Một khảo sát của hãng tin AP trên 20 tiểu bang cho thấy trước dịch bệnh, nhiều bang có kho dự trữ khiêm tốn khẩu trang N95, đồ bảo hộ, găng tay và các thiết bị y tế khác, nhưng đều đã quá hạn sử dụng, do để lại từ thời dịch cúm H1N1 cách đây một thập kỷ.
Sự thiếu hụt vật tư y tế có nhiều yếu tố - ngân sách cho y tế cộng đồng bị giảm, việc đặt hàng theo nhu cầu tiết kiệm hơn, và dựa vào kho dự trữ của liên bang, mà khi dịch bệnh xảy ra lại là không đủ.
Cuộc khủng hoảng thiếu hụt trong kho dự trữ dẫn đến chuyện đổ lỗi cho nhau giữa liên bang và tiểu bang, thậm chí đấu giá để mua được máy thở.
Từ lâu, các chuyên gia đã khuyên nên dự trữ vật tư y tế, tránh trường hợp gián đoạn chuỗi cung ứng. Báo cáo tháng 6/2009 đăng trên tạp chí của cơ quan kiểm dịch Mỹ CDC đề xuất “kế hoạch mua sắm từng bước”, tức mua sắm các vật tư y tế thiết yếu mỗi khi xin được ngân sách.
Nhân viên sân bay Los Angeles dỡ hàng vật tư y tế từ Trung Quốc ngày 10/4. Ảnh: AP. |
Trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra thông báo ngày 9/1 cảnh báo virus đang lây lan ở Trung Quốc, bang Missouri có 663.920 khẩu trang N95, 253.800 khẩu trang y tế, 154.000 găng tay, 17.424 kính che mặt and 14.048 bộ áo bảo hộ, đều là từ dịch H1N1 năm 2009-2010 và đã hết hạn sử dụng.
Nhưng bang Missouri cũng như nhiều bang khác không chi thêm tiền để bổ sung kho dự trữ. Ngay cả khi xin thêm 300.000 USD tháng 10 năm ngoái, Sở Y tế của bang cũng nhấn mạnh là không đặt mục tiêu tạo dựng số dự trữ lớn.
Thế khó của các bang nằm ở chỗ việc dự trữ vật tư y tế mà không biết dịch bệnh xảy ra như thế nào là khó thuyết phục. Chẳng hạn, thuốc xịt muỗi sẽ hữu ích hơn là khẩu trang trong dịch Zika do muỗi phát tán năm 2015-2016.
Ngoài ra, ngân sách liên bang cho y tế cộng đồng đang trên đà giảm kể từ khi nhiều chương trình mới cần ngân sách sau vụ khủng bố 11/9.
Bang Colorado từng có hai kho dự trữ y tế, nhưng chỉ nhận được ít ngân sách liên bang để dự trữ cho dịch H1N1, sau đó không nhận được thêm. Số lượng dự trữ đã được phân phát hết vào đầu tháng 3 khi virus corona lan rộng.
Bang Ohio, như nhiều bang khác, bắt đầu dự trữ sau vụ khủng bố 11/9/2001. Nhưng cam kết về tài chính cho kho dự trữ giảm dần sau khi tránh được nhiều cuộc khủng hoảng.
“Rất khó để ngành y tế cộng đồng xin được ngân sách liên tục cho những thảm họa kiểu này... phải đầu tư sau 10 năm mới thấy có tác dụng”, Deborah Arms, Chủ tịch Hiệp hội Y tá bang Ohio, nói với AP.
Michigan, đang có số ca tử vong đứng thứ ba ở Mỹ, cũng không có ngân sách để thay thế các vật tư đã hết hạn.
Sean Dunn, một nhà vận động hành lang ở bang Ohio đại diện cho các bệnh viện, nói các cơ quan y tế và chính quyền sẽ phải thay đổi cách nghĩ.
“Khái niệm phải mua sẵn, dự trữ các mặt hàng, cho đến vài tuần trước đây, có vẻ khá cổ hủ”, ông Dunn nói với AP. “(Dịch bệnh lần này) sẽ làm thay đổi cách nghĩ của chúng ta”.