Theo South China Morning Post, trước đây, chị Zhang Huan từng bán đồ dùng nhà bếp ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Giờ, chị nhận ra đang sống trong giai đoạn bùng nổ của thương mại điện tử. Xu hướng mua hàng theo nhóm và giao hàng mở rộng nhanh chóng ở mọi thành phố của đất nước tỷ dân.
Trong mô hình mua hàng theo nhóm, một người chịu trách nhiệm đại diện cho một nhóm người mua hàng. Vì sao điều này trở nên phổ biến? Nguyên nhân là trong thời kỳ đại dịch, nhiều người cao tuổi ngại ra ngoài để mua hàng. Ngoài ra, việc mua hàng theo nhóm cũng giúp tiết kiệm hơn.
"Mô hình mua theo nhóm giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả vì lợi thế quy mô. Giao hàng trực tuyến thường mất thêm 3-5 NDT phí bổ sung để người giao hàng đưa hàng đến tận nhà. Tuy nhiên, mô hình mua hàng theo nhóm sẽ tiết kiệm được chi phí này, vì hàng được giao đến người đại diện mỗi nhóm", SCMP dẫn lời nhà phân tích Zhao Yue của hãng nghiên cứu Analysys cho biết.
Mua hàng theo nhóm bùng nổ khi người mua hàng muốn mua trực tuyến với giá hời. Ảnh: SCMP. |
Xu hướng mới
Theo nghiên cứu của Kaiyuan Securities, chi phí giao hàng chặng cuối đối với giao dịch mua theo nhóm chiếm khoảng 2% mỗi đơn hàng, so với khoảng 13% (đối với giao hàng cá nhân) tại các chuỗi siêu thị thương mại điện tử như Missfresh và DingDong Maicai.
Cô Tuan Zhang là người đứng đầu một nhóm mua hàng nhóm. Cô quản lý hai nhóm gồm 400 người trên ứng dụng nhắn tin WeChat. Cô Zhang sở hữu một cửa hàng ở một khu dân cư tại Vũ Hán. Nhưng cửa hàng của cô thực chất chỉ là địa điểm để các thành viên trong nhóm mua hàng đến lấy đồ.
Mua hàng theo nhóm là một xu hướng lớn ở các thị trường thấp cấp của Trung Quốc (những thành phố nhỏ hơn bốn đô thị cấp một là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến). Các thị trường này còn được gọi là "thị trường chìm".
"Do sự thâm nhập mạnh mẽ của thương mại điện tử ở các thành phố cấp một và cấp hai, không gian để phát triển tại những thị trường này đã rất hạn chế", ông Feiqi Luo tại hãng nghiên cứu Euromonitor International bình luận.
"Tuy nhiên, gần 700 triệu người dùng kỹ thuật số ở 'thị trường chìm' này cho thấy tiềm năng tiêu dùng trực tuyến không lồ", ông Luo nói thêm.
Dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng ngại đến nơi đông người để mua sắm. Ảnh: Bloomberg. |
Trên thực tế, mua theo nhóm đã xuất hiện từ trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, dịch bệnh và các lệnh giãn cách xã hội khiến xu hướng này bùng nổ mạnh mẽ. "Mua theo nhóm có khả năng trở thành một kế hoạch cơ sở hạ tầng quan trọng của các doanh nghiệp bán lẻ mới ở những 'thị trường chìm' này", nhà phân tích Huang Zepeng tại Kaiyuan Securities nhận định.
"Các đơn đặt hàng lớn và chi phí giao hàng giảm sẽ giúp mô hình này phát triển mạnh, nhất là ở những thành phố nhỏ, dù lợi nhuận trên mỗi đơn hàng giảm đi", ông nói thêm.
Các dịch vụ tạp hóa trực tuyến cũng trở thành trọng tâm của nhiều công ty thương mại lớn ở Trung Quốc. Chuỗi siêu thị Freshippo của Alibaba Group Holding, gã khổng lồ giao hàng Meituan và startup Xingsheng Preference được Tencent rót vốn đều là những "tay chơi" lớn trong lĩnh vực.
Hồi tháng 11, Pinduoduo - công ty thương mại điện tử lớn thứ ba Trung Quốc - tuyên bố là nền tảng trực tuyến lớn nhất đối với lĩnh vực nông sản. Tại đây, các sản phẩm được bán trực tiếp từ trang trại đến bàn ăn.
Cạnh tranh khốc liệt
Thị trường tạp hóa trực tuyến của Trung Quốc được dự báo tăng từ 400 tỷ NDT (61,16 tỷ USD) năm 2019 lên 1.000 tỷ NDT (147 tỷ USD) sau 3 năm. Tuy nhiên, một thách thức khá tốn kém đối với các nền tảng thương mại điện tử là vấn đề số hóa và cải thiện cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng ở nông thôn, nhằm đảm đảo vận chuyển nhanh và ổn định.
Đại dịch sẽ làm thay đổi cuộc sống của nhiều người. Trước đây, nhiều người Trung Quốc thường mua hàng tạp hóa từ các siêu thị địa phương và chợ, nhất là tại những thành phố nhỏ. Nhịp sống ở đây thường chậm hơn với chi phí sống thấp hơn.
Tuy nhiên, đại dịch đã thay đổi thói quen này. Đến năm 2025, gần 50% hoạt động mua sắm hàng tạp hóa của Trung Quốc dự kiến chuyển sang trực tuyến. Tỷ lệ hiện tại là 20%, theo ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs.
Công việc thường ngày của cô Zhang là gửi đường dẫn mua hàng vào nhóm WeChat, mời thành viên đặt hàng thịt, cá, rau và hoa quả trên các ứng dụng. Một số người mua mới có thể mua rau với giá thấp tới 0,01 NDT rồi lấy hàng tại cửa hàng của cô Zhang vào ngày hôm sau.
Những người như cô Zhang được khuyến khích mời thêm nhiều khách hàng mới để nhận thưởng lớn hơn, chẳng hạn hoàn tiền. Cô Zhang cho biết giá thấp là một trong những điều hấp dẫn nhất của hoạt động mua theo nhóm.
Trước đây, nhiều người Trung Quốc thường mua hàng tạp hóa từ các siêu thị địa phương và chợ. Nhưng dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen này. Ảnh: Reuters. |
Theo cô Zhang, cuộc sống của cô trở nên bận rộn hơn khi Didi Chuxing, Pinduoduo, Meituan, Alibaba và JD.com đẩy mạnh thuê những người đứng đầu nhóm mua hàng. "Các nền tảng không hề dè dặt trong việc cạnh tranh", cô Zhang nói.
Từ Nice Tuan được Alibaba rót vốn, Xingsheng Preference do Tencent Holdings chống lưng, Duo Duo Maicai, các nền tảng từ gã khổng lồ gọi xe Didi Chuxing và gã khổng lồ dịch vụ giao hàng Meituan đều đang giành giật khách hàng từ nhóm WeChat của cô Zhang.
Ông Wang Xing, nhà đồng sáng lập kiêm CEO Meituan, khẳng định Meituan Youxuan hiện là một mô hình kinh doanh giao hàng tạp hóa hiệu quả ở các thành phố nhỏ. Họ đang nhắm đến mục tiêu mở rộng ra 1.000 thành phố vào cuối năm nay.
"Tôi không chắc ai là người giành chiến thắng trong thị trường này. Cuộc cạnh tranh sẽ không sớm kết thúc", ông Wang Xing khẳng định.