Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quản lý chưa tốt, nhiều biệt thự công ở Hà Nội bị phá dỡ

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (huyện Thạch Thất), Trưởng ban Pháp chế HĐND cho rằng do quản lý không tốt gần 50 biệt thự công ở Hà Nội đã bị phá dỡ.

Ngày 4/7, HĐND Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh danh mục biệt thự, với đại biểu 100% đại biểu tán thành.

Trình bày tờ trình, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết UBND Hà Nội đề nghị điều chỉnh danh mục 970 biệt thự cũ, trong đó đưa 20 biệt thự ra khỏi danh mục, xác định là công trình kiến trúc xây trước năm 1954, điều chỉnh giảm 123 biệt thự đã phá dỡ, một số đã xây dựng mới, còn lại vẫn là ô đất trống… Đặc biệt, có 5 biệt thự phải điều chỉnh lại do thống kê trùng.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hoài Nam (huyện Thạch Thất), Trưởng ban Pháp chế HĐND cho rằng, trước đây một số lãnh đạo TP, sở, quận, huyện khóa trước để xảy ra sai sót nhưng chưa được thành phố làm rõ trong báo cáo.

“Nếu, chúng ta dễ dàng thông qua nghị quyết, mai mốt lại tiếp tục rút các biệt thự ra khỏi danh mục. Tôi mong Chủ tịch UBND bảo đảm cam kết với HĐND thành phố khóa này để đại biểu yên tâm ấn nút", Trưởng ban Pháp chế nói.

Ông Nam cũng thông tin, thời gian qua "chúng ta đã bị mất 123 biệt thự", trong đó gần 70 biệt thự được phá dỡ theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước và đã được Chính phủ, thành phố đồng ý chủ trương; gần 50 biệt thự bị phá là do "chúng ta không quản lý tốt".

Sai sot viec len danh sach biet thu co anh 1
Lãnh đạo Hà Nội nhận sai sót trong việc lên danh mục quản lý biệt thự cổ. Ảnh: Thắng Quang.

Giải trình, làm rõ thêm ý kiến đại biểu, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng di sản biệt thự rất có ý nghĩa đối với Hà Nội nghìn năm văn hiến. Sau 1954, tất cả biệt thự được đưa vào quản lý sử dụng, với nhiều chức năng, không đúng công năng biệt thự. Trong đó, biệt thự bố trí cả cơ quan làm việc, cơ quan ngoại giao thậm chí do khó khăn chỗ ở nên chia cho các cán bộ lúc bấy giờ... 

Năm 2008, UBND Hà Nội xây dựng Nghị quyết 18 giao cho Sở TN&MT căn cứ vào hồ sơ, xây dựng nên danh mục 970 biệt thự này. Trong đó, có bất cập nhiều về vấn đề nhận diện và đánh giá.

"Đến 2013, chúng ta tiếp tục có sai sót như vậy trong vấn đề xây dựng danh mục. Nguyên nhân là chính sách quản lý chưa rõ ràng nên có những việc thành phố cho phép, có việc quận cho phép... sau đó, mới xác định rõ cấp độ", Phó chủ tịch Hà Nội nói.

"Về mặt trách nhiệm, TP xác định rằng đây là trách nhiệm của UBND với thẩm quyền được giao. Với việc điều chỉnh nghị quyết 18 và nghị quyết 24, Hà Nội xác định trách nhiệm sẽ phải quản lý tốt danh mục sau điều chỉnh, quản lý tốt việc thực hiện đầu tư, cải tạo theo đúng quy định", ông Nguyễn Thế Hùng khẳng định.

Cũng theo ông Hùng, TP Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp sau khi ra nghị quyết như: Đánh giá 35 biệt thự (17 khu đất trống, 18 khu đất mới), TP sẽ làm rõ và quản lý theo quy hoạch, sai đâu phải xử lý phải xử lý đó; Chỉ đạo, cập nhật hồ sơ cho từng loại biệt thự, có biệt tự, có mã số, số hóa tòa bộ biệt thự.

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ kiểm định chất lượng biệt thự, đặt biệt biệt thự nhóm 2,3 (nguy hiểm) để đảm bảo an toàn cho người sử dụng; Hoàn chỉnh danh mục tổng thể danh mục trên địa bàn TP, xem xét đề xuất bổ sung quy chế.

Trước đó, ngày 4/1, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, đã yêu cầu sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội phải kiểm soát chặt chẽ các biệt thự có từ trước năm 1954.

Theo ông Chung, ông đã phát hiện dấu hiệu bất minh trong việc quản lý một biệt thự. Ông gọi vụ mua bán trót lọt căn biệt thự này là “không thể tưởng tượng được”.

Chủ tịch Hà Nội đưa ra bằng chứng trong vụ việc này là hồ sơ đề xuất đã đánh số nhà ảo cho căn biệt thự và khẳng định có tiêu cực trong vụ việc này.

Hà Nội điều tra việc đánh số nhà ảo để bán biệt thự

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đã phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật trong việc mua bán biệt thự cổ ở thủ đô.

Quang Anh - Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm