nghệ lớn. Ảnh: Bloomberg. |
Cả Canalys và Strategy Analytics đều đưa ra ước tính bi quan về doanh số smartphone tại Trung Quốc trong quý I với sản lượng giảm đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái. IDC cũng ước tính mức sụt giảm 30%.
Sự bùng phát của virus đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và lịch trình ra mắt sản phẩm trong nửa đầu năm nay là nhận định của Wu Yiwen, nhà phân tích từ Strategy Analytics.
"Chuyển sang online là giải pháp ngắn hạn... Tôi nghĩ điều này có hiệu quả ở nhất định (trong việc giảm thiểu tác động của virus", bà chia sẻ thêm.
Các thương hiệu như Honor, Realme hay Black Shark cũng lên kế hoạch tổ chức sự kiện online để giới thiệu sản phẩm mới.
Khi các cửa hàng đóng cửa, người dùng muốn mua smartphone sẽ chọn phương thức mua qua mạng. IDC dự báo doanh số smartphone bán qua kênh online tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong nửa đầu năm nay.
Dù ra mắt và bán sản phẩm online đang là giải pháp đuộc ưa chuộng, các kênh offline vẫn đóng vai trò quan trọng bởi chúng mang đến sự tương tác tốt hơn. Theo Jia Mo, nhà phân tích từ Canalys, doanh số từ kênh offline vẫn chiếm 70% trong khoảng thời gian này.
Doanh số và nguồn cung smartphone có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì Covid-19. Ảnh: Nikkei Montage. |
Tầm quan trọng của kênh offline được nhìn thấy rõ bởi các thương hiệu lớn của Trung Quốc như Huawei, Oppo, Xiaomi và ZTE. Họ vẫn tham gia Triển lãm Di động Thế giới (MWC) 2020 trong khi nhiều hãng khác xin rút lui do virus bùng phát, trước khi triển lãm bị hủy bỏ.
Các công ty đã cử nhân viên đến Tây Ban Nha nhiều tuần để chuẩn bị, đặc biệt khi có yêu cầu khách tham quan không được đến Trung Quốc trong ít nhất 14 ngày trước khi đến triển lãm.
Sau khi trình làng bộ đôi Mi 10 và Mi 10 Pro tại Trung Quốc ngày 13/2, Xiaomi xác nhận không thể tổ chức sự kiện ra mắt quốc tế cho 2 sản phẩm vào ngày 23/2 như dự kiến. Thay vào đó, hãng sẽ tổ chức sự kiện riêng tại châu Âu, thời điểm cụ thể chưa được xác định.
Không chỉ Xiaomi, Oppo cũng tuyên bố dời ngày ra mắt smartphone cao cấp Find X2 từ 22/2 sang tháng 3, đồng thời thông cảm cho đơn vị tổ chức MWC là Hiệp hội GSM (GSMA) vì phải hủy bỏ triển lãm.
Đáng tiếc nhất là Realme khi chưa thể có sự kiện đầu tiên của mình tại MWC. Mẫu smartphone cao cấp X50 Pro 5G vẫn sẽ ra mắt vào 24/2 nhưng thông qua Internet với sự góp mặt của các quan chức Realme. Theo PhoneArena, sự kiện sẽ được tường thuật trực tiếp từ Madrid.
Vivo, cái tên tuyên bố rút khỏi MWC 2020 cho biết sẽ tập trung hơn vào các kênh online, đồng thời mở rộng sang thị trường Ấn Độ trong thời gian tới.
Xoay xở khôi phục chuỗi cung ứng
Với việc tiếp tục ra mắt sản phẩm và có mặt ở nhiều thị trường nước ngoài, khó khăn lại chồng chất khi nhiều dây chuyền sản xuất sản phẩm tại Trung Quốc đã tạm đóng cửa, trong đó có Foxconn và Pegasus, sản xuất 70% smartphone bán ra trên thế giới.
Thông thường, tháng 2 và tháng 3 là lúc các hãng thử nghiệm sản phẩm mới trước khi sản xuất hàng loạt để ra mắt sau Tết Nguyên đán. Theo IDC, dịch virus sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch trung và dài hạn, đồng thời dự báo thị trường smartphone Trung Quốc trong năm 2020 sẽ suy giảm 4%.
Công nhân trong một nhà máy tại Trung Quốc. Ảnh: EPA-EFE. |
Nếu các nhà máy trên không thể khôi phục toàn bộ dây chuyền trong thời gian sớm thì Apple, Huawei sẽ gặp khó trong việc đáp ứng nhu cầu người dùng.
Tất nhiên, các hãng đã chuẩn bị giải pháp đối phó. Theo nguồn tin từ Tân Hoa Xã, Oppo đang bù đắp sự thiếu hụt bằng cách tăng cường dây chuyền sản xuất tại Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Algeria... Chia sẻ trên Weibo, Phó chủ tịch Oppo, Shen Yiren thừa nhận việc này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất mẫu smartphone cao cấp mà hãng sắp trình làng.
Một số chuỗi cung ứng còn sản xuất cả khẩu trang. Foxconn, đơn vị gia công chính của Apple đã bổ sung dây chuyền sản xuất khẩu trang dùng cho nhân viên đến công ty. Vivo cũng dành ra 2 dây chuyền để sản xuất khẩu trang.
"Các nhà máy đang áp dụng biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn virus, song sản xuất smartphone là công việc đòi hỏi nhiều nhân công. Chỉ cần một ca nhiễm virus được phát hiện sẽ biến mọi thứ thành thảm họa. Tuy nhiên nếu không thể tiếp tục sản xuất, các nhà máy sẽ nhận tổn thất ngày một lớn", Canalys cho biết.
Tự động hóa được xem là "cứu cánh" giúp các dây chuyền sản xuất phục hồi nhanh hơn. Foxconn dự kiến tự động hóa 30% dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc đến cuối năm nay, tuy nhiên chi phí là vấn đề cần được cân nhắc kỹ.