Số ca nhiễm Covid-19 cao gấp ba so với bệnh cúm mùa hàng năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch đang nới lỏng phong tỏa từng được áp đặt để làm chậm sự lây lan của virus chủng mới, trong khi các nước khác như Trung Quốc và Autralia triển khai các đợt đóng cửa mới nhằm ứng phó với sự trỗi dậy của các ca nhiễm. Giới chuyên gia cho biết những xáo trộn đối với công việc và đời sống có thể kéo dài cho tới khi có vaccine.
Người thân cầu nguyện trước khi mai táng một phụ nữ qua đời vì Covid-1 ở New Delhi, Ấn Độ hôm 8/7. Ảnh: Reuters. |
Ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở Trung Quốc vào đầu tháng 1 và chỉ mất 19 ngày, số ca nhiễm toàn cầu đã lên tới 6 triệu. Và mất chưa đầy một phần ba khoảng thời gian đó, chỉ 39 ngày, số ca nhiễm đã tăng gấp đôi lên 12 triệu, theo Reuters.
Tới nay, có hơn 546.000 ca tử vong vì Covid-19 được ghi nhận, bằng tổng số ca tử vong thường niên vì cúm mùa trên toàn thế giới. Ca tử vong đầu tiên vì virus corona được ghi nhận ngày 10/1 ở Vũ Hán, Trung Quốc trước khi các ca nhiễm và tử vong tăng vọt ở châu Âu và sau đó là Mỹ.
Mỹ - vùng dịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay, ghi nhận ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục hôm 3/7, lên tới 56.818 trong khi tổng số ca nhiễm toàn cầu chạm mốc 11 triệu. Đất nước cờ hoa ghi nhận tổng cộng 3 triệu ca nhiễm hôm 7/7, chiếm hơn một phần tư của toàn cầu ở cả ca nhiễm và ca tử vong.
Mỹ vừa chính thức thông báo với tổng thư ký Liên Hợp Quốc về việc rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khởi động cơ chế rút khỏi tổ chức toàn cầu.
Việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ có hiệu lực vào ngày 6/7/2021. WHO hiện nằm trong số các tổ chức quan trọng nhất điều phối ứng phó toàn cầu với đại dịch virus corona.
Ở điểm nóng Covid-19 thứ hai, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã xét nghiệm dương tính với virus corona sau khi hạ thấp sự nghiêm trọng của đại dịch. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận từ 20.000 tới 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày kể từ 1/7. Brazil hiện có hơn 1,7 triệu ca nhiễm và gần 68.000 ca tử vong vì virus corona.