Nhiều tháng trước khi lộ diện vaccine Covid-19 nào có tiềm năng cao nhất, khi thời điểm chúng được phép lưu hành còn để ngỏ, các hãng hàng không đã bắt tay xây dựng chiến lược vận chuyển loại hàng hóa đặc biệt này trên toàn cầu.
Giữa năm 2020, các hãng American Airlines, Delta Air Lines và United Airlines khởi động thảo luận với quan chức chính phủ, hãng dược và giới chuyên gia về các địa điểm xử lý vaccine, cách thức vận chuyển và phương án sắp xếp nhân sự, máy bay tối ưu, theo New York Times.
Gần đây, các hãng hàng không bắt đầu di chuyển nhiều lô vaccine cho chương trình thử nghiệm và nghiên cứu, hoặc đến nơi cất trữ chuẩn bị cho phân phối quy mô lớn.
Cơ sở trung chuyển hàng hóa của hãng United Airlines tại sân bay quốc tế O'Hare, thành phố Chicago, bang Illinois. Ảnh: NYT. |
Đá khô và nhiệt độ siêu lạnh
Ngành hàng không thế giới sẽ đóng vai trò then chốt trong vận chuyển hàng triệu liều vaccine trong vài tháng tới. Máy bay sẽ thoát cảnh nằm không. Phi hành đoàn sẽ lên những chuyến bay đặc biệt, phục vụ cho chuỗi cung ứng chính món hàng sẽ mang hành khách trở lại với họ.
"Khi yêu cầu được gửi đến, nó sẽ rất gấp và chúng tôi phải hành động ngay lập tức", Manu Jacobs, người giám sát khâu vận chuyển dược phẩm và hàng hóa đặc biệt cho United Airlines, cho biết.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với các hãng hàng không là đảm bảo nhiệt độ thấp khi vận chuyển. Sản phẩm của Pfizer và BioNTech đòi hỏi nhiệt độ siêu lạnh đến -70 độ C, còn yêu cầu bảo quản cho vaccine của Moderna là -20 độ C.
Hãng dược Pfizer đã thiết kế những container làm lạnh đặc biệt, sử dụng đá khô để duy trì nhiệt độ siêu lạnh.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý hàng không nhiều nước có quy định hạn chế lượng đá khô được mang lên máy bay. Nguyên liệu này được chế tạo từ CO2 lỏng, một khi bay hơi sẽ tăng nguy cơ ngộ độc không khí cho phi công và phi hành đoàn.
United Airlines phải thử nghiệm độ an toàn trước khi đề nghị Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) nâng giới hạn đá khô trên máy bay để đưa vaccine Pfizer từ sân bay quốc tế Brussels về O'Hare ở Chicago, bang Illinois. Chiếc Boeing 777-224 cho chuyến bay được nâng giới hạn đá khô từ hơn 1.300 kg lên đến hơn 6.800 kg.
Theo hãng hàng không Mỹ, một chiếc Boeing 777 có khả năng chở tối đa 1 triệu liều vaccine Covid-19. Hai hãng hàng không khác là American Airlines và Delta Air Lines cũng đang làm việc với FAA về giới hạn sử dụng đá khô trong vận chuyển vaccine.
Boeing xác nhận hãng đang làm việc với các nhà sản xuất máy bay khác để xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn cho mọi hãng hàng không về vận chuyển vaccine.
Container duy trì nhiệt độ thấp cho dược phẩm được đặt tại sân bay quốc tế Philadelphia, bang Pennsylvania. Ảnh: NYT. |
Chưa từng có tiền lệ
Việc vận chuyển và phân phối vaccine Covid-19 có quy mô và mức khẩn trương chưa từng có tiền lệ đối với các hãng hàng không và ngành dịch vụ hậu cần.
UPS đã bắt đầu lắp đặt "trang trại đông lạnh" ở nhiệt độ siêu thấp, có khả năng cất trữ hàng hóa đến -80 độ C. Những cơ sở này được xây ngay cạnh khu vực trung chuyển hàng hóa đường hàng không của UPS tại Mỹ và châu Âu. Bộ phận phụ trách hàng hóa y tế của công ty cũng tăng sản lượng đá khô, với năng suất của những cơ sở tại Mỹ là hơn 540 kg/giờ.
Tương tự UPS, hãng dịch vụ vận chuyển FedEx đã bổ sung thêm cơ sở trữ đông siêu lạnh vào hệ thống tại Mỹ. Cả hai công ty còn nắm trong tay những phi đội máy bay vận tải khổng lồ cho cuộc đua vận chuyển vaccine toàn cầu.
Vào giữa tháng 11, American Airlines đã tổ chức hàng loạt chuyến bay thử nghiệm từ Miami đến Nam Mỹ, kiểm tra hệ thống đóng gói nhiệt độ thấp và quy trình xử lý dành riêng cho vaccine Covid-19, đồng thời tham gia vận chuyển vaccine thử nghiệm đến nhiều nước trong thời gian qua.
Khu vực kiểm soát nhiệt độ trong cơ sở trung chuyển hàng hóa của hãng United Airlines tại Chicago. Ảnh: NYT. |
American Arilines đang khẩn trương chuẩn bị giấy chứng nhận và giấy phép vận chuyển vaccine, đảm bảo thời gian giao hàng chính xác và những máy bay thỏa điều kiện được bố trí ở đúng nơi, đúng lúc.
"Chúng tôi tin rằng mọi người chơi trong ngành phải hợp sức, không chỉ hàng không mà cả ngành hậu cần chuỗi cung ứng, thì chúng ta mới thành công", Jessica Tyler, lãnh đạo bộ phận vận chuyển hàng hóa của American Airlines, cho biết.
Vận chuyển dược phẩm không phải lĩnh vực quá lạ lẫm các hãng hàng không. Nhiều công ty tại Mỹ đã có kinh nghiệm trong phân phối vaccine cúm và nhiều hãng còn mở rộng tham gia vào ngành dược trong vài năm qua.
American Airlines năm 2015 còn xây cả một nhà kho rộng hơn 2.300 m2 làm nơi cất trữ dược phẩm, với khả năng bảo quản đến -20 độ C, tại sân bay quốc tế Philadelphia, bang Pennsylvania.
Hãng Delta Air Lines cũng nhảy vào thị trường vận chuyển vaccine thử nghiệm, kit xét nghiệm Covid-19 và sản phẩm y tế từ tháng 8. Các chuyến bay được tổ chức trong phạm vi nước Mỹ hoặc mang hàng hóa từ Bỉ và vùng Mỹ Latin trở về Mỹ.
Một lãnh đạo công ty cho biết họ còn thiết lập "tháp kiểm soát vaccine" dành riêng cho việc theo dõi và điều phối các chuyến hàng đặc biệt này.