Ngày 29/8, tại hội thảo sửa đổi Nghị định 67 ở Đà Nẵng, ngư dân Đinh Công Khánh (chủ tàu BĐ-99086 TS), cho biết ông cùng với 6 đồng nghiệp lặn lội từ Bình Định ra dự với thông điệp yêu cầu doanh nghiệp đóng tàu phải sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra cho họ.
Ông kể năm 2015 sau khi đăng ký vay vốn theo Nghị định 67, gia đình ông được ngân hàng BIDV cho vay tổng cộng 18,7 tỷ đồng. Thời điểm đó, ông cũng như nhiều người khác được Công ty đóng tàu TNHH MTV Nam Triệu giới thiệu là đơn vị của Bộ Công an nên mọi người chọn doanh nghiệp này đóng tàu vỏ thép.
Khi tàu hoàn thiện, ông hớn hở cùng các thuyền viên nổ máy vươn khơi, với hy vọng sớm thu hồi vốn trả nợ cho ngân hàng. Thế nhưng, ngay chuyến ra biển đầu tiên, tàu của ông đã gặp sự cố.
Tàu cá của ngư dân bị hỏng phải nằm bờ. Ảnh: Minh Hoàng. |
“Ngày 20/9/2016, tôi đưa tàu ra Trường Sa để khai thác thì hầm đá bị ứ nước, toàn bộ đá lạnh hỏng sạch không thể giữ lạnh cho cá", ông Khánh kể.
Theo lời ngư dân này, sau 5 ngày lênh đênh trên vùng biển Trường Sa, ông thu hoạch được khoảng 2 tấn cá. Tuy nhiên, khi đưa xuống hầm lạnh thì toàn bộ đá đã tan chảy thành nước nên hải sản bị hư hỏng. "Chuyến đi này tôi bị lỗ gần 300 triệu đồng", ngư dân Khánh nói.
Trở về đất liền, ông Khánh gọi điện đề nghị công ty Nam Triệu sửa tàu; tuy nhiên, phải mất 10 ngày sau, doanh nghiệp này mới đưa kỹ sư vào khắc phục hầm đá lạnh. "Bị hỏng hầm đá, họ sửa chữa mất 1 tháng. Tới mùa mưa bão thì tôi đành để tàu nằm bờ phơi mưa", ông Khánh bức xúc kể lại.
Ngày 16/3 vừa qua, ông Khánh nổ máy vươn khơi lần thứ 2. Tàu mới chạy được 10 hải lý thì máy bị hỏng. "Không thể khắc phục được sự cố, tôi cho tàu chạy vào cảng Đề Gi (xã Cát Khánh) rồi nằm bờ phơi mưa, nắng tới bây giờ”, ông Khánh bức xúc.
Boong tàu cá bị hư hỏng. Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo ông Khánh, do không được công ty Nam Triệu sửa chữa nên ông đã bán hết tài sản (gồm 1 tàu vỏ gỗ và 1 tàu thu mua hải sản) để lấy tiền "chữa bệnh" nhưng tàu vẫn là những "cục sắt vô tri" không hoạt động được.
Ngày 25/8, tiền nợ quá hạn ngân hàng hơn 1 tỷ đồng. Đến lúc này, tổng thiệt hại của ngư dân Khánh lên đến hơn 1,3 tỷ đồng. Ông Khánh cho rằng các cơ quan chức năng cần triệu tập lãnh đạo công ty Nam Triệu vào Bình Định giải quyết.
"Họ hứa ngày 30/8 giao tàu nhưng tàu giờ chưa được sửa. Công ty Nam Triệu phải đền bù thiệt hại cho chúng tôi vì đây là lỗi của doanh nghiệp”, ông Khánh nói.
Ông Lê Văn Hải (ngư dân Bình Định) cũng cho biết khoảng 3 năm trước ông vay ngân hàng gần 10 tỷ đồng để đóng tàu. Tuy nhiên, sau một vài chuyến ra khơi, tàu của ông đã bị hỏng máy, gỉ sắt không thể hoạt động được.
"Gia đình tôi đang lâm vào cảnh khốn cùng khi đã sắp đến hạn trả nợ ngân hàng. Tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý mạnh tay hành vi gian dối với ngư dân”, anh Lê Văn Hải kiến nghị.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết ở tại khu vực Trung Bộ có 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị hư hỏng.
Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho biết nhiều ngư dân chưa được trực tiếp tham gia vào quy trình đóng tàu, giám sát con tàu trong khi họ là chủ tàu. "Đó là điều vô lý và chính việc này đã gây ra những bất cập trong thời gian qua. Vì vậy, ngư dân phải là chủ thể trực tiếp với con tàu”, ông Môn nói.
Vị này cũng cho hay sẽ đề nghị các cơ quan Trung ương có chính sách hỗ trợ đối với ngư dân có tàu hỏng hóc nằm bờ. "Có thể là doanh nghiệp hoặc những công ty đóng tàu sai phép, gian dối thì phải chịu trách nhiệm. Đơn vị nào sai thì phải đền bù các thiệt hại khác đối với các chủ tàu”, ông Môn nói.