Đại sứ Việt Nam tại Iran, ông Nguyễn Hồng Thạch (giữa), tại buổi ký kết Bản ghi nhớ giữa đại diện UBND Thành phố Cần Thơ và công ty BB&A của Iran. "Thật vô lý khi nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới và nước nhập khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới không mua gạo của nhau", đại sứ bày tỏ. Ảnh: FBNV |
- Theo đại sứ, việc sử dụng mạng xã hội trong hoạt động tuyên truyền ngoại giao có những hiệu quả riêng như thế nào?
- Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Tôi sử dụng Facebook để chia sẻ nhiều hơn thông tin về các hoạt động của đại sứ quán (ĐSQ) và chuyển sang chế độ “công khai” cách đây gần một năm. Từ chỗ chỉ chia sẻ với một số bạn bè, tôi thấy thông tin của mình có thể hữu ích cho nhiều người khác nên quyết định “công khai” các bài đăng.
Việc này hỗ trợ rất nhiều cho công việc quảng bá, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Iran là nhiệm vụ chính của ĐSQ.
Rất nhiều người tôi không quen ngoài cuộc sống mà chỉ biết trên mạng xã hội. Nhưng qua theo dõi trang cá nhân của tôi, họ nói thông tin về hoạt động của ĐSQ rất bổ ích.
Một số doanh nghiệp đã liên lạc để ĐSQ giúp kết nối làm ăn, thậm chí mạnh dạn sang Iran để tìm hiểu cơ hội. Trang cá nhân của tôi không chỉ để các doanh nghiệp Việt Nam hiểu hơn về Iran, chúng tôi đang xây dựng cả trang web để có thể tương tác với các bạn Iran hiệu quả hơn.
- Ông Lương Thanh Nghị, Đại sứ Việt Nam tại Australia: Trước hết phải khẳng định, trong thời đại toàn cầu hóa và số hóa cao độ như hiện nay thì ngoại giao kỹ thuật số (digital diplomacy) có vai trò hết sức quan trọng và trở thành xu hướng chung trên thế giới.
Đại sứ Lương Thanh Nghị phát biểu tại lễ Quốc khánh 2/9 tổ chức ở Australia. Ảnh: Vietnam in Australia |
Tổng thống Barack Obama thành lập trang Facebook chính thức vào ngày 9/11. Báo New York Times cho biết, hơn 45.000 người đã nhấn "Thích" trang này chỉ trong giờ đầu tiên sau khi nó được công bố. Hiện tại, trang của ông Obama có hơn 380.000 người dùng theo dõi.
Tại Nhà Trắng, ông Obama có một đội truyền thông xã hội gồm 20 người chuyên trách cập nhật thông tin, hoạt động và phát biểu của ông trên các nền tảng khác nhau.
Nhiều quốc gia, nhất là các nước phát triển, đang đi theo hướng này. Việc tận dụng nền tảng Internet, đặc biệt là các mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về chính sách đối ngoại,đất nước, con người được các cá nhân, tổ chức, chính phủ sử dụng tương đối phổ biến và hỗ trợ rất hiệu quả cho ngoại giao truyền thống.
Tuy nhiên, mạng xã hội chưa thể thay thế các kênh báo chí, truyền thông chính thống, nhất là đối với những vấn đề cần phải luận giải, phân tích chuyên sâu.
- Thời gian qua, đại sứ vận động bạn bè trên mạng xã hội chia sẻ các thông tin về chiến dịch đưa vải Việt Nam sang Australia. Những thông tin trên mạng giúp ích cụ thể cho chiến dịch như thế nào?
- Đại sứ Lương Thanh Nghị: Ngay từ khi chúng ta được phép xuất khẩu vải thiều vào thị trường Australia, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan thương vụ xây dựng kế hoạch truyền thông để quảng bá rộng rãi cho trái vải. Tuy nhiên, Australia là một đất nước rộng lớn và chi phí cho quảng cáo cũng rất tốn kém.
Do vậy việc chia sẻ thông tin tới đông đảo kiều bào và người dân sở tại thông qua mạng xã hội là phương cách hiệu quả nhất và không tốn kém.
Chúng tôi rất vui và bất ngờ, vì chỉ trong một ngày đăng tải thông tin đã có hàng chục nghìn lượt truy cập và hàng trăm chia sẻ. Kết quả, hàng chục tấn vải thiều được tiêu thụ ở Sydney và Melbourne chỉ trong thời gian ngắn. Trong vụ vải thiều năm tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh quảng bá trên kênh này.
ĐSQ Việt Nam tại Australia sử dụng mạng xã hội để kêu gọi kiều bào ủng hộ chiến dịch xuất khẩu vải thiều Việt Nam sang Australia. Ảnh: Vietnam in Australia |
- Đại sứ từng chia sẻ, một số người Việt Nam đã đến Iran du lịch và bày tỏ cảm xúc khác so với những thông tin họ thường tiếp nhận về đất nước này. Vì sao thưa ông?
- Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Sự việc như trên là do chúng ta hiện nay thiếu thông tin về Iran, và thông tin đôi khi thiếu chính xác.
Điều này không chỉ xảy ra đối với Việt Nam mà còn đối với hầu hết các nước vì thông tin trên thế giới hiện nay bị phụ thuộc nhiều vào thông tin của phương Tây. Là đại sứ sở tại, tôi thấy trách nhiệm phải cung cấp thông tin đầy đủ hơn về đối tác để trong nước có hiểu biết đầy đủ về đối tác. Điều này sẽ thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, vốn là nhiệm vụ hàng đầu của tôi.
- Theo đại sứ, vai trò của mạng xã hội để sứ quán kết nối với người dân sở tại và người dân ở quê hương có những ưu điểm và hạn chế nào?
- Đại sứ Lương Thanh Nghị: Bên cạnh website của ĐSQ, chúng tôi lập Fanpage “Vietnam in Australia” từ tháng 2 với mục đích cung cấp những thông tin cập nhật về đất nước, con người Việt Nam, cộng đồng Việt Nam ở Australia, và mối quan hệ Việt Nam - Australia.
Với đặc thù Australia là đất nước rộng lớn, cộng đồng người Việt Nam sống rải rác ở nhiều vùng miền thì đây là phương tiện hữu hiệu để kết nối với người dân sở tại cũng như cộng đồng người Việt Nam chúng ta.
Mặt khác, mạng xã hội cũng tương đối phổ biến tại Australia, nên thông tin đến với công chúng nhanh hơn, sự tương tác giữa ĐSQ và người dân cũng được thường xuyên và kịp thời.
Đại sứ Lương Thanh Nghị trò chuyện cùng một số kiều bào đang sinh sống tại Canberra có mặt tại buổi lễ Quốc khánh 2/9. Ảnh: Vietnam in Australia |
Trong những tình huống khẩn cấp liên quan tới công dân ta, việc truyền tải và tiếp nhận thông tin qua mạng xã hội hết sức hữu dụng. Ví dụ, khi vụ việc bắt cóc con tin xảy ra tại Sydney, thông qua mạng xã hội chúng tôi đã xác minh ngay được không có người Việt nào ở đó.
- Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Càng ngày tôi càng thấy sức mạnh của mạng xã hội giúp các ĐSQ tăng cường kết nối với người dân sở tại và người dân quê hương. Có hôm, tôi giật mình nhìn thấy danh sách bạn bè của tôi đã hơn 1.000 người.
"Ra đường không sợ móc túi, để quên đồ sẽ được trả lại, con người vui vẻ, nồng hậu", một người dùng chia sẻ trên trang cá nhân của Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch sau khi cô đến thăm Iran.
Một khi đã là trang mở chúng ta không thể tránh khỏi những phiền toái, đôi khi có những lời bình (comment) không phù hợp.
Tuy nhiên, nếu chịu khó "đối thoại", chúng ta vẫn có thể tìm thấy những những đóng góp xây dựng trong những lời bình tưởng như thiếu xây dựng. Điều cần tránh chính là không nên né tránh những vấn đề gai góc, mà phải tìm cách xử lý nó.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch phát biểu tại tuần triển lãm ảnh "Việt Nam ngày nay" ở Iran hồi tháng 5. Ảnh: FBNV |
- Đại sứ dành bao nhiêu thời gian trong ngày để sử dụng mạng xã hội? Theo ông, một đại sứ thì nên đăng những gì, và không nên đăng gì?
- Đại sứ Lương Thanh Nghị: Tôi thường xuyên sử dụng mạng xã hội nếu có thời gian rảnh, để cập nhật về tình hình trong nước cũng như tại Australia. Riêng tại Australia, các chính trị gia, các tờ báo đều kết nối với mạng xã hội. Do vậy đây là nguồn tin ban đầu rất quan trọng đối với các nhà ngoại giao.
Việc đăng bài phụ thuộc vào mục đích của mình, đôi khi chỉ là những thông tin mang tính cá nhân, hoặc là những thông tin về một vấn đề cụ thể nào đó của sở tại nhằm giới thiệu cho bạn bè tham khảo.
Tuy nhiên, với tư cách một đại sứ, không phải thông tin gì cũng đưa lên mạng xã hội mà phải cân nhắc nhiều yếu tố, nhất là không làm phương hại tới lợi ích quốc gia dân tộc, không ảnh hưởng tới quan hệ Việt Nam - Australia cũng như với các nước khác.
- Bên cạnh các thông tin về hoạt động ở Iran, thỉnh thoảng đại sứ vẫn chia sẻ quan điểm về các vấn đề thời sự trong nước (như vụ chặt cây ở Hà Nội). Ông cân nhắc thế nào về những bài đăng này với tư cách cá nhân và cương vị đại sứ?
- Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Trước khi tôi là Đại sứ, tôi là một công dân. Tôi cũng suy nghĩ nhiều trước khi đưa ý kiến của mình trên Facebook về các vấn đề thời sự trong nước. Tôi xác định mình không chỉ thực hiện trách nhiệm của một đại sứ mà mình cũng phải có trách nhiệm như một người công dân.
Một số hiểu rằng hai vai trò này đôi khi mâu thuẫn nhau và không phát biểu về những vấn đề rất thời sự trong nước. Họ không phải không có lý khi nghĩ như vậy, vì nhiều khi chúng ta vẫn hiểu lầm là ủng hộ mới là trách nhiệm còn phản biện là không trách nhiệm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói ai cũng có khuyết điểm cả vấn đề là biết nhìn ra khuyết điểm để sửa. Chúng ta thực hiện phê và tự phê cũng là theo tinh thần đó. Vậy tại sao chúng ta lại không góp ý một cách xây dựng cho các quyết định chưa đúng của chúng ta?
Tôi nghĩ dám góp ý không ngại hiểu sai là thực hiện đúng trách nhiệm của một người công dân. Điều này hoàn toàn không mâu thuẫn với trách nhiệm của một đại sứ. Tôi hy vọng là những người có trách nhiệm hiểu đúng tinh thần xây dựng của những ý kiến đóng góp. Chuyện chặt cây của Hà Nội là ví dụ điển hình. Đến giờ này các cấp cũng đã thừa nhận là có sai lầm trong việc thực hiện dự án này.