Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cà Mau nở rộ loại hình du lịch sinh thái

Với điều kiện tự nhiên rừng, biển đặc thù gồm hệ sinh thái nước mặn, nước ngọt, nước lợ là thế mạnh để Cà Mau phát triển du lịch sinh thái.

Du lịch sinh thái “dựa vào cộng đồng”, hay du lịch sinh thái “cộng đồng” là những cụm từ người dân, du khách quen miệng khi nói về cách làm du lịch ấn tượng ở Cà Mau. Thật ra, du lịch sinh thái có ở Cà Mau từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên đó là dạng thức du lịch truyền thống quy mô gia đình, chứ không được đầu tư nhiều và xây dựng được những quy cách hoạt động khá nhất quán như những năm gần đây.

Như đã nói, Cà Mau có hệ sinh thái phong phú là điểm cộng để tỉnh phát triển loại hình du lịch sinh thái. Các điểm đến tham quan du lịch sinh thái được kể sau đây có thể không thật sự mới, nhưng “cái ruột” hạ tầng và những sản phẩm du lịch kèm theo đã có sự hoàn thiện nhất định.

Vườn Quốc gia U Minh hạ là một trong những điểm du khách muốn đến tham quan nhất khi về với Cà Mau. Vùng đất U Minh hạ từ xa xưa đã nổi tiếng là nơi giàu sản vật hàng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, tuy sản vật không còn trù phú như trước nhưng đất rừng U Minh hạ vẫn đứng hàng đầu trong hệ sinh thái ngọt cấp vùng.

sinh thai anh 1

Tỉnh Cà Mau hạ sở hữu nhiều tài nguyên để phát triển du lịch sinh thái.

Bên cạnh điểm tham quan nổi tiếng Vườn Quốc gia U Minh hạ, nhiều khu du lịch sinh thái ở vùng đất ngập nước này, có thể kể như: Khu du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt, Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm… đã xác định được hướng đi và từng bước đầu tư để phục vụ du khách.

Trong hệ sinh thái ngọt ở Cà Mau, cây tràm được xác định là chủ thể chính. Dưới tán rừng tràm, lượng cá đồng, trăn, rắn, rùa vẫn còn khá phong phú là điều kiện quan trọng để tỉnh thu hút và giữ chân du khách và những sản phẩm ẩm thực địa phương. Sâu trong các cánh rừng ở Vườn Quốc gia U Minh hạ, khi đến tham quan du khách còn có thể thấy những loài động vật hiếm như: khỉ, tê tê, nai... đang sống trong môi trường tự nhiên, dưới những tán rừng rậm rạp.

sinh thai anh 2

Hệ sinh thái thiên nhiên phong phú tại Cà Mau.

Gác kèo ong lấy mật, làm mắm nhộng ong non là những lát cắt trải nghiệm không nên bỏ lỡ khi đến du lịch ở hệ sinh thái rừng nước ngọt ở Cà Mau. Hàng chục năm trước, đây chỉ đơn thuần là một nghề của người dân, thì nay đã trở thành một sản phẩm du lịch để du khách tham quan và trải nghiệm thực tế câu chuyện một ngày đi ăn ong, hay một ngày làm mắm nhộng ong cùng người dân bản xứ. Khu du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt thuộc huyện Trần Văn Thời là một trong số ít cơ sở khai thác khá hiệu quả loại hình du lịch này. Điểm du lịch này hình thành năm 2015, quy mô hiện tại khoảng 60 héc ta.

Ngoài ra, dưới vùng đệm đất rừng U Minh hạ hiện cũng đã hình thành nhiều điểm du lịch sinh thái như: Mười Sử, Trang Trại Xanh (ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), Vườn cò Tư Sự (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình)…

sinh thai anh 3

Du lịch sinh thái tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Hệ sinh thái nước lợ có thể được xem là vùng chuyển tiếp giữa những cánh rừng tràm bạt ngàn xứ U Minh và những cánh rừng đước ngập mặn ở huyện Năm Căn, Ngọc Hiển. Đầm Thị Tường là điểm du lịch sinh thái ấn tượng của Cà Mau, biểu trưng cho loại hình trải nghiệm du lịch ở hệ sinh thái nước lợ.

Đầm Thị Tường là đầm nước rộng khoảng 700 ha được tạo nên từ sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc và nhiều kênh rạch của 3 huyện Phú Tân, Trần Văn Thời và Cái Nước của tỉnh Cà Mau. Trên mặt đầm, người dân địa phương tham gia đánh bắt thủy sản, tạo khung cảnh trải nghiệm, tham quan thú vị cho du khách.

Nói đến du lịch sinh thái ở Cà Mau, không thể không nhắc đến vùng du lịch với hệ sinh thái rừng đước ngập mặn, mà điểm nhấn nổi bật nhất là Khu du lịch Đất Mũi của huyện Ngọc Hiển.

sinh thai anh 4

Du khách trải nghiệm tham quan dưới tán rừng đước ngập mặn, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Nói đến lợi thế để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, huyện Ngọc Hiển có lợi thế tuyệt đối so với các địa phương khác ở Cà Mau. Không chỉ có điểm mốc tận cùng Tổ quốc, nơi đây còn có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, với bạt ngàn rừng ngập mặn. Dưới tán rừng đước, rừng mắm là hàng loạt sản vật trù phú không hề kém cạnh hệ sinh thái ngọt U Minh hạ.

“Không gì thú vị hơn được đi xuồng nhỏ len lõi dưới tán rừng đước. Xong ghé vào một chiếc chòi mái lợp lá và dùng những đặc sản có một không hai ở xứ rừng như: tôm khô Rạch Gốc, cua Năm Căn, ba khía muối Rạch Gốc, cá thòi lòi nướng muối ớt…”, anh An, một du khách TP.HCM, chia sẻ.

Cùng chuyến đi với anh An còn có hơn 10 người là những bạn bè thân thuộc, như anh Hải, anh Quý, chị Điệp… Một vài người lại thích đến cột mốc tọa độ, biểu tượng Mũi tàu Cà Mau để chụp ảnh. Có người tham quan khu vực bờ kè và lưu ý đến hình hài mũi đất cuối cùng cực Nam tổ quốc.

sinh thai anh 5

Rừng đước ngập mặn là điểm du lịch thu hút nhiều du khách của tỉnh Cà Mau.

Ở Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), du khách sẽ có trải nghiệm tham quan sinh cảnh vùng nước ngập mặn đặc thù. Thêm vào đó, du khách có thể ngắm mặt trời mọc và lặn trên biển ở cùng một vị trí đứng. Nhiều người cho rằng Đất Mũi là điểm ngắm hoàng hôn và bình minh thú vị nhất Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Hôn, Giám đốc Khu du lịch Hoàng Hôn (xã Đất Mũi) cho biết, ngoài điểm nhấn Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, nhiều điểm du lịch sinh thái dưới tán rừng ngập mặn huyện Ngọc Hiển đang hình thành để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của du khách. Riêng cơ sở của anh, nhiều năm qua được đầu tư dịch vụ trải nghiệm xuyên rừng, ẩm thực cho du khách.

Tuy nhiên, cũng theo anh Hôn, hạ tầng khách sạn, điểm nghỉ ngơi cho du khách còn là một bài toán đối với những điểm du lịch sinh thái. Trong tương lai, để giữ chân du khách ở lại lâu hơn với xứ rừng, thì những doanh nghiệp làm du lịch phải tính toán thêm các phương án phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.

Ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau nhìn nhận, du lịch sinh thái Cà Mau có sự chuyển mình rõ nét trong những năm gần đây. Tuy nhiên sắp tới vẫn có nhiều việc phải làm. Ngành du lịch sẽ phối hợp chặt với doanh nghiệp và người dân trong câu chuyện làm thế nào để du lịch sinh thái phát triển và vươn tầm, trở thành một loại hình du lịch độc đáo, thỏa mãn các nhu cầu về ăn ở, nghỉ dưỡng chứ không đơn thuần chỉ là du lịch trải nghiệm.

Sở cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết vùng ĐBSCL để du lịch sinh thái Cà Mau có hướng ra mới mẻ, năng động. Tăng cường công tác xây dựng thương hiệu du lịch và quảng bá để ngày càng có nhiều du lịch biết và chọn Cà Mau làm điểm đến du lịch.

Hoàng Hải

Giang Hà My

Bạn có thể quan tâm