Các 'đại gia' vẫn băn khoăn với chuyển mạng giữ nguyên số
Việc chuyển mạng giữ nguyên số được cho là cửa bứt phá của các mạng nhỏ nhưng lại là mối băn khoăn của những mạng lớn vì phải tốn chi phí đầu tư và cuộc chiến cạnh tranh giữa các mạng khốc liệt hơn.
>> Beeline bị xóa sổ, khách hàng đi về đâu?
>> Các đại gia di động sẽ chung một giá SIM?
Việc chuyển mạng giữ nguyên số là mối băn khoăn của những mạng di động lớn như VinaPhone vì phải tốn chi phí đầu tư. |
Mới đây, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đưa ra đề xuất sẽ tiến hành cho phép chuyển mạng giữ nguyên số từ năm 2014. Đề xuất này khiến các mạng di động có ý kiến trái chiều nhau. Trong khi các mạng di động lớn không mấy mặn mà thì mạng nhỏ lại tỏ ra hồ hởi.
Mạng lớn băn khoăn
Một lãnh đạo VinaPhone phân tích, nếu xét dưới góc độ khách hàng thì việc cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra cho khách hàng quyền lựa chọn nhà mạng phù hợp với mình cũng là hợp lý. Về mặt công nghệ, việc xử lý cho khách hàng chuyển mạng giữ nguyên số sẽ thực hiện không mấy khó khăn. Tuy nhiên, các mạng di động phải đầu tư không nhỏ để phục vụ cho chính sách này.
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, liệu đến năm 2014 kinh tế đã phục hồi để cho nhà mạng có đủ sức đầu tư cho hệ thống phục vụ chính sách khách hàng chuyển mạng giữ nguyên số? Vị lãnh đạo trên còn cho rằng, khi chính sách này được thực thi thì việc chuyển dịch thuê bao từ mạng lớn sang mạng nhỏ có thể có, nhưng không đáng lo ngại. Điều đáng ngại nhất đó là sự "giành giật" thuê bao giữa 3 mạng di động lớn.
“Rất có thể các nhà mạng sẽ đưa ra chính sách thu hút thuê bao bằng cách hỗ trợ khách hàng phí chuyển đổi và phí đền bù cho mạng cũ. Như vậy, cuộc chiến này sẽ rất khốc liệt nên đòi hỏi chính sách đi kèm với nó phải đủ mạnh để không dẫn đến cạnh tranh quá đà gây đổ vỡ thị trường”, vị lãnh đạo VinaPhone nói.
Tương tự như VinaPhone, một lãnh đạo MobiFone cũng lo ngại việc chi phí đầu tư của các mạng sẽ tăng lên nếu chính sách chuyển mạng giữ nguyên số được áp dụng.
Ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom nhận định, nếu áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số thì các mạng phải đầu tư thêm hệ thống kỹ thuật. Số tiền phải đầu tư hiện vẫn chưa thể tính được là khoảng bao nhiêu. Tuy nhiên, chính sách này chắc chắn tác động mạnh đến các mạng di động lớn. Khi đó, đòi hỏi những mạng di động lớn phải chăm sóc khách hàng và hoàn thiện dịch vụ tốt hơn. Ông Hoàng Sơn đề nghị, Bộ TT&TT cũng cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm triển khai của các nước như thế nào để áp dụng cho Việt Nam.
Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng, muốn triển khai chính sách chuyển mạng giữ nguyên số, không nên nhìn vào doanh thu bình quân trên thuê bao mà nhìn vào hạ tầng và mật độ người sử dụng. Khi các mạng di động triển khai xong hạ tầng thì nên thực thi chính sách này. Có lẽ, chính sách “đổi họ giữ nguyên tên” nên được áp dụng vào thời điểm số lượng thuê bao đăng ký trùng khít với số lượng thuê bao hoạt động và số lượng thuê bao 3G đạt một con số nhất định. “Nếu chính sách này bị đẩy sớm quá sẽ làm cho các DN đua nhau đưa ra hàng loạt chính sách ngắn hạn nhằm hạn chế sự di chuyển thuê bao của mình sang mạng khác nên không chú trọng đầu tư nguồn lực cho chính sách dài hạn. Và thiệt hại đầu tiên do những “cơn bão” mang tới sẽ đổ lên các mạng di động trước, sau đó quay lại ảnh hưởng đến khách hàng”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Mạng nhỏ háo hức
Trong số các mạng di động nhỏ, hiện Beeline và S-Fone chưa đưa ra lời bình luận gì về chính sách chuyển mạng giữ nguyên số. Có lẽ, chính sách này chưa phải là việc thu hút sự quan tâm hàng đầu của các mạng trong thời điểm hiện nay khi mà Beeline đang phải đương đầu với việc hoạch định chiến lược phát triển khi mà đối tác Vimpelcom rút lui khỏi thị trường Việt Nam, còn S-Fone phải lo tìm đối tác đầu tư.
Trong số các mạng nhỏ, Vietnamobile tỏ vẻ sốt ruột vì họ luôn xem đây là cơ hội cho mình. Trong lần trả lời trước đó, bà Elizabete Fong, Tổng Điều hành của Vietnamobile cho rằng: “Chúng tôi rất chờ đón và hoan nghênh những chính sách như vậy. Nó sẽ giúp cho các nhà mạng mới như Vietnamobile có nhiều cơ hội hơn bởi chúng tôi đã đầu tư rất nhiều nguồn lực tài chính để xây dựng mạng của mình. Ngoài ra, khách hàng là những người được hưởng lợi nhiều nhất vì có không ít người đã sử dung 1 mạng từ rất lâu; giờ muốn chuyển đổi nhưng họ bị giữ lại số điện thoại đã quen dùng”.
Ngay từ khi đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, Vietnamobile cho rằng, cần đưa khái niệm giữ nguyên số khi chuyển mạng vào Dự thảo nhằm tạo môi trường tối ưu cho những nhà mạng mới. Theo phân tích của đại diện Vietnamobile, việc chuyển mạng giữ nguyên số sẽ giúp quản lý Nhà nước tốt hơn đối với kho số di động và cơ sở hạ tầng viễn thông, đồng thời chứng tỏ với thế giới rằng, lĩnh vực viễn thông của Việt Nam thực sự cởi mở và lành mạnh.
Theo ICTnews