Sáng sớm, bà Lê Thị Ân (72 tuổi, làng Bái Thủy, xã Định Liên, Yên Định, Thanh Hóa) đã lúi húi với từng công việc lặt vặt gia đình. Căn nhà rộng, đất vườn tược xung quanh nhiều nhưng chỉ có một mình bà lủi thủi.
Rót ly nước mời khách, bà kể, năm 2005, con trai Nguyễn Văn Dũng (lúc ấy 32 tuổi) phát hiện ung thư dạ dày. Anh được gia đình tức tốc đưa ra Bệnh viện K Hà Nội khám và điều trị. Nhưng chỉ 4 tháng sau, anh không qua khỏi.
Chồng và hai con qua đời vì căn bệnh ung thư khiến bà Ấn phải sống trong cảnh cô độc. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Đầu năm 2009, chồng bà là Nguyễn Văn Cát và con trai út Nguyễn Văn Phượng cũng được phát hiện bệnh tương tự. Không lâu sau đó, hai người lần lượt qua đời. Thế là suốt 6 năm qua, bà Ấn phải sống trong cô độc, buồn tủi.
“Không riêng gì nhà tôi mà năm nào trong làng cũng có người chết vì ung thư. Giờ trời kêu ai người nấy dạ thôi”, bà Ấn thở dài.
Cách đó không xa, bà Lưu Thị Khang (55 tuổi) đang sống cùng căn bệnh ung thư tuyến giáp. Bà Khang kể, tháng 10/2014, bà thấy cổ họng đau rát, nuốt cơm vào là nghẹn. Con cái đưa bà đi kiểm tra tại bệnh viện tỉnh thì phát hiện bệnh.
“Gia đình đã dốc hết tiền để cho tôi mổ và xạ trị, chỉ mong sống thêm được ít năm với con cháu. Tôi già rồi không sao, nhưng chỉ lo cho thế hệ sau”, bà bày tỏ.
Theo người dân nơi đây, chủ yếu người làng Bái Thủy mắc bệnh ung thư nhưng mấy năm gần đây còn xuất hiện ở nhiều khu vực khác. Điển hình như gia đình ông Lê Văn Khang (ở làng Duyên Thượng) có ba người con đều mắc chung một căn bệnh ung thư. Người con thứ đã mất, hai người còn lại đang điều trị tại Hà Nội.
Những cái chết "vì K" khiến người dân xã Định Liên luôn phải sống trong tâm trạng hoang mang, lo sợ.
Nước giếng khoan làng Bái Thủy vừa bơm lên liền bốc mùi tanh, nổi váng và ngả màu vàng. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Theo thống kê của Trạm y tế xã Định Liên, chỉ tính từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn toàn xã có 162 người chết vì ung thư. Năm 2014, xã có 12 người tử vong. Hiện, 12 người được xác định đang mang bệnh.
Các vị cao niên cho hay, trong khoảng thời gian hơn 10 năm (từ 1988 trở về trước), Định Liên là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn. Để phòng trừ sâu bệnh, hợp tác xã sử dụng máy nổ bơm trực tiếp thuốc bảo vệ thực vật (dạng bột DDT, 666) xuống đồng ruộng trong thời gian dài. Nhiều hôm, cả cánh đồng là một màu trắng xóa mùi thuốc bốc lên nồng nặc.
Người dân cho rằng, đây có thể là nguyên nhân làm nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến việc phát sinh bệnh.
Theo bà Lưu Thị Minh, Trưởng thôn Bái Thủy, hàng chục năm nay, gần như 100% hộ dân đều phải dùng nguồn nước ô nhiễm. Nước giếng khoan làng Bái Thủy sau khi bơm lên đều bốc mùi tanh hôi, nhớt và ngả màu vàng. Người dân không thể dùng ngay mà phải cho qua bể lọc nhiều lần.
“Nhưng có dùng bằng cách nào thì căn bệnh ung thư vẫn cứ đeo bám”, bà Minh than thở.
Những vết hoen ố trên tường do nước ô nhiễm tràn ra để lại. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Phó chủ tịch UBND xã Định Liên, ông Lưu Minh Dân cho biết, tháng 7/2007, các cơ quan chức năng đưa ra kết luận 6/8 mẫu nước lấy tại 8 vị trí giếng khoan trong xã bị nhiễm thạch tín (Asen) vượt mức tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 đến 4,5 lần. Về thông tin người dân cho rằng nước nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, ông Dân xác nhận, đó là một trong những khả năng.
Theo ông, xã cũng đã nhiều kiến nghị lên cấp trên để sớm có giải pháp nước sạch cho người dân sinh hoạt. Thời gian tới, dự án nhà máy nước sạch ở xã Định Liên sẽ được triển khai. Dự kiến, cuối năm 2016, công trình này sẽ hoàn thành.
“Đó chỉ là một trong những giải pháp. Còn nguyên nhân chính thức gây ra căn bệnh quái ác này thì chúng tôi chưa nhận được kết luận chính thức từ cấp trên”, vị Phó chủ tịch nói.