Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Các đại gia bất động sản lũng đoạn Hong Kong, thổi lửa biểu tình'

Nhà kinh tế nổi tiếng Andy Xie khẳng định các cuộc biểu tình bùng lên ở Hong Kong chủ yếu vì người dân thành phố bức xúc với sự lũng đoạn và quyền lực của các đại gia bất động sản.

Liên tiếp nhiều tháng qua, Hong Kong - trung tâm tài chính của châu Á - rung chuyển bởi các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc. Trong các ngày 12 và 13/8, Sân bay quốc tế Hong Kong rơi vào tình trạng tê liệt hoàn toàn. 

Theo CNBC, nhà kinh tế nổi tiếng Andy Xie - cựu chuyên gia Ngân hàng Morgan Stanley - cho rằng có một cách để chính quyền đặc khu Hong Kong và các nhà lãnh đạo Trung Quốc hạ nhiệt căng thẳng. Đó là tước bỏ quyền lực của các đại gia bất động sản Hong Kong và cải tổ thị trường nhà đất. 

"Sự bức xúc dữ dội với giá nhà đất trên trời tại Hong Kong là một nguyên nhân lớn khiến biểu tình bùng nổ và lan rộng", chuyên gia Xie nhấn mạnh.

ngon nguon con gian du cua Hong Kong anh 1
Người Hong Kong biểu tình từ nhiều tháng qua. Ảnh: Getty.

Nồi hơi âm ỉ

"Xã hội Hong Kong đã sôi sục như nồi áp suất trong một thời gian dài", ông Xie cho biết. Theo thống kê của Centa-City Leading Index, giá nhà tại Hong Kong tăng 300% kể từ năm 2003. Giá trung bình của một căn hộ cao gấp 20 lần thu nhập trung bình của một hộ gia đình mỗi năm.

"Tuy nhiên thu nhập của người dân Hong Kong không tăng. Người trẻ thành phố đã đánh mất niềm hi vọng. Họ biết sẽ không bao giờ mua nổi một căn nhà tại đây để xây dựng gia đình cho riêng mình. Họ sẽ sống thế nào? Sự tuyệt vọng và cảm giác bất hạnh đã đổ dầu vào lửa biểu tình", chuyên gia Xie phân tích. 

Nhà kinh tế danh tiếng đưa ra quan điểm trên sau khi các đại gia bất động sản hàng đầu Hong Kong lên tiếng kêu gọi người dân ngừng biểu tình để thành phố ổn định trở lại. CEO Zhang Yichen của CITIC Capital viết trên WeChat, yêu cầu thành phố khôi phục lại sự trật tự. 

Trên thực tế, Hong Kong là một trong những nơi có chênh lệch giàu nghèo trầm trọng nhất thế giới. Đây là thành phố có giờ làm việc dài nhất và tiền thuê nhà cao nhất.

ngon nguon con gian du cua Hong Kong anh 2
Trong một căn hộ quan tài ở Hong Kong. Ảnh: Fortune

Báo cáo của CBRE, được công bố hồi tháng 4, cho thấy giá trung bình một căn hộ tại Hong Kong lên đến 1,2 triệu USD, vượt xa Singapore, Thượng Hải hay New York.

Khoảng 210.000 cư dân Hong Kong đang phải sống trong hàng nghìn căn hộ bị chia nhỏ trái phép của thành phố. Nhiều căn nhỏ đến mức bị gọi là "cái lồng" hoặc "quan tài", có diện tích dưới 10 m2.

Theo chuyên gia Xie, các đại gia bất động sản Hong Kong là thủ phạm thổi giá nhà đất thành phố lên quá cao. “Chính phủ Hong Kong không có thực quyền. Nhiều người nghĩ rằng chính phủ Hong Kong bị Bắc Kinh chi phối, nhưng thực tế họ bị các đại gia bất động sản dắt mũi", ông nhấn mạnh.

Thu nhập bằng 5% người giàu thì ở cũng chỉ bằng 5% diện tích

Ông cho biết chính quyền Hong Kong đã vài lần thay đổi chính sách nhà đất, nhưng cuối cùng "họ vẫn ưu ái các ông trùm bất động sản, giao đất cho những đại gia này".

Ông Xie giải thích các đại gia bất động sản Hong Kong nắm giữ trong tay quỹ đất thành phố, không xây dựng nhiều khu dân cư "để xiết chặt thị trường và đẩy giá nhà lên càng cao càng tốt", vượt quá xa khả năng chi trả của đa số người dân. 

Theo ông Xie, các ông trùm bất động sản Hong Kong xác định giá nhà đất theo mức lương và thưởng của những người làm việc trong ngành tài chính. Vấn đề là thu nhập của nhóm này vượt xa người lao động ở các ngành nghề khác. 

"Một người bình thường có thu nhập chỉ bằng 5% so với chuyên viên tài chính. Với các ông trùm bất động sản, người thường chỉ nên ở diện tích bằng 5% nhà của chuyên viên bất động sản. Do đó họ xây những căn hộ quan tài. Điều đó thật điên rồ", nhà kinh tế Xie bức xúc. 

ngon nguon con gian du cua Hong Kong anh 3
Diện tích nhà ở bình quân của Hong Kong còn nhỏ hơn diện tích một chỗ để xe New York. Ảnh: New York Times. 

"Các đại gia nghĩ rằng mọi người sẽ ngoan ngoãn chấp nhận tình trạng đó, nhưng con giun xéo mãi cũng phải quằn", chuyên gia Xie khẳng định. Theo ông, các đại gia bất động sản chính là nguồn gốc dẫn tới những căng thẳng hiện tại, do đó cần được xử lý. 

“Thay vì tìm đến các đại gia để nghe tư vấn cách giải quyết bất ổn ở Hong Kong, các quan chức Bắc Kinh cần giữ khoảng cách với họ. Phải ngăn những kẻ này nắm giữ quyền lực chính trị, thao túng mọi chính sách của thành phố. Phải ép họ quay trở lại với vai trò doanh nhân bình thường”, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Morgan Stanley khẳng định.

Trước nhà kinh tế Xie, cũng đã có nhiều chuyên gia lên tiếng về tình trạng đại gia bất động sản chi phối chính trường Hong Kong. "Toàn bộ hệ thống bị các nhóm đặc quyền đặc lợi chi phối", New York Times dẫn lời ông Cheuk-Yan Lee, Tổng thư ký Liên đoàn Công đoàn Hong Kong, nói hồi tháng 7.

"Nhiều người trẻ nhận thấy họ không có đường thoát về kinh tế và trở nên giận dữ", giáo sư Ho-fung Hung thuộc Đại học Johns Hopkins khẳng định.

Nhà 'quan tài' và thu nhập thấp là nguồn gốc biểu tình ở Hong Kong

Giá thuê nhà tại Hong Kong cao hơn nhiều so với New York, London hay San Francisco. Và cứ năm người dân Hương Cảng thì có một phải sống trong cảnh nghèo khổ.



An Chi

Bạn có thể quan tâm