Ngày 5/7, tại kỳ họp thứ 4, HĐND Hà Nội dành trọn một ngày để chất vấn các thành viên UBND TP về những vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm.
Đại biểu đại biểu Phạm Thanh Mai (Đông Anh) đặt câu hỏi: "Vi phạm về trật tự xây dựng không chỉ xảy ra ở các cá nhân mà còn ở các tổ chức xây dựng. Vậy quá trình điều tra đã tiến hành tới đâu?"
Giám đốc Công an Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết Thanh tra TP đã chuyển cho Công an TP kết luận sai phạm xây dựng tại các doanh nghiệp như Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên do ông Lê Thanh Thản làm chủ tịch.
"Báo cáo với Hội đồng, đây là đơn vị triển khai khoảng 12 dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua điều tra, chúng tôi thấy rằng các dự án này đều có dấu hiệu trốn thuế, thứ hai là vi phạm về quản lý nhà ở. Chúng tôi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tiếp nhận kết luận của Thanh tra TP. Nhưng Bộ Công an cũng nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm của đơn vị này tại 21 tỉnh thành trên toàn quốc. Vì vậy trong quá trình điều tra chúng tôi cũng phải phối hợp với Bộ Công an", thiếu tướng Đoàn Duy Khương nói.
-
Vi phạm trật tự xây dựng đang gia tăng
Đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng cho rằng thực trạng vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương. Đơn cử như tại huyện Mê Linh, Thanh Trì, Đông Anh đều gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2017. Vậy trách nhiệm của giám đốc Sở Xây dưng và chính quyền các thị trấn, quận, huyện đến đâu khi xảy ra các vi phạm này?
Việc nâng tầng đã tăng mật độ dân cư khiến hệ thống hạ tầng xã hội không đáp ứng được nhu cầu dân cư tại khu đô thị. Đề nghị UBND TP cho biết các biện pháp để tổ chức khắc phục những tồn tại trong thời gian qua và biện pháp ngăn chặn trong thời gian tới như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam khẳng định việc vi phạm trật tự xây dựng tại các khu đô thị, tình trạng xây dựng sai mật độ, chuyển đổi công năng thành nhà ở đã diễn biến phức tạp nhưng chưa được khắc phục, chấn chỉnh. Cử tri, người dân bức xúc trước thực trạng này. Vậy trách nhiệm của UBND TP, trách nhiệm của Sở Xây dưng, Sở Quy hoạch & Kiến trúc ở đâu?
Liên quan tới công tác dồn điền đổi thửa biến tướng, người dân xây các trang trại sinh thái thành công trình biệt thự, các lô biệt thự để sang nhượng. Vậy các đồng chí có biết không?
Chủ tịch Hà Nội "chốt" phiên chất vấn
Theo Chương trình kỳ họp, UBND TP sẽ báo cáo tình hình thực hiện kết luận của Chủ tọa kỳ họp tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội tới các đại biểu HĐND TP.
HĐND TP sẽ dành thời gian để các đại biểu thực hiện tái chất vấn về tình hình thực hiện kết luận của Chủ tọa kỳ họp tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội khóa XV trước khi tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết qua quá trình tiếp xúc cử tri để chuẩn bị cho kỳ họp HĐND thứ 4, Thường trực HĐND TP đã thu được 297 ý kiến về các vấn đề kinh tế xã hội, đô thị, dân sinh...
Chủ tịch HĐND TP thông tin về cách thức chất vấn, đây là lần đầu tiên HĐND TP chất vấn toàn bộ nội dung kết luận của một kỳ họp nhằm xem trách nhiệm, thúc đẩy tiến độ và hiệu quả công việc. Đại biểu quan tâm tới nội dung nào sẽ tiến hành chất vấn nội dung đó, Chủ tọa sẽ kết luận theo nhóm tái chất vấn.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng báo cáo tình hình thực hiện kết luận của Chủ tọa kỳ họp tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố Hà Nội.
Cuối buổi chất vấn, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẽ tiếp thu và giải trình các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.
Theo chương trình, phiên chất vấn cũng là ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XV.
-
Vi phạm gia tăng vì cán bộ yếu kém
Ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch huyện Đông Anh thừa nhận việc xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn là do cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm. Trong thời gian qua huyện Đông Anh đã tiến hành kỷ luật một số cán bộ vi phạm, thậm chí có trường hợp còn bị xử lý hình sự. Theo ông Châm, đến cuối năm 2017, tất cả vi phạm về trật tự xây dựng sẽ được xử lý cơ bản.
"Lãnh đạo xã yếu kém dẫn đến vi phạm đất đai tăng. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về chuyên môn, chính quyền cơ sở lơ là, không xử lý ngay từ đầu. Ngoài ra, trách nhiệm còn thuộc về cán bộ cơ quan cấp huyện.
Tại khu vực xã Hải Bối, đầu cầu Thăng Long, mức độ đô thị hóa ngày càng tăng. Việc canh tác nông nghiệp ở đây khó khăn cộng với việc công tác quản lý kém dẫn đến. 3 khóa liền xử lý các cán bộ bị xử lý vì vi phạm đất đai, thậm chí từ bí thư đến chủ tịch xã cũng bị xử lý hình sự.
Tại khu vực xã Nguyên Khê, chúng tôi chỉ đạo UBND xã xử lý triệt để các công trình nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được. Đây là khu vực giáp ranh nên rất khó xử lý. Chủ tịch xã Nguyên Khê đã hứa với UBND huyện sẽ xử lý các công trình xưởng vi phạm đất đai trước ngày 15/7.
Ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch huyện Đông Anh.
-
Đình chỉ nhiệm vụ của chủ tịch xã
Ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch huyện Mê Linh thông tin trong năm 2016, huyện đã đình chỉ nhiệm vụ của hai chủ tịch xã để chấn chỉnh việc vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
Ông Trọng cho biết việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, huyện "xin nhận trách nhiệm về công tác tuyên truyền". Đối với các địa phương để xảy ra vi phạm nhiều như thị trấn Quang Minh sẽ có chấn chỉnh cụ thể với chính quyền cơ sở.
Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch huyện Mê Linh nhìn nhận thực trạng đang xảy ra nguy cơ biến đất nông nghiệp thành trang trại, rồi từ trang trại xây biệt thự.
-
Việc điều tra sai phạm xây dựng tại các tòa nhà chung cư đến đâu?
Đại biểu Phạm Thanh Mai (Đông Anh) đánh giá việc vi phạm trật tự xây dựng không chỉ xảy ra tại cá nhân, hộ gia đình mà còn ở các tổ chức xây dựng như việc nhiều tòa nhà chung cư xây dựng sai giấy phép. Một số vụ việc nghiêm trọng được cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc. Vậy tôi xin hỏi Giám đốc Công an TP tiến độ xử lý, điều tra về các vụ việc này ra sao? Bao giờ cơ quan chức năng có câu trả lời với cử tri về việc này khi mức độ vi phạm là đặc biệt nghiêm trọng.
Đại biểu Đoàn Việt Cường nêu lên nhiều sai phạm xây dựng ngay tại nội đô nhưng vẫn có tình trạng sai phạm rồi được hợp thức hóa. Vậy vai trò của Giám đốc Sở Quy hoạch & Kiến trúc như thế nào?
-
Các dự án của ông Thanh Thản đều có dấu hiệu trốn thuế
Giám đốc Công an Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết Thanh tra TP đã chuyển cho Công an TP kết luận những sai phạm xây dựng tại các doanh nghiệp như Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên của ông Lê Thanh Thản.
"Báo cáo với hội đồng, đây là đơn vị triển khai khoảng 12 dự án trên địa bàn Hà Nội. Qua điều tra, chúng tôi thấy rằng các dự án này đều có dấu hiệu trốn thuế. Thứ hai là vi phạm về quản lý nhà ở. Chúng tôi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tiếp nhận kết luận của Thanh tra TP. Nhưng Bộ Công an cũng nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm của đơn vị này tại 21 tỉnh thành trên toàn quốc. Vì vậy trong quá trình điều tra chúng tôi cũng phải phối hợp với Bộ Công an", thiếu tướng Đoàn Duy Khương nói.
Về việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho hay: "Sang tuần, sau khi có ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an, chúng tôi sẽ tiến hành khởi tố những sai phạm của Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên trên địa bàn TP Hà Nội. Nếu Bộ Công an yêu cầu Cục C46 (Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng) khởi tố vụ án, Công an TP Hà Nội sẽ chuyển hồ sơ sai phạm của đơn vị này sang Bộ Công an".
-
Xây nhà trẻ trước khi xây chung cư
Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch & Kiến trúc khẳng định khi xây dựng các khu đô thị, trong bản quy hoạch đều phải có đầy đủ hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, chủ đầu tư không thực hiện đúng. Thực tế cho thấy, các chủ đầu tư xây nhà trước, xây hạ tầng sau dẫn đến chậm hơn so với quy hoạch. Một vấn đề khác là tốc độ phát triển đô thị rất lớn, các hạ tầng xã hội trong đó có nhà trẻ, trường không thể đáp ứng kịp. Một nguyên nhân dẫn đến quá tải trường mầm non là do tỷ lệ trường công và trường xã hội hóa chênh lệch. Nhu cầu, tâm lý người dân luôn muốn cho con em theo học trường công.
Cụ thể ở quận Cầu Giấy, chúng ta có 15 trường mẫu giáo công so với 51 trường mẫu giáo tư; Quận Tây Hồ có 8 trường mầm non công trên tổng số 32 trường. Thành phố cũng đang cố gắng khắc phục vấn đề này.
Về hướng giải quyết, ông Vinh cho rằng đối với các dự án mới, yêu cầu các nhà đầu tư đẩy nhanh xây dựng trường học nhà trẻ. Thứ hai, đối với các dự án cấp phép đầu tư mới phải xây dựng công trình hạ tầng xã hội trước khi xây nhà.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Quy hoạch & Kiến trúc cho biết hiện có tình trạng chủ đầu tư quy hoạch nhà trẻ, trường học vào khu khó giải tỏa như ao làng, nghĩa trang. Sở đã phát hiện ra những sự việc này và đã yêu cầu chủ đầu tư thay đổi quy hoạch nhà trẻ sang các vị trí khác.
-
Đại gia "điếu cày" phá vỡ quy hoạch
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho biết việc di dân vào nội đô là do quy hoạch của Hà Nội chưa tốt. Thực tế cho thấy tốc độ tăng dân cư ở Hà Nội đang rất phức tạp. Ông Nam dẫn chứng ở phường Hoàng Liệt trong 2 năm, dân số tăng gấp đôi do các công trình chung cư xây dựng quá nhiều. Việc này dẫn đến quá tải. Hơn nữa, trình trạng thay đổi quy hoạch công trình theo hướng tăng tầng, tăng diện tích so với quy hoạch ban đầu đang gia tăng. Vậy trách nhiệm của Giám đốc Sở Quy hoạch & Kiến trúc đến đâu?
Trước tranh luận của đại biểu Nguyễn Hoài Nam về việc quy hoạch tại bán đảo Linh Đàm bị phá vỡ bởi các khối nhà chung cư cao tầng của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch & Kiến trúc thừa nhận: "Nhiều công trình trên địa bàn Hà Nội thay đổi quy hoạch. Sở xin tiếp thu và trong quá trình tham mưu thành phố sẽ chặt chẽ hơn trong việc điều chỉnh quy hoạch".
Sau phần trả lời của Giám đốc Sở Quy hoạch & Kiến trúc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết mặc dù còn nhiều ý kiến chất vấn, tranh luận về vấn đề quy hoạch nhưng do thời gian có hạn nên các đại biểu có thể chất vấn tiếp tại kỳ họp cuối năm.
-
Đưa lực lượng thanh tra xây dựng về quận, huyện
Trao đổi thêm về lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Hùng thừa nhận việc vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn là phổ biến. Trong năm qua, dù các cấp chính quyền đã cố gắng, tập trung nhưng việc thực hiện được chưa nhiều. Những sai phạm cũ chưa được xử lý triệt để, những phát sinh mới chưa được xử lý sớm. Vì vậy diễn biến còn phức tạp.
"Chúng ta còn nhận dạng trước đây vi phạm trật tự xây dựng chủ yếu ở nội thành thì nay còn xuất hiện ở ngoại ô, đất nông nghiệp và cả hành lang an toàn của đê điều, điện lực", ông Hùng nói.
Về vấn đề trách nhiệm, ông Hùng cho biết chỉ cần một bài báo đăng, UBND TP đã chỉ đạo xuống các đơn vị, địa phương. Hoặc nhận được tin nhắn của nhân dân, thành phố đều yêu cầu trực tiếp thậm chí chuyển tin nhắn cho lãnh đạo địa phương xử lý.
Gần đây Thành ủy, HĐND TP đã quyết định chuyển lực lượng thanh tra xây dựng từ Sở Xây dựng về quận, huyện để các đồng chí có công cụ quản lý. Mô hình này, Hà Nội được phép thí điểm.
Trước diễn biến của vi phạm, vấn đề trật tự xây dựng không chỉ của Sở Xây dựng mà Sở Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên & Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp cũng phải tham mưu trong từng lĩnh vực, trong từng chức năng.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội cho biết TP sẽ công bố thông tin của các doanh nghiệp, người dân vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Đối với những vi phạm nghiêm trọng TP sẽ yêu cầu cơ quan thanh tra, cơ quan công an vào cuộc làm rõ.
-
Cấm cửa” chủ đầu tư dự án thiếu PCCC
Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu khẳng định những công trình đang trong quá thi công, hoàn thiện vi phạm PCCC, Hà Nội sẽ kiên quyết không cấp điện, cấp nước. Nếu giám đốc xí nghiệp nước, công ty điện tự ý cấp nước, diện cho dự án sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố và pháp luật.
Theo ông Sửu, chủ đầu tư xây dựng các công trình không đảm bảo PCCC thành phố sẽ thống kê lại và không đồng ý cấp phép thêm các dự án. Trong trường hợp chủ đầu tư cố tình vi phạm, chây ỳ trong công tác PCCC, Hà Nội kiên quyết chuyển cơ quan điều tra.
Cũng theo Phó chủ tịch Hà Nội, đối với các chung cư cao tầng, chủ đầu tư phải đảm bảo xe cứu hỏa vào được bên trong khi xảy ra sự cố cháy nổ. Tới đây, vườn hoa, tiểu cảnh ở các dự án phải giải tỏa dành đường xe cứu hỏa vào. “Người dân cũng phải tỉnh táo trong việc mua nhà. Đến dự án nào tìm hiểu, chủ đầu tư phải đưa ra được văn bản PCCC thì mới ký hợp đồng. Làm như thế là đảm bảo tính mạng cho mình và người thân”, ông Sửu nói.