Oscar Wilde đã từng thể hiện quan điểm nghệ thuật của mình trong lời tựa của cuốn tiểu thuyết Chân dung Dorian Gray của mình rằng "Nghệ sĩ là người sáng tạo ra cái đẹp”, và mục đích cuối cùng trong mọi sáng tạo của ông là sự hiện diện của cái đẹp dưới mọi cảm thức, mọi trăn trở. Dù sáng tác ở thể loại truyện ngắn hiện đại, truyện cổ tích, hay tiểu thuyết, điều cốt yếu trong mọi tác phẩm của Oscar nằm ở chính sự si mê cái đẹp mãnh mẽ ấy.
Tập truyện Hoàng tử hạnh phúc gồm 5 truyện ngắn mang đậm màu sắc đời thực nhưng lại được viết bằng bút pháp tưởng tượng tuyệt vời, cùng với một hệ thống ngôn ngữ lấp lánh đẹp đẽ.
Trong thế giới cổ tích của Oscar Wilde, những nhân vật chính dù là bức tượng, dù là chim sơn ca, hay một cậu bé nghèo khổ,... đều được ông miêu tả sắc nét và thu hút, dù mê đắm theo đuổi sự đẹp đẽ thì những câu chuyện của Oscar vẫn ẩn chứa một tiếng nói thâm trầm ý nhị về sự bao dung trong đời sống, về tình cảm và những gắn bó giữa con người với con người trong xã hội.
Chàng hoàng tử hạnh phúc trong truyện ngắn cùng tên vì phải chứng kiến sự nghèo khổ của dân chúng xung quanh, đã nhờ chú chim én lấy đi những thứ quý giá trên chính bức tượng của bản thân mình để cứu giúp người nghèo. Tấm lòng của chàng đã khiến chú chim én bé nhỏ cảm động, và tự nguyện nằm chết bên bức tượng của chàng, để làm bạn với chàng. Chàng trở nên tiều tụy, nhưng trái tim chàng lại sáng đẹp hơn tất thảy mọi thứ trên đời.
Câu chuyện cổ tích đậm tính ngụ ngôn về trái tim của con người của Oscar Wilde đã khiến người đọc xót xa, thổn thức và trăn trở.
Tập sách Hoàng tử hạnh phúc của Oscar Wilde. |
Trong truyện Chim sơn ca và bông hồng đỏ, Oscar Wilde lại một lần nữa thể hiện năng lực sáng tạo cái đẹp tuyệt diệu của mình khi ông khắc họa chân dung một con chim sơn ca vì cảm động trước tình yêu của con người, đã dùng máu của mình để nuôi dưỡng một bông hồng đỏ, với nguyện ước cho những người yêu nhau được đắm đuối trong ái tình.
Chim sơn ca có trái tim nồng nhiệt si mê như vậy, chỉ tiếc con người tầm thương hơn loài chim ấy nhiều. Oscar Wilde viết về cái chết của loài chim sơn ca ấy bằng thứ ngôn từ đẹp đẽ đến đau lòng.
Mỗi truyện ngắn trong tập truyện đều là một bản đàn rất đỗi đẹp đẽ nhưng cũng đầy đau khổ mà Oscar Wilde dành tặng cho con người. Những bông hoa hồng vẫn nở rực rỡ giữa thiên nhiên ấy, nhưng có đủ để làm đẹp nhân thế này hay không? Đó phải chăng chính là điều người nghệ sĩ cả đời mê đắm cái đẹp này thèm khát tìm kiếm và xây đắp.
Oscar Wilde viết về sự sầu muộn bằng sự hóm hỉnh chua xót của một kẻ thông minh khốn khổ, nhìn thấy mọi điều ngang trái của dương gian, nhưng lại vẫn tin tưởng vào một nảy mầm tốt đẹp về tình yêu trong tâm hồn con người. Có lẽ đó là lý do truyện của Oscar, đọc rất vào, rất vui, nhưng cảm giác người đọc nhận được ngay sau đó là sự rung cảm trong một nỗi xót xa triền miên và dai dẳng.
Phải nhấn mạnh rằng, quan niệm duy mỹ cực đoan của Oscar Wilde dù đưa lại nhiều tranh cãi quyết liệt, nhiều tác phẩm của ông còn bị coi là bệnh hoạn, nhưng cho đến cuối đời mình, ông vẫn là kẻ si mê tôn sùng cái đẹp. Cuộc đời ông không có được sự viên mãn ấm áp đẹp đẽ như kết thúc của các nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật mà ông đã sáng tác ra, nhưng nó vĩnh viễn là sự bí ấn đẹp đẽ mà có lẽ Oscar đã âm thầm giữ cho riêng mình.
Oscar Wilde - Nhà văn đam mê cái đẹp đến cực đoan. |
Dù được chuẩn đoán rằng Oscar mất vì viêm não, nhưng cái chết ấy vẫn là nghi vấn cho đến tận hôm nay. Có lẽ đến một ngày người ta sẽ ngừng tìm kiếm nguyên nhân thực sự, và để cái chết của ông được trả về với một bầu không khí bí ẩn đẹp đẽ, như chính những điều mà ông từng viết trong tác phẩm của mình: “Cái chết đẹp đến thế. Được nằm trong lòng đất mềm mại, cỏ rậm rì trên đầu và lắng nghe âm thanh của sự im lặng. Không có quá khứ cũng chẳng có tương lai. Được quên đi thời gian, được tha thứ cho cuộc đời, và được an nghỉ”. Ấy chẳng phải là một niềm thơ mộng vô cùng hay sao?
Oscar Wilde nằm xuống “và khóc cho mỗi linh hồn đã chết, và khóc cho mỗi linh hồn trong vô vọng”. Ông khiến độc giả say đắm cũng bởi cái sâu kín bí ẩn trong các tác phẩm mà mỗi người đọc đều phải dành rất nhiều chân tình, thời gian để chiêm ngưỡng mới có thể nhìn ra.