Ngày 22/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ tại Việt Nam (USAID) công bố báo cáo “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia”.
Báo cáo tổng hợp và phản ánh ý kiến của gần 3.100 doanh nghiệp về 12 thủ tục hành chính - dịch vụ công có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Những thủ tục trong diện đánh giá thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của các Bộ Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ và Y tế.
Mục đích của báo cáo nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp thông qua việc xác định các vấn đề cụ thể trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện đối với các tính năng cơ bản như “tạo tài khoản và đăng nhập”, “xem và in hồ sơ” lần lượt là 95% và 93%.
Các thủ tục thuộc Bộ Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dễ thực hiện hơn so với các thủ tục thuộc Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thủ tục “cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi C/O” và “cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa” là 2 thủ tục dễ tiến hành nhất với chỉ khoảng 15% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn. Có 26% doanh nghiệp gặp trở ngại với thủ tục “kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu”.
Các thủ tục “cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” của Bộ Y tế có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện ở mức 34%.
Hai thủ tục của Bộ Giao thông Vận tải gồm “cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu” và “cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng” đều có 28% doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn khi thực hiện. Với thủ tục “kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu” của Bộ Khoa học và Công nghệ có tới 26% doanh nghiệp gặp trở ngại.
Nguyên nhân chính của những khó khăn bao gồm hệ thống xử lý thủ tục của bộ quản lý chuyên ngành chưa “điện tử” hoàn toàn; tình trạng một số doanh nghiệp bị yêu cầu sửa đổi hồ sơ nhiều lần; thời gian các bộ ngành xử lý hồ sơ của một số doanh nghiệp tương đối lâu.
Xem xét mức độ tốn kém thời gian và chi phí ở mỗi khâu khi làm các thủ tục hành chính, báo cáo của VCCI cho thấy việc “khai báo thông tin hồ sơ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia” là khâu ít tốn kém cho doanh nghiệp nhất.
Kế đến là khâu “đánh giá sự phù hợp” của Nhà nước hoặc tư nhân cung cấp, trong đó về cơ bản dịch vụ đánh giá sự phù hợp do tư nhân cung cấp có mức tốn kém chi phí thấp hơn.
Trong hầu hết thủ tục, khâu “tiếp nhận và giải quyết hồ sơ” thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành vẫn là khâu gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp nhiều hơn cả.
Các doanh nghiệp kiến nghị cần đẩy nhanh việc triển khai thanh toán điện tử, khắc phục các khó khăn của doanh nghiệp khi sử dụng chữ ký số và nâng cấp các chức năng giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp thêm một số tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
VCCI đề xuất Tổng cục Hải quan cần phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tập trung thay vì hệ thống phân tán trong hiện tại.
Ngoài ra, các bộ ngành cần triển khai thực chất việc cải cách hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục cải thiện tính minh bạch trong cung cấp thông tin tiến độ giải quyết hồ sơ, công khai kết quả giải quyết thủ tục, thống nhất và đơn giản hóa các biểu mẫu, giấy tờ dễ hiểu với doanh nghiệp và thực hiện chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ ngành trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.