Bộ Y tế Philippines xác nhận nước này có 501 ca nhiễm và 33 ca tử vong tính đến ngày 24/3. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng số liệu thực sự cao hơn số liệu được công bố.
Trong khi các cơ sở y tế trên toàn quốc khan hiếm vật dụng cần thiết cho cuộc chiến chống Covid-19, hai bệnh viện lớn ở thủ đô Manila - Bệnh viện Medical City và Viện Đại học Santo Tomas - phải đưa 674 nhân viên y tế vào diện cách ly do nghi nhiễm virus corona.
Mạo hiểm mạng sống để hoàn thành trách nhiệm với đất nước
Trước đó, nước này ghi nhận hai trường hợp bác sĩ tử vong khi đang làm nhiệm vụ chống dịch.
Bác sĩ ở Philippines lấy túi đựng rác để mặc thay thế đồ bảo hộ chuyên dụng. Ảnh: Guardian. |
“Thật đau lòng khi nghe tin này. Sự thực là chúng tôi đang mạo hiểm mạng sống để hoàn thành trách nhiệm với đất nước”, Maria Theresa Depano, một nhân viên bệnh viện ở ngoại thành Manila bày tỏ.
Depano chia sẻ bức ảnh các đồng nghiệp ở Viện Saint Jude (Laguna) phải sử dụng túi đựng rác thay quần áo bảo hộ, “Chúng tôi kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ Y tế (DOH) và nhiều cơ quan, đơn vị khác. Chúng tôi đã hết nguồn cung cấp trang thiết bị chuyên dụng”.
Chia sẻ về việc các bệnh viện ở Manila đang “cầu cứu”, quan chức y tế Philippines cho biết thiếu hụt trang thiết bị y tế là tình trạng chung trên toàn cầu. Tuy nhiên, nước này vẫn đang tiếp nhận hỗ trợ về mặt tài chính từ nhiều nhà hảo tâm quốc tế.
Ca nhiễm ở Đông Nam Á tăng nhanh
Nhiều nước Đông Nam Á đang chứng kiến các ca nhiễm tăng đột biến. Các quốc gia trong khu vực đang nỗ lực tìm cách đối phó với diễn biến phức tạp của đại dịch.
Bộ Y tế Công cộng Thái Lan ngày 24/3 cho biết nước này ghi nhận 106 ca nhiễm virus corona mới, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 827. Đồng thời nước này ghi nhận thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì virus corona ở Thái Lan lên 4 người.
Các công ty, doanh nghiệp ở Bangkok đang tạm dừng hoạt động, khiến hàng nghìn người rời thủ đô vào cuối tuần vừa rồi.
Dòng người liên tục di chuyển này làm dấy lên lo ngại lây lan dịch bệnh tới nhiều tỉnh khác, thậm chí sang nhiều nước láng giềng như Myanmar hay Campuchia, nơi có nhiều cư dân sang Thái Lan tham gia lao động.
Indonesia, từng bị chỉ trích vì phản ứng chậm với đại dịch, hiện ghi nhận 579 trường hợp nhiễm và 49 trường hợp tử vong. Lo ngại hệ thống y tế bị quá tải, nước này đã biến ngôi làng vận động viên, được xây dựng cho Đại hội Thể thao châu Á 2018, thành bệnh viện dã chiến có khả năng cứu chữa cho 4.000 người.
Ở thủ đô Jakarta, nhiều biện pháp chống dịch đã được triển khai sau khi Thị trưởng Anies Baswedan ban bố tình trạng khẩn cấp trong 2 tuần tới, tính từ 20/3. Theo đó, tất cả các dịch vụ giải trí như quán bar, spa, rạp chiếu phim phải đóng cửa, mọi người được khuyến khích làm việc tại nhà còn giao thông công cộng sẽ bị giới hạn.
Người dân Bangkok đến chợ mua sắm thực phẩm và nhu yếu phẩm sau khi các trung tâm thương mại phải đóng cửa từ ngày 23/3. Ảnh: Bangkok Post. |
Tuy nhiên, nhiều hình ảnh tàu điện đông đúc trên mạng xã hội cho thấy các biện pháp này chưa được áp dụng nghiêm ngặt. Trong khi đó, Tổng thống Widodo vẫn không có động thái đáp lại lời kêu gọi phong toả những vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của virus corona.
Ở Malaysia, nơi có số người dương tính với virus corona tăng đột biến lên 1.518 trường hợp, với 11 ca tử vong cũng đang áp dụng lệnh phong toả trong hai tuần. Phần lớn các ca nhiễm bệnh có liên quan tới một sự kiện tôn giáo tại thánh đường Sri Petaling thu hút 16.000 người tham dự.
Biên giới Myanmar đang phải kiểm dịch, rà soát một lượng lớn người nhập cảnh. Các quan chức cho biết nước này vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với virus corona.
Trong khi đó, Campuchia hôm 22/3 mới ghi nhận thêm 31 ca nhiễm mới, bao gồm 29 khách quốc tịch Pháp, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 của nước này lên 84 trường hợp.
Các biện pháp trên được đưa ra sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á cần thực hiện “nhiều nỗ lực mạnh mẽ của cả xã hội” để ngăn chặn virus corona lây lan nhanh.