Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các bãi biển châu Á vắng vẻ vì du khách Trung Quốc cạn tiền

Thương chiến leo thang và giá đồng NDT sụt giảm, người Trung Quốc không còn ồ ạt đi du lịch nước ngoài như trước. Các bãi biển ở châu Á dường như trở nên vắng vẻ hơn.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ khiến nền kinh tế Trung Quốc lao đao mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp du lịch của các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan hay Indonesia. 

“Số lượng du khách Trung Quốc sụt giảm kéo theo chi tiêu du lịch tuột dốc đang gây ảnh hưởng đến toàn khu vực Đông Nam Á", Bloomberg dẫn lời chuyên gia Kampon Adireksombat thuộc Siam Commercial Bank (Thái Lan) nhận định.

Theo ông Adireksombat, việc ngành công nghiệp du lịch Đông Nam Á quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là một rủi ro lớn, và giờ nhiều nước không kịp tìm thị trường thay thế để bù đắp cho lượng khách Trung Quốc sụt giảm.

Du khach Trung Quoc o Dong Nam A anh 1
Du khách nước ngoài ở bãi biển Phuket (Thái Lan). Ảnh: Bloomberg

Đông Nam Á - điểm đến đầu tiên của du khách Trung Quốc

Chuyên gia Adireksombat dự báo tình trạng ảm đạm của ngành du lịch Đông Nam Á sẽ tiếp diễn trong năm 2020 nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gây áp lực lớn lên nền kinh tế Trung Quốc.

Theo báo cáo của McKinsey, nền kinh tế Trung Quốc phát triển nóng trong suốt 10 năm qua đã đẩy thu nhập trung bình của người dân tăng cao. Nhờ đó, nhu cầu du lịch nước ngoài của người Trung Quốc bùng nổ. Tổng số chuyến du lịch nước ngoài của khách Trung Quốc tăng từ 57 triệu năm 2010 lên 131 triệu năm 2017. 

"Đông Nam Á luôn là điểm đến đầu tiên của khách Trung Quốc khi họ lựa chọn du lịch ở nước ngoài", McKinsey cho biết. Kết quả là số lượng tour du lịch trọn gói, hàng quán phục vụ đồ ăn Trung Quốc và dịch vụ thanh toán điện tử Trung Quốc mọc lên như nấm từ Đà Nẵng (Việt Nam) đến Yogyakarta (Indonesia) và các điểm nóng du lịch khác tại Đông Nam Á.

Du khach Trung Quoc o Dong Nam A anh 2
Tỷ lệ phần trăm của ngành công nghiệp du lịch trong nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á. Ảnh: Bloomberg

Du khách Trung Quốc trở thành nhóm du khách nước ngoài lớn nhất tại Đông Nam Á, đóng góp 403,7 tỷ USD vào GDP năm 2019 của khu vực. Tại Thái Lan và Philippines, doanh thu du lịch chiếm hơn 20% tổng GDP và gấp đôi mức trung bình toàn cầu.

Những năm qua, chính quyền các địa phương và doanh nghiệp ở Đông Nam Á đầu tư hàng triệu USD để mở rộng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn và cơ sở du lịch để đón du khách Trung Quốc. Và giờ tình trạng du khách Trung Quốc "ở nhà" đã trở thành mối đe dọa lớn đối với ngành du lịch Đông Nam Á.  

Kỳ vọng phi thực tế

Sự sụt giảm được thể hiện qua hiệu quả kinh doanh của các khách sạn khu vực. Bloomberg dẫn lời ông Ronnachit Mahattanapruet, Phó chủ tịch Central Plaza Hotel (Thái Lan) cho biết doanh thu khách sạn giảm mạnh trong quý II/2019 vì nhu cầu từ Trung Quốc tụt dốc. Tỷ lệ đặt phòng giảm 7%.

Trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, ngành du lịch Đông Nam Á tăng cường đầu tư đáng kể để tiếp tục đón làn sóng du khách Trung Quốc. Chuỗi Central Plaza Hotel mới có thêm hơn 2.000 phòng ở Bangkok.

Một khách sạn Ritz Carlton thuộc dự án 3,9 tỷ USD sẽ mở cửa tại thủ đô Thái Lan vào năm 2023. Hilton cũng sẽ khai trương hai khách sạn mới ở đây vào năm 2022.

Du khach Trung Quoc o Dong Nam A anh 3
Xôi xoài là món ăn được du khách Trung Quốc ưa chuộng tại Thái Lan. Ảnh: AFP.

Hãng tư vấn C9 Hotelworks cho biết trên đảo Phuket, số phòng khách sạn sẽ tăng 18% vào năm 2024. Theo Bộ Du lịch Thái Lan, số lượng khách du lịch quốc tế đến nước này chỉ tăng vỏn vẹn 2% trong năm nay.

Tại Singapore, Las Vegas Sands Corp và Genting Singapore tuyên bố đầu tư 9 tỷ USD để mở rộng các khu nghỉ dưỡng trong năm nay. Marriott International có 140 khách sạn trên toàn khu vực và dự định tăng gấp ba đầu tư tại Philippines vào năm 2023.

“Nguồn cung du lịch quá thừa mứa (tại Đông Nam Á) xuất phát từ những kỳ vọng không thực tế về thị trường Trung Quốc”, CEO C9 Hotelworks Bill Barnett nhận định.

Chấm dứt bùng nổ

Sự tăng trưởng thần tốc đã biến mất vào nửa đầu năm nay khi nền kinh tế Trung Quốc lao dốc, đồng NDT suy yếu xuống mức thấp kỷ lục và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng. Doanh số xe hơi và hàng xa xỉ tại Trung Quốc giảm mạnh.

Cũng có những yếu tố ở Đông Nam Á góp phần vào sự suy giảm này. Giá đồng baht Thái tăng kỷ lục so với đồng NDT khiến du khách Trung Quốc tốn tiền hơn hơn khi đến Thái Lan. Vụ tai nạn chìm tàu hồi năm ngoái ở đảo Phuket khiến 47 du khách Trung Quốc thiệt mạng cũng khiến người Trung Quốc mất niềm tin vào ngành du lịch Thái.

Tại Bali, Phó chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Du lịch Ngurah Wijaya thừa nhận tình trạng tắc nghẽn giao thông trên đảo là một trong những nguyên nhân khiến số lượng du khách Trung Quốc sụt giảm. "Du khách ở lại ít ngày hơn và chi ít đi. Có vẻ họ đã bắt đầu thấy chán Bali”, ông Wijaya than thở.

Du khach Trung Quoc o Dong Nam A anh 4
Du khách Trung Quốc tại Nha Trang. Ảnh: Linh Phạm/Getty Images.

Không phải mọi quốc gia Đông Nam Á đối mặt với tình trạng sụt giảm du khách Trung Quốc. Số lượng du khách Trung Quốc đến Malaysia tăng 6,2% trong nửa đầu năm 2019 lên 1,55 triệu khách.

Ngành du lịch lao đao ảnh hưởng tới tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang biến động vì chiến tranh thương mại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng của 5 nền kinh tế hàng đầu khu vực chỉ đạt 5% trong năm nay. 

Các quốc gia Đông Nam Á đang cố gắng đa dạng hóa thị trường du lịch. Thái Lan miễn phí thị thực cho khách du lịch Ấn Độ vào đầu năm nay. Các hãng hàng không và khách sạn cũng nỗ lực thúc đẩy kết nối giữa hai nước.

Việt Nam đang thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Mỹ và Australia, trong khi các chuyến bay thẳng từ Ấn Độ đến Việt Nam sẽ đi vào hoạt động từ tháng 10.

Sự sụt giảm nghiêm trọng:

Thái Lan: Số du khách Trung Quốc giảm suốt 5 trên tổng số 7 tháng đầu năm 2019.

Indonesia: Số du khách Trung Quốc giảm 6 tháng liên tiếp tính đến tháng 7/2019. Tỷ lệ du khách Trung Quốc trên tổng du khách nước ngoài sụt từ 19% hồi đầu năm 2017 xuống 13% trong tháng 7/2019.

Việt Nam: Số du khách Trung Quốc giảm 3% trong 7 tháng đầu năm 2019, trái ngược với mức tăng 34%.

Singapore: Số du khách Trung Quốc giảm trong các tháng 3, 5 và 6, dù tổng du khách nước ngoài tới Singapore tăng.

Những màn 'chặt chém' du khách tai tiếng của du lịch Việt

Không chỉ các dịp nghỉ lễ, tình trạng "chặt chém" du khách vẫn diễn ra ở nhiều điểm đến du lịch. Nhiều trường hợp đã bị lực lượng chức năng xử phạt.




Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm