Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Các cô đào bên Vũ Linh ngày tiễn biệt

Trong đêm cuối tiễn đưa Vũ Linh, các cô đào gắn bó trên sân khấu với cố nghệ sĩ một thời như Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Thanh Hằng đã hát và khóc.

Đêm cuối tiễn biệt Vũ Linh Các “cô đào” gắn bó thân thiết với nghệ sĩ Vũ Linh bật khóc nức nở trong đêm cuối tiễn biệt ông. Dù không ngăn được nước mắt, họ vẫn cố gắng hát cho nam nghệ sĩ lần cuối.

Khoảng 18h ngày 8/3, khán giả nối đuôi nhau xếp hàng chờ vào viếng đám tang nghệ sĩ Vũ Linh. Quanh khu vực nhà ông, cơ quan chức năng túc trực, giăng dây từ đầu ngõ, chừa lối đi riêng cho khách vào nhìn mặt cố nghệ sĩ lần cuối.

Sinh thời, Vũ Linh đi đến đâu, khán giả vây quanh ông đến đó. Khi ông nằm xuống, hàng nghìn người hâm mộ cũng đổ về, nói lời tiễn biệt người nghệ sĩ tài danh.

Khán giả đồng thanh "ông vua cải lương"

Nhà Vũ Linh nằm trong con phố tương đối rộng. Suốt những ngày diễn ra tang lễ ông, lượng khách đổ về nhiều. Trong đêm cuối, con số này vượt xa sức kiểm soát của gia đình, lực lượng chức năng. Chính quyền địa phương phải cho thêm người điều phối để lễ viếng ông được diễn ra suôn sẻ, tránh sự cố.

Dọc con phố dài khoảng 300 mét, người hâm mộ Vũ Linh vây kín hai đầu. Một khán giả chống nạng 2 chân, di chuyển khó khăn vẫn đến viếng "ông hoàng cải lương tuồng cổ". Người này 34 tuổi, chia sẻ với Zing: "Tôi thần tượng Vũ Linh từ nhỏ, mê lời ca tiếng hát của ông qua những đoạn băng đĩa và tuồng được chiếu trên tivi. Hay tin ông mất, tôi muốn đến nhìn mặt ông, chỉ không ngờ lần đầu thấy ông cũng là lần sau cuối".

Ngoài khán giả lân cận, người hâm mộ Vũ Linh từ nhiều tỉnh lẻ cũng đổ về viếng tang ông. Chị Hồng Nga (47 tuổi) đã từ Bạc Liêu lặn lội lên TP.HCM tiễn đưa cố nghệ sĩ. Chị cho biết sẽ ở lại với ông suốt đêm cuối, đợi đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng mới quay về quê.

Đối với khán giả, Vũ Linh mãi là huyền thoại, là "ông hoàng" trong nghệ thuật cải lương. Ở một góc đường gần nhà ông, khán giả ngồi xếp hàng ngay ngắn dưới màn hình led được gia đình bố trí cho người hâm mộ theo dõi bên trong tang lễ. Khi camera lia đến di ảnh cố nghệ sĩ, họ đồng thanh gọi "ông vua cải lương", cảnh tượng khó quên đối với nhiều người.

Từ lúc sống đến khi ra đi, Vũ Linh vẫn "trị vì" trên mảnh đất của mình, được khán giả tôn sùng, yêu thương, kính trọng. Người ta gọi ông là "vị vua không ngai vàng", bởi trong lòng khán giả, cái tên Vũ Linh không chỉ là một ngôi sao. Ông là thần tượng lớn, là đời sống tinh thần đối với nhiều người. Nam nghệ sĩ ra đi, nhưng giọng hát ông vẫn ở lại trong miền nhớ của khán giả nhiều thế hệ.

Đến nửa đêm, khu vực quanh nhà "ông hoàng cải lương" vẫn không vơi khách. Người hâm mộ giọng ca Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài vẫn ngồi ngay ngắn xem hết chương trình tang lễ của ông. Khoảng hơn 1h sáng, lượng khách mới vãn vì gia đình công bố ngừng Đêm tiễn biệt.

Ra về, chị Hoài Thơm (43 tuổi, TP.HCM) còn ghé vào tai dân quân tự vệ trực ở đám tang: "Cho tôi vào trong nhìn ông vua của tôi lần cuối đi. Mấy ngày nay đêm nào tôi cũng sang tiễn biệt ổng, nhưng từ mai là không được thấy nữa rồi. Tôi đau lắm, thần tượng của tôi".

Các cô đào hát tiễn bên linh cữu

Tiễn anh đi rồi em về gác lạnh đìu hiu / Ngoài trời trăng tỏ mà sao tái tê trong lòng / Vắng anh cô phòng buồn quạnh hiu / Nhớ anh nhớ từng làn hơi thở / Giờ đây mới biết xa anh sẽ làm chết cả đời em...

Tiếng hát Ngọc Huyền cất lên với ca khúc Khóc thầm lúc gần 1h sáng trong đêm tiễn biệt Vũ Linh, làm xé lòng bao người ở lại. Trước linh cữu của cố nghệ sĩ, Ngọc Huyền nén bi thương. Cô bảo không để lệ rơi, nhưng vừa hát, nước mắt cô âm thầm chảy.

Hai năm trước, cô từng thay vợ của cố nghệ sĩ Chí Tài hát ca khúc này trong tang lễ để tiễn biệt ông. Giờ đây, nữ nghệ sĩ ngân vang khúc hát này một lần nữa, trong đêm tiễn biệt "anh kép" mà cô yêu thương, kính trọng nhất trong nghề.

Vu Linh anh 5

Ngọc Huyền hát trước linh cữu Vũ Linh. Ảnh: Maison de Bil.

Sau Tài Linh, Ngọc Huyền được xem là bạn diễn ăn ý của Vũ Linh, bộ đôi này được nhiều khán giả mến mộ. Thời băng cải lương cực thịnh, họ cùng quay hơn 100 video, vào vai người yêu, vợ chồng mùi mẫn.

Vũ Linh ra đi, Ngọc Huyền túc trực bên di hài của ông, cùng đoàn hộ niệm quỳ gối tụng kinh suốt 10 giờ đồng hồ. Trong những ngày diễn ra tang lễ, cô đào thân thiết này của ông cũng kề cận phụ giúp tang gia.

Cất tiếng hát cho ông nghe lần sau cuối, Ngọc Huyền bảo không khóc để ông ra đi thanh thản. Nhưng vừa hát xong, cô đổ gục trước quan tài Vũ Linh. Nữ nghệ sĩ ngất xỉu vì xót thương đàn anh thân thiết, được các đồng nghiệp khác dìu vào trong.

Túc trực ở đám tang nhiều ngày liền, nghệ sĩ Thoại Mỹ xúc động khi cất tiếng hát để tiễn "anh Năm" (tên thân mật đồng nghiệp thường gọi Vũ Linh) phút cuối.

Cô là người em thân thiết, được Vũ Linh dìu dắt thuở thịnh hành cải lương. Sau này, loại hình sân khấu này thoái trào, Thoại Mỹ vẫn thường tương tác, thăm nom đàn anh.

Dù vừa trải qua cơn bạo bệnh chưa khỏi hẳn, Thoại Mỹ cũng cất tiếng hát để anh Năm "nghe". Cô cho biết Lan và Điệp là trích đoạn cô được đàn anh chỉ dạy, cho cô đi diễn khắp trong nước và châu Âu. Khi dạy bản này cho Thoại Mỹ, cố nghệ sĩ còn "đánh đòn" để cô khá hơn.

Trong khúc hát, Thoại Mỹ nhiều lần kêu hai tiếng "anh Năm". Giây phút cô ôm chầm di ảnh Vũ Linh, bật khóc nức nở cũng khiến nhiều người xúc động. Hát xong, Thoại Mỹ thất thần, đứng không vững, được đồng nghiệp đưa vào trong.

Ngoài Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, nghệ sĩ Thanh Hằng cũng là một trong những cô đào thân thiết với Vũ Linh. Trong đêm đưa tiễn cố nghệ sĩ, Thanh Hằng nhiều lần xúc động, cô vẫn chưa tin Vũ Linh đã rời xa dương thế này.

Cô trình bày lại trích đoạn Truyền thuyết về tình yêu trước linh cữu đàn anh. Đây là vở mà Thanh Hằng - Vũ Linh từng diễn chung vào 40 năm trước. Nay hát lại trước mặt người quá cố, Thanh Hằng quỳ sụp trước di ảnh của ông.

Ngoài ra, trong đêm tiễn biệt Vũ Linh, nhiều nghệ sĩ thân thiết với ông như Châu Thanh, Linh Tâm, Chí Linh (em trai Tài Linh) và vợ là Vân Hà, Kim Tử Long, Trinh Trinh, Ngân Tuấn, Trọng Phúc,... cũng góp giọng, tiễn đưa ông đoạn đường sau cuối.

Trưa 9/3, linh cữu của nam nghệ sĩ tài danh được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Sách tham khảo: Cải lương Sài Gòn 1955-1975, một công trình biên khảo được những người làm sân khấu tâm tư và nỗ lực thực hiện trong suốt 4 năm qua. Nội dung sách biên khảo được tiếp cận từ góc độ khoa học liên ngành lịch sử, nghệ thuật sân khấu, lý luận văn học, văn hóa học… với cách thao tác căn cứ vào tài liệu được người đương thời ghi lại; những bài viết tham luận từ các cuộc tọa đàm, hội thảo; các phát biểu ghi âm từ các tác giả, soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà báo, nhà lý luận phê bình và các nhà quản lý - có vốn sống, vốn nghề, nhiều kinh nghiệm, trong sáng tác, kể chuyện, trong biểu diễn và ca hát.

Gia đình bức xúc vì streamer bất chấp quay thi hài nghệ sĩ Vũ Linh

Gia đình nghệ sĩ Vũ Linh tỏ ra bức xúc vì một bộ phận YouTuber, TikToker nhốn nháo, quay clip câu view bất chấp tại tang lễ của ông.

Đệ nhất đào võ: 'Sẽ không còn Vũ Linh thứ hai'

Chia sẻ với Zing, NSƯT Diệu Hiền cho rằng nền nghệ thuật cải lương nước nhà từ nay về sau khó tìm được một nhân tài như Vũ Linh.

Minh Tuyền

Bạn có thể quan tâm