Theo Nikkei Asian Review, các công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon (Mỹ) không còn hào hứng với thị trường Trung Quốc khi dịch virus corona bùng phát từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) và lan rộng.
"Đề phòng virus corona, xin vui lòng không bắt tay. Xin cảm ơn", cửa văn phòng tại trụ sở của Andreessen Horowitz - công ty đầu tư mạo hiểm thành công nhất nước Mỹ - ghi rõ.
Những cái bắt tay không phải là điều duy nhất các công ty đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon đang lẩn tránh.
"Chúng tôi đã tạm dừng mọi giao dịch tại Trung Quốc và thậm chí một số ở các nước châu Á khác", một nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng nói với Nikkei Asian Review.
Các quỹ đầu tư Mỹ không còn hào hứng bắt tay với doanh nghiệp Trung Quốc vì dịch virus corona. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Dừng mọi giao dịch với Trung Quốc
Với số ca nhiễm virus Vũ Hán tăng liên tục kéo theo nhiều trường hợp tử vong, hàng triệu doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc đóng cửa văn phòng, yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà và hủy các cuộc họp.
Phản ứng lại, các công ty Mỹ đình chỉ tất cả các chuyến công tác đến và đi từ Trung Quốc sau khi Bộ Ngoại giao nước này đưa ra cảnh báo "không đi du lịch" đến Trung Quốc.
Trước đó, các nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lung Silicon liên tục bay từ sân bay quốc tế San Francisco hoặc San Jose để đến Trung Quốc tìm kiếm cơ hội làm ăn.
Nhưng với dịch virus corona đang hoành hành, hiện tất cả các chuyến bay từ Mỹ đến Trung Quốc đều bị hủy cho đến cuối tháng 3. Tình trạng bế tắc làm gián đoạn đáng kể dòng chảy kinh doanh thông thường ở Thung lũng Silicon.
"Chúng tôi gần như không thể giám sát các hoạt động tại châu Á trong tình hình hiện tại", một nhà đầu tư mạo hiểm giấu tên than thở. Ông cho biết công ty của ông đã giảm các chuyến đi quốc tế, không riêng thị trường châu Á.
Các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc tê liệt vì dịch virus corona. Ảnh: NYT. |
Doanh nhân David Ulevitch, một đối tác của Andreessen Horowitz, đăng trên Twitter rằng đã đặt mua bộ đồ bảo hộ và mặt nạ phòng độc để phòng ngừa virus corona.
"Tôi không hủy bất kỳ cuộc hẹn nào vào tuần tới do virus corona. Nhưng, nghiêm túc, nếu bạn đã đến Trung Quốc trong 2 tuần qua, chúng ta sẽ họp online", ông David Ulevitch nói rõ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các chuyên gia tài chính tại Thung lũng Silicon sẽ "tháo chạy" hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc.
Thị trường sẽ phục hồi
"Năm 2020 được cho là năm hồi phục của dòng đầu tư vào Trung Quốc sau giai đoạn thận trọng vì thương chiến trong năm 2018 và 2019", đối tác của một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Menlo Park cho biết.
Theo doanh nhân này, thời gian qua đã có một số điều chỉnh về định giá của hàng loạt công ty khởi nghiệp Trung Quốc trong năm 2019. Các nhà đầu tư nước này cũng đang trở nên thận trọng hơn.
Với sự cạnh tranh giảm đi, đây là thời điểm tốt để mua cổ phiếu của các công ty khởi nghiệp Trung Quốc với giá thấp. Nhưng các nhà đầu tư Mỹ hiện không thể đích thân kiểm tra tình trạng của các startup tại Trung Quốc.
"Chúng tôi vẫn đang xem xét các lời mời đầu tư và liên lạc với các công ty trong khu vực," doanh nhân trên cho biết. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn được thời điểm thực hiện các thỏa thuận do diễn biến phức tạp của dịch virus corona.
Một doanh nhân đầu tư mạo hiểm tập trung vào công nghệ tiêu dùng cho rằng các startup Trung Quốc được định giá tương đối rẻ so với Mỹ và nhu cầu thị trường của đất nước này vẫn còn rất lớn.
"Chúng tôi đã lên kế hoạch đặt cược ở thị trường Trung Quốc nhiều hơn tại Mỹ vào năm 2020. Nhưng các kế hoạch đang bị trì hoãn do không biết đến bao giờ dịch virus corona mới được kiềm chế", doanh nhân này nói.
Cảnh vắng vẻ ở Bắc Kinh vì dịch virus corona. Ảnh: CNN. |
Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng trong những tháng đầu năm của dịch SARS cuối năm 2002 và đầu năm 2003. Nhưng khi dịch SARS được kiểm soát, lượng tiền đầu tư từ nước ngoài bắt đầu chảy trở lại vào Trung Quốc.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, nước này thu hút 53,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2003, tăng trưởng 1,44% so với năm 2002.
Một báo cáo của hãng nghiên cứu công nghệ CB Insights cho thấy sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu sau dịch SARS và Zika, khối lượng giao dịch thị trường tư nhân lập tức phục hồi ở các khu vực bị ảnh hưởng.
"Cả hai cuộc suy thoái ở thị trường tư nhân trong quá khứ khi đại dịch bùng phát được tiếp nối bởi quá trình phục hồi kinh tế" báo cáo cho biết.
"Vì vậy, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chúng ta có thể thấy các giao dịch mang tính bước ngoặt hoặc dòng đầu tư lớn cho thị trường châu Á".