Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đủ nguồn vật liệu?

Nguồn vật liệu cát đắp nền đường bộ cao tốc qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần cung cấp và đáp ứng đủ để các nhà thầu thi công đưa dự án về đích theo đúng kế hoạch đề ra.

Các dự án đường bộ cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang được các địa phương triển khai thực hiện các thủ tục giao mỏ và nâng công suất khai thác nhằm đảm bảo nguồn vật liệu cát đắp nền đường cho các nhà thầu khai thác, thi công.

Đẩy nhanh thủ tục cấp mỏ cát

Báo cáo Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai các Dự án đường bộ Cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy hiện khu vực này đang triển khai đầu tư xây dựng 8 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 463 km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng, đến năm 2026 sẽ cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác.

Với Dự án Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau (gồm 2 dự án thành phần là Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau), tổng chiều dài 110,8 km tuyến chính và 25,9 km tuyến nối, quy mô phân kỳ 4 làn xe rộng 17 m; tổng mức đầu tư 27.523 tỷ đồng. Tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án này khoảng hơn 18 triệu m3.

Trong đó, nguồn vật liệu cát năm 2023 cần 9,1 triệu m3; năm 2024 cần 9 triệu m3 và chủ yếu tập trung tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp.

Tính đến nay, các tỉnh đã bố trí cho dự án được gần 1,5 triệu m3 cát đắp. Nếu tiếp tục quyết định cung cấp cát từ các mỏ đang khai thác cho dự án (An Giang 2,2 triệu m3, Đồng Tháp 0,5 triệu m3), nguồn cát sẽ có thêm 2,7 triệu m3, đủ điều kiện để triển khai thi công đến hết tháng 9/2023.

“Đến tháng 10/2023, khi tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp hoàn thành các thủ tục cấp mỏ mới sẽ đảm bảo nhu cầu 9,1 triệu m3 trong năm 2023”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết.

Để bảo đảm kế hoạch thi công, giải ngân nguồn vốn đã bố trí cho Dự án Cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung triển khai thi công các hạng mục cầu, các công trình không phụ thuộc nguồn vật liệu cát đắp nền.

Đến nay, các nhà thầu đã chủ động mua 0,5 triệu m3 từ nguồn cát thương mại cùng gần 0,4 triệu m3 cát đã được tỉnh Đồng Tháp cung cấp để triển khai thi công hệ thống đường công vụ, tập trung đào bóc hữu cơ.

Du an Cao toc anh 1

Nếu không sớm hoàn thành các thủ tục để cung ứng đủ khối lượng cát theo kế hoạch thi công sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm.

Thiếu vật liệu sẽ cản tiến độ về đích dự án

Đối với các dự án cao tốc trục ngang mới được khởi công là Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, theo tính toán, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng gần 29 triệu m3. Trong đó, năm 2023 cần 6,8 triệu m3; năm 2024 cần hơn 13 triệu m3; năm 2025 cần gần 9 triệu m3.

Cụ thể, dự án thành phần 1 (An Giang) có tổng nhu cầu vật liệu hơn 9 triệu m3, riêng năm 2023 cần gần 3 triệu m3. Thời điểm này, tỉnh An Giang đã bố trí 3,1 triệu m3 từ 5 mỏ đang khai thác, đủ nhu cầu năm 2023 và sẽ tiếp tục bố trí đủ nguồn cung cấp cho dự án từ các mỏ trong tỉnh.

Dự án thành phần 2 (Cần Thơ), tổng nhu cầu cát đắp khoảng gần 5 triệu m3 (riêng năm 2023 cần khoảng 0,5 triệu m3); dự án thành phần 3 (Hậu Giang) cần hơn 7 triệu m3 (nhu cầu năm 2023 khoảng gần 2 triệu m3).

Hiện nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang đã làm việc với tỉnh An Giang và thống nhất phía An Giang cung cấp cho các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ khoảng 7,5 triệu m3 từ mỏ Bình Phước Xuân và nhánh Cù lao Tây.

Dự án thành phần 4, tổng nhu cầu cát đắp nền được tính toán cần gần 7,6 triệu m3 (năm 2023 cần hơn 1,5 triệu m3). Tỉnh Sóc Trăng đã có phương án bố trí các mỏ trên địa bàn để cung cấp đủ cát cho dự án.

Hiện nay, các địa phương đang phối hợp để thống nhất về phương án, thủ tục giao mỏ cho nhà thầu triển khai các thủ tục để khai thác.

Đối với Dự án Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dự án thành phần 1 có tổng nhu cầu cát đắp nền khoảng hơn 2 triệu m3 (năm 2023 là 0,56 triệu m3). Tỉnh Đồng Tháp đã cân đối đủ nguồn cát cho dự án.

Dự án thành phần 2, nhu cầu cát đắp cần khoảng 1,33 triệu m3 (riêng năm 2023 cần 0,3 triệu m3), tỉnh Tiền Giang đã làm việc và được tỉnh Đồng Tháp thống nhất cân đối bố trí đủ nguồn cát cho dự án.

Đề cập đến Dự án Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, tổng nhu cầu cát đắp khoảng 3,1 triệu m3. Tỉnh Đồng Tháp đã cân đối đủ nguồn cát cho dự án.

Bộ Giao thông Vận tải đưa ra kế hoạch Dự án Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sẽ phê duyệt dự án đầu tư trong tháng 8/2023, đàm phán ký Hiệp định vay ODA với Chính phủ Hàn Quốc vào cuối năm 2023, triển khai các công việc liên quan để khởi công dự án vào tháng 9/2024. Dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027.

Đánh giá các Dự án Cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đi qua khu vực địa chất yếu, việc xử lý lún nền đường mất nhiều thời gian, phía Bộ Giao thông Vận tải cho rằng đến nay, các dự án đã cơ bản xác định được nguồn cung nguồn vật liệu cát đắp, nếu không sớm hoàn thành các thủ tục để cung ứng đủ khối lượng cát theo kế hoạch thi công sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu cát đắp để hoàn thành công tác đắp nền đường Dự án Cần Thơ - Cà Mau(trước tháng 6/2024), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng(trước tháng 12/2024) và sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư một số dự án, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt sở tài nguyên và môi trường, căn cứ các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện các thủ tục giao mỏ cho các nhà thầu khai thác, không phát sinh các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện.

Các chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan của địa phương để sớm hoàn thành các thủ tục khai thác mỏ đảm bảo tiến độ cung cấp cát theo kế hoạch.

Sách hay về đô thị

Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.

Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.

Hà Nội một thuở phố và người ghi dấu những nét văn hóa riêng, đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội qua từng thời kỳ dưới góc nhìn của một con người Hà Nội, đã gắn bó với mảnh đất thủ đô. Tác phẩm như tiếp lửa cho những con người yêu Hà Nội thêm hiểu và gắn bó với mảnh đất này.

https://www.vietnamplus.vn/cac-du-an-cao-toc-o-dong-bang-song-cuu-long-da-du-nguon-vat-lieu/873819.vnp

Việt Hùng/VietnamPlus

Bạn có thể quan tâm