Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cá voi đỉnh núi' – Khúc du ca về niềm tin và hy vọng

Câu chuyện của tác giả Lee Soon-won là hành trình của chú cá voi nằm trên đỉnh núi, luôn cố gắng nỗ lực không ngừng để trở về biển khơi.

a

Trên hòn đảo nhỏ ở vùng biển phía Đông, có một chú chim sinh sống. Một chú chim biển rất bé. Một ngày nọ, chim bay vượt đỉnh núi, xuyên qua mây và đậu trên một tảng đá khổng lồ có hình thù giống cá voi ở biển khơi.

Chim nhỏ kể cho Đá Cá Voi những câu chuyện về biển. Ở đó có muôn vàn loài cá rực rỡ sắc màu, có cá heo duyên dáng, cá voi mũi nhọn và cả loài cá voi xanh to lớn có thân hình giống hệt Đá Cá Voi cao thật là cao. Từ hôm ấy, Đá Cá Voi ấp ủ ước mơ được xuống biển để đọ dáng cùng cá voi thật. Ngày nào chú cũng tự nhủ: "Một ngày kia nhất định mình sẽ đến đó".

Một đêm mưa gió bão bùng, Đá Cá Voi bị sét đánh trúng, nửa thân dưới của chú ở lại trên đỉnh núi, nửa thân trên lăn xuống sườn núi, gác lên một hòn đá khác. Điều khiến Đá Cá Voi buồn nhất là thân hình cậu đã không còn nguyên vẹn.

Ngày trước, Đá từng mơ ước, khi xuống biển sẽ lấy cây rong dài nhất để đo chiều dài của mình, giờ đá không bằng một nửa của chính mình ngày trước. Không một ai tin Đá là Đá Cá Voi huyền thoại trên đỉnh núi năm nào. Từ đây, Đá mang tên mới là Đá Phẳng, hòn đá nơi hổ đến tránh mưa, nơi gấu gom lá xây ổ, hươu và thỏ đến tránh tuyết.

Ca voi dinh nui anh 1
Tác phẩm Cá voi đỉnh núi - tác giả Lee Soon-won. 

Đá Phẳng vẫn nuôi giấc mơ được ra biển lớn từ thời là Đá Cá Voi. Nhưng rồi cậu tiếp tục vỡ ra làm đôi, làm ba. Từ Đá Phẳng thành Đá Nhọn ven suối, nước mài mòn Đá Nhọn thành tảng Đá Đặt Chân ven bờ. Đá tiếp tục nhỏ lại và thành hòn Đá Giặt cho người dân, đến khi Đá chỉ nhỏ như hòn cuội, người ta lại ném cậu trở lại dòng suối.

Sau mỗi tổn thương, mỗi lần rạn vỡ là một lần Đá đau đớn, hoang mang, đã có lúc nó tự ti về thân hình không còn nguyên vẹn của mình, đã có lúc nó dao động, nhưng chưa lúc nào Đá từ bỏ giấc mơ ra tới biển lớn. Để rồi, Đá "trở về" biển khi chỉ còn là một mụn cát nhỏ xíu, nó vẫn hạnh phúc như được ôm trọn biển cả vào lòng.

Đá ngỡ ngàng nhận ra, phải chăng trên con đường trưởng thành, trên bước đường thực hiện ước mơ, ta phải dần buông bỏ từng chút một bên vệ đường những ham muốn mang nặng trong lòng từ thuở ban đầu, như vậy, cuối cùng ta mới có thể đón nhận một thế giới rộng lớn hơn để hoàn thiện bản thân và trưởng thành hơn?

Cá voi đỉnh núi là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác Lee Soon-won với thủ pháp nhân cách hóa, truyền xúc cảm cho những sự vật, loài vật tưởng chừng vô tri, hướng người đọc tới những giá trị chân-thiện-mỹ trong cuộc sống, mang tới cái nhìn trong trẻo, nhẹ nhàng mà sâu lắng về hành trình thực hiện ước mơ.

Câu chuyện được lấy cảm hứng từ khung cảnh làng quê của tác giả khi ông còn nhỏ: "Hồi còn nhỏ, trên ngọn núi cao cao hướng ra biển ở làng tôi, có một tảng đá to thật là to, hình thù giống hệt cá voi. Chúng tôi gọi tảng đá đó là Đá Cá Voi, ngay cả ngọn núi nơi tảng đá ngự trị, cũng được gọi là núi Đá Cá Voi".

Cá voi đỉnh núi khắc họa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với núi rừng, sông suối, biển cả, mang lại không khí hồn nhiên, gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn trong trẻo. Tác phẩm còn hướng tới cái nhìn lạc quan về tương lai tươi sáng cùng bài học về sự buông bỏ.

Lee Soon-won sinh năm 1958 tại Gangneung, Hàn Quốc. Sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu năm 1988 với tác phẩm Trăng ngày đạt giải Nhà văn mới, đăng trên tập san Munhak Sasang. Từ đây, với bút lực dồi dào, Lee Soon-won nhanh chóng trở thành một trong những trụ cột của văn học Hàn Quốc và gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá, tiêu biểu là Giải thưởng Văn học Dong-in (Sắc màu của nước chảy trong lòng mẹ, 1996), Giải thưởng Văn học hiện đại (Eunbiryeong, 1997), Giải thưởng Văn học Lee Hyo-seok (Giấc ngủ của cha, 2000)… 

Lam Anh

Bạn có thể quan tâm