Hiện có 11 bang tại Mỹ yêu cầu các nhà sản xuất ôtô đến năm 2025 phải bán được tỷ lệ nhất định các dòng xe không phát khí thải. Nếu không đủ chỉ tiêu, các công ty buộc phải mua tín chỉ khí thải từ những nhà sản xuất ôtô khác nhằm đáp ứng những yêu cầu này.
Là công ty chuyên về ôtô điện, bán tín chỉ khí thải cho hãng khác giúp Tesla mang về 3,3 tỷ USD trong suốt 5 năm qua, riêng 2020 chiếm gần nửa số đó.
Khoản tín chỉ quy định 1,6 tỷ USD hãng nhận được vào năm ngoái vượt xa thu nhập ròng 721 triệu USD. Điều này đồng nghĩa, Tesla sẽ lỗ nếu không có khoản tiền này.
Bán tín chỉ khí thải cho công ty khác giúp Tesla mang về 3,3 tỷ USD trong suốt 5 năm qua. CNN. |
Kiếm tiền từ đối thủ
“Tesla mất tiền khi bán ôtô, nhưng kiếm lời từ việc bán tín chỉ. Tuy nhiên, nguồn tiền này sẽ dần biến mất”, Gordon Johnson từ hãng nghiên cứu GLJ Research, một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Tesla nhận định.
Ban lãnh đạo Tesla cũng thừa nhận công ty không thể tiếp tục trông chờ vào nguồn tiền này.
“Đây luôn là lĩnh vực cực kỳ khó dự đoán đối với chúng tôi", Giám đốc Tài chính Zachary Kirkhorn của Tesla cho biết, “Về lâu dài, doanh số tín chỉ quy định sẽ không còn là một phần quan trọng, chúng tôi cũng không lập kế hoạch kinh doanh cho mảng này. Doanh số vẫn có thể duy trì mạnh mẽ trong vài quý tới. Cũng có lẽ là không".
Công ty báo cáo thu nhập ròng năm 2020 sau điều chỉnh là 2,5 tỷ USD. Lợi nhuận gộp mảng ôtô của Tesla kiếm được sau khi trừ chi phí sản xuất, bán và cung cấp dịch vụ vào khoảng 5,4 tỷ USD.
Ban lãnh đạo Tesla thừa nhận công ty không thể tiếp tục trông chờ vào việc bán tín chỉ khí thải. Ảnh: Shutter. |
Thêm vào đó, dòng tiền tự do 2,8 tỷ USD của công ty cũng tăng 158% so với một năm trước, cho thấy sự thay đổi ngoạn mục so với 2018 khi Tesla luôn đốt tiền và có nguy cơ phá sản. Giới quan sát cho rằng sau nhiều năm thua lỗ, Tesla cuối cùng đã bắt đầu kiếm được tiền.
Khả năng kiếm tiền của Tesla cũng chia nhà đầu tư thành hai luồng ý kiến. "Họ rơi vào cuộc cãi vã không hồi kết về hai vấn đề khác nhau", chuyên gia phân tích công nghệ Gene Munster từ Loup Ventures nhận định.
Theo ông, các nhà phê bình đang quá tập trung vào việc những khoản tín chỉ khí thải vượt quá thu nhập ròng. Ông cho rằng biên lợi nhuận gộp mới là thước đo tốt nhất cho thành công tài chính của công ty.
"General Motors và Volkswagen sẽ không thể kiếm tiền được như thế nếu chỉ dựa vào mảng ôtô điện của họ”, Gene Munster cho biết.
Tương lai của Tesla
Mức tăng giá cổ phiếu lên đến 743% trong năm 2020 biến Tesla trở thành một trong những công ty Mỹ có giá trị nhất trên thế giới. Tuy nhiên, 500.000 xe hãng bán được vào năm 2020 chỉ là phần nhỏ của hơn 70 triệu xe bán trên thế giới.
Cổ phiếu Tesla hiện giá trị tương đương 12 nhà sản xuất ôtô lớn nhất, những công ty bán hơn 90% ôtô toàn cầu cộng lại. Tốc độ tăng trưởng nhanh chính là điều Tesla vượt mặt các hãng còn lại.
Trong khi các nhà sản xuất ôtô khác vật lộn để đạt mức bán như trước đại dịch, Tesla dự báo tốc độ tăng trưởng doanh số hàng năm là 50%, dự kiến sẽ tốt hơn nữa vào năm 2021.
Tốc độ tăng trưởng nhanh chính là điều Tesla vượt mặt các hãng còn lại. Ảnh: CNN. |
Toàn bộ ngành công nghiệp ôtô đang hướng đến tương lai hoàn toàn bằng điện, vừa đáp ứng các quy định môi trường khắt khe, vừa giải quyết nhu cầu xe điện ngày càng tăng.
Một nguyên nhân khác là xe điện đòi hỏi ít lao động, bộ phận và chi phí chế tạo thấp hơn so với ôtô chạy xăng truyền thống.
Do đó, Tesla ngày càng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Hầu như mọi nhà sản xuất ôtô thông báo kế hoạch ra mắt dòng xe điện riêng. Volkswagen đã vượt Tesla về doanh số bán xe điện ở hầu hết thị trường châu Âu. Tuần trước, General Motors cho biết họ hy vọng sẽ chuyển hoàn toàn sang ôtô không khí thải vào năm 2035.
“Tesla khó giữ được 80-90% thị phần xe điện, nhưng họ vẫn có thể phát triển ngay cả với thị phần thấp hơn nhiều. Giờ đây, họ đang đi trên quỹ đạo phát triển cả khi không cần bán tín chỉ khí thải", Daniel Ives, nhà phân tích công nghệ từ Wedbush Securities cho hay.