Trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nói rằng chuyến thăm Australia và New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã diễn ra thành công, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam, Australia và New Zealand đều đang "phấn khởi" sau khi ký kết CPTPP (TPP-11).
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng. Ảnh: Thanh Tuấn. |
- Thưa thứ trưởng, kết quả lớn nhất của chuyến thăm Australia - New Zealand lần này là gì?
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: Thủ tướng có chuyến thăm tới hai nước rất thành công. Thành công vì hai bên đều hài lòng ở mức cao nhất về các phương diện của chuyến thăm từ quy mô đón tiếp, chương trình hoạt động tới nội dung tiếp xúc, trao đổi và đến các hoạt động bên lề. Cả hai cũng rất hài lòng với những kết quả đạt được.
Chúng ta đã nâng cấp quan hệ với hai nước lên, đặc biệt là với Australia lên đối tác chiến lược và đưa những nội hàm cụ thể vào. Chúng ta cũng xác định các cơ chế hợp tác, trao đổi, tham vấn thường niên ở cả cấp cao và cấp chuyên viên.
Với New Zealand, chúng ta tăng cường nội hàm về đối tác toàn diện và đã xác định lộ trình đối tác chiến lược cho 1-2 năm tới. Về kinh tế, chúng ta cũng mở ra được cơ hội hợp tác rất to lớn cho cả các địa phương, các doanh nghiệp, cũng như các trường đại học. Với Australia là 22 thỏa thuận, với New Zealand là 12 thỏa thuận.
Thủ tướng và phu nhân trong chuyến thăm New Zealand. Ảnh: AFP. |
Riêng trong lĩnh vực thương mại, hai bên nhất trí là mở thị trường cho các sản phẩm của nhau, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, các loại hoa quả, gạo của Việt Nam. Hai bên đã thỏa thuận để có sự hỗ trợ nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm.
Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo vốn là truyền thống và tiềm năng với Australia và New Zealand, hai bên cũng rất nhấn mạnh và có nhiều thỏa thuận với nhau, để làm sao nâng cao hơn nữa số lượng sinh viên sang hai nước. Australia cũng đưa ra chương trình Colombo mới để đưa thêm sinh viên sang Đông Nam Á và Việt Nam - trong năm 2018 này có thể có tới 1.500 sinh viên. Đó là những kết quả quan trọng và lớn trong chuyến thăm.
- Việt Nam và New Zealand hướng tới quan hệ đối tác chiến lược thì mấy năm tới sẽ triển khai thế nào?
- Trước hết phải làm sâu đậm hơn quan hệ hiện có. Hai nước đã có thêm những cơ chế để trao đổi với nhau và phải chuẩn bị những nội hàm cho quan hệ nâng cấp. Chúng ta có thể tuyên bố đối tác chiến lược nhưng quan trọng là những nội hàm và nội dung hợp tác là gì. Các bộ ngành hai bên sẽ bàn cụ thể.
- Trong chuyến đi Thủ tướng thăm rất nhiều trường đại học ở hai nước, thông điệp từ những chuyến thăm này?
- Chúng ta có hợp tác rất tốt với hai nước này về giáo dục đào tạo. Tuy nhiên nhu cầu của Việt Nam về lĩnh vực này là rất lớn. Môi trường đào tạo cũng như là kỹ năng, trình độ về đào tạo của Australia và New Zealand thuộc đẳng cấp cao trên thế giới, rất hiệu quả trong đào tạo sinh viên Việt Nam. Chính vì vậy, Thủ tướng cũng như lãnh đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo muốn tăng cao hơn nữa số sinh viên và nghiên cứu sinh sang hai nước học tập, làm việc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi chiêu đãi kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao. Ảnh: Thanh Tuấn. |
- Chuyến thăm của Thủ tướng diễn ra ngay sau khi CPTPP (TPP-11) được ký, nâng cấp chiến lược cũng diễn ra trong chuyến đi này. Làm thế nào để khai thác được hết lợi thế này?
- Chuyến thăm này thành công một phần nhờ thời điểm. Với Australia, chúng ta kỷ niệm 45 năm thành lập quan hệ giữa hai nước. Việt Nam, Australia và New Zealand lại là các bên tham gia ký kết hiệp định CPTPP (TPP-11), một hiệp định có tầm rất lớn trong khu vực và trên trường quốc tế. Nó cũng có độ mở cao và hiện đại, đề ra nhiều cơ hội hợp tác cũng như nghĩa vụ của các bên.
Sau ký kết, cả 3 đều rất phấn khởi.
- Quan điểm của Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia lần này là gì? Australia đang thể hiện mong muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ với ASEAN?
- Hội nghị thể hiện nhu cầu gặp gỡ (giữa cả hai), một cam kết mạnh mẽ hơn đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng của cả khu vực cũng như xu thế tự do hóa thương mại, đầu tư. Thông điệp của Thủ tướng tại hội nghị cũng nhằm vào chủ đề đó. Thủ tướng cho rằng về mặt chiến lược Australia và ASEAN phải duy trì được động lực phát triển và động lực tạo khu vực kinh tế rộng mở và tự do.
Về cụ thể, hai bên cần tận dụng những hiệp định thương mại hiện đã có như hiệp định thương mại giữa ASEAN, Australia và New Zealand để mà tạo thêm cơ hội rất cụ thể cho doanh nghiệp hai bên, đẩy mạnh kinh tế, hợp tác làm ăn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Australia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo của ASEAN và Australia trong một cuộc họp thuộc Hội nghị Cấp cao Đặc biệt. Ảnh: AFP. |
- Thủ tướng Australia trong bài phát biểu cam kết rất mạnh về tăng cường thương mại và an ninh và vai trò trung tâm của ASEAN, điều này có ý nghĩa thế nào?
- Trong tình hình bối cảnh quốc tế thay đổi rất nhanh chóng, cũng như sự định hình lại chính sách, đặc biệt là chính sách của các nước lớn thì việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN là rất quan trọng, không chỉ với khối mà còn cả khu vực. Không chỉ Australia mà nhiều đối tác khác cũng khẳng định điều này. Hội nghị đã đưa ra những cam kết cụ thể của Australia và ASEAN để thực hiện điều này.
- Tổng thống Indonesia Joko Widodo đưa ra quan điểm Australia nên là thành viên đầy đủ của ASEAN, ông nghĩ sao về đề xuất này?
- ASEAN thành lập theo khu vực địa lý. Hiện nay, khu vực địa lý cũng chỉ là khái niệm thôi, cũng có thể nói Australia nằm trong khu vực Nam Á - Thái Bình Dương. Phía Australia có vẻ nghiên cứu nghiêm túc về khả năng đó. Tuy nhiên, để việc thành hiện thực thì còn khá lâu dài.
- Trong các cuộc gặp thì lãnh đạo, quan chức hai nước đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam và vai trò của Thủ tướng trong việc thúc đẩy TPP-11. Vì sao có đánh giá này?
- Đúng là Việt Nam có vai trò rất lớn trong thúc đẩy TPP, trong đó có vai trò cá nhân của Thủ tướng trong chỉ đạo, quyết tâm.
Tại hội nghị APEC ở Đà Nẵng vào cuối năm 2017, chính nhờ vào đà đó mà chúng ta thúc đẩy sớm được việc ký kết CPTPP. Hiệp định này có lợi cho các bên nên các nước đánh giá rất cao đóng góp của Việt Nam.
Một lý do nữa cho đánh giá này là vì Việt Nam chỉ là một thành viên tương đối yếu về tiềm lực kinh tế nhưng quyết tâm lại rất mạnh. Nhờ có quyết tâm của Việt Nam đó mà TPP được duy trì và có thể có sức sống. Nhờ sức sống đó các nước hy vọng sẽ có thêm nhiều nước tham gia. Và đặc biệt cũng mong một ngày nào đó nước Mỹ sẽ trở lại TPP.