Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cả hai chẳng thể tiếp tục bên nhau

Cuộc đời cứ đẩy Phan và Sam về phía trước. Để rồi cả hai chẳng thể tiếp tục bên cạnh nhau. Họ cũng chẳng thể tiếp tục cùng nhau đón hoàng hôn vào mỗi chiều như thế.

Những chuyến tàu mùa hè của Bỉnh Khôi gồm 20 truyện ngắn viết về người trẻ ngây thơ, mộng mơ, cuồng nhiệt với những giấc mơ đời mình. Được sự đồng ý của tác giả, Zing trích đăng một phần nội dung sách.

Phan thuận tay trái, làm gì cũng bằng tay trái. Có lần Sam hỏi anh: “Sao anh kỳ vậy, ai cũng thuận tay phải, có anh là tay trái”. Phan cười xòa: “Hồi má anh bỏ đi, ba anh ổng buồn nên đâu có dạy anh học hành gì, anh tự học viết bằng tay trái nên lớn lên làm gì cũng bằng tay trái luôn”.

Nói xong Phan quay mặt đi nơi khác, mắt anh đượm buồn. Mẹ Phan bỏ nhà đi biệt xứ, Ba Phan cặp kè với một người phụ nữ gần nhà, chìm vào rượu chè, cờ bạc.

Hôm hay tin ba cưới, Phan ngồi cả buổi chiều trong ký túc xá, nhìn xa xăm ra khoảng sân chỗ sinh viên hay chơi bóng chuyền. Nơi có mấy hàng cây thông buồn thiu.

Qua ánh sáng mập mờ của buổi chiều hoàng hôn năm đó Sam ám ảnh mãi về đôi mắt của Phan. Đôi mắt sắc lạnh mà chất chứa biết bao nỗi buồn và sự căm hờn dành cho cuộc đời.

Nhung chuyen tau mua he anh 1

Tác giả Bỉnh Khôi. Ảnh: NVCC.

Bốn năm học ở Sài Gòn là bốn năm Phan phải làm việc vất vả. Buổi sáng ngồi trên lớp, buổi chiều chạy về phòng ăn qua loa vài thứ linh tinh rồi chạy vào nhà hàng làm việc đến khuya.

Lương ba cọc ba đồng, vậy mà tháng nào cũng vậy, khi công ty vừa chuyển tiền vào thẻ thì cậu ấy chỉ giữ lại một ít bỏ túi, số còn lại chuyển hết cho Sam mà chẳng cần đắn đo.

Nhiều năm sau này Sam vẫn giữ nguyên những tin nhắn của Phan, những tin nhắn chia sẻ số lương còm cõi đã bao lần làm Sam ứa nước mắt: “Một triệu này anh gửi cho ba mẹ khám bệnh, năm trăm nghìn này em để dành sau này tổ chức buổi ra mắt sách”.

Trong những tháng năm tuổi trẻ ấy, với số tiền năm trăm nghìn ít ỏi đó Sam chẳng biết họ sẽ để dành đến bao giờ mới có thể đủ tổ chức một buổi ra mắt sách như mong ước nhưng Phan vẫn luôn bảo: “Có anh ở đây, mình cứ đi rồi sẽ đến”.

Sau cơn đau thập tử nhất sinh của tía, gia đình Sam lại gánh thêm một khoản nợ ngân hàng không nhỏ, giữa lúc tưởng chừng mọi thứ bế tắc, Sam lại nhận được một cuộc gọi bất ngờ từ Phan.

Phan quyết định bỏ học hẳn ở trường để đi làm cho một tập đoàn công nghệ nổi tiếng mà theo lời Phan kể là “bao ngon”. Sam biết chẳng thể cản được Phan, như việc anh nhất quyết không gặp lại ba đã bốn năm qua cũng vậy.

Ba tháng sau khi đi làm, Phan mua tặng Sam một chiếc xe cúp mới toanh bằng số tiền ít ỏi mà anh tích cóp được. Hôm đưa chìa khóa xe cho Sam, Phan cười bảo: “Anh cho mượn, yên tâm, tốt nghiệp anh đòi cả vốn lẫn lời nhé”.

Ngày Phan bị đuổi khỏi ký túc xá vì không còn là sinh viên của trường, anh ghé sang phòng Sam gửi lại tấm giấy nhỏ: “Anh dọn qua nơi tốt hơn, em ở đây yên tâm học hành nha”.

Nhung chuyen tau mua he anh 2

Sách Những chuyển tàu mùa hè. Ảnh: QM.

Những ngày Phan đi rồi ký túc bỗng trở nên buồn thiu. Tối tối Sam hay ra đứng trước ban công nhìn về phía căn phòng đối diện. Nơi Sam đã có những buổi chiều thật đẹp bên Phan.

Cuối cùng rồi cuộc đời cứ đẩy họ về phía trước, để rồi cả hai chẳng thể tiếp tục bên cạnh nhau ở nơi này, chẳng thể tiếp tục đón hoàng hôn vào mỗi chiều như thế.

Tiếng pô xe lách tách, cũ mèm của Phan mỗi đêm luôn là tín hiệu đánh thức Sam giữa đống bài vở chồng chất. Sau giờ tan ca, anh luôn chạy loanh quanh tìm thức ăn khuya rồi mang sang cho Sam, khi là nắm xôi gà, là chén phá lấu, có khi là ổ bánh mì thịt,...

Sam không chắc chắn rằng nếu thiếu Phan, thiếu sự quan tâm của anh, thiếu nắm xôi gà, thiếu chén phá lấu kia thì Sam có đủ kiên cường để đi qua những tháng năm vất vả.

Với tấm bằng đại học loại ưu cùng mớ kinh nghiệm có được tại tòa soạn trong suốt bốn năm đại học, Sam dễ dàng xin vào một công ty nước ngoài để làm việc.

Sếp mới còn sắp xếp cho Sam một căn hộ ở gần trung tâm thành phố để vừa làm văn phòng đại diện vừa ở. Hôm Sam gọi cho Phan báo tin, giọng anh hào hứng rồi thoáng ngập ngừng: “À vậy hả.. anh chúc mừng em nha”.

Vài phút sau đó cả hai cứ cầm điện thoại nhưng chẳng nói thêm với nhau một lời nào. Lúc Sam định bảo với Phan rằng: “Hay để em xin công ty cho anh đến sống với em” thì đầu dây bên kia đã lặng lẽ dập máy.

Quyển sách đầu tay của Sam được một nhà xuất bản lớn trong nước gọi tên. Hôm nhận được tin Sam đã gọi ngay cho Phan, nhưng anh không nghe và cũng chẳng buồn gọi lại. Hơn mười nghìn bản in được bán sạch trong vòng ba tháng. Sam bất ngờ khi mình trở thành một nhà văn trẻ “best seller” chỉ trong thoáng chốc.

Những ngày sau đó, khi ngồi phòng dựng cùng biên tập, Sam bắt gặp hình ảnh của Phan trên đoạn video quay lại buổi ra mắt sách của mình. Đó là Phan trong chiếc áo sơ mi màu trắng tinh, lặng lẽ hòa vào dòng người bên dưới. Vậy là anh đã ở rất gần bên Sam ngay tại thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời.

Mùa hè năm đó, một người bạn cũ đã cho Sam biết được nơi Phan đang sống khi nhìn thấy gương mặt hốc hác, đầy nước mắt của Sam. Hôm Sam ghé qua, Phan vẫn đang say sưa làm việc trong một cửa hàng cắt gỗ thay vì một tập đoàn công nghệ danh tiếng mà anh từng bảo với Sam.

Phan của năm nào nằm bên Sam trong ký túc xá giờ đã là một người đàn ông với bờ vai trần rám nắng, bám đầy bụi gỗ. Đôi mắt anh sâu hun hút, mái tóc lòa xòa che hết nửa khuôn mặt.

Chiếc máy cắt gỗ của cửa hàng đã nuốt trọn cánh tay trái của Phan. Cánh tay mà anh đã dùng để chắt chiu ước mơ cho Sam trong suốt nửa cuộc đời.

Thấy bóng dáng Sam xuất hiện, Phan đã chạy vội vào trong đóng cổng lại, chẳng kịp để Sam nói thêm một lời nào. Cả buổi chiều đó Sam đã ngồi đợi Phan, đợi những năm tháng thanh xuân của họ trở lại. Những năm tháng mà họ chẳng có tiền, chẳng có danh vọng nhưng có hạnh phúc.

Phía sau cánh cổng sắt kia, Sam không biết Phan đang làm gì. Trong những chuyến hành trình đi muôn nơi để kể cho các bạn sinh viên nghe về tuổi trẻ của mình, Sam luôn nhắc đến tên Phan, nhưng chẳng còn bao giờ có thể gặp lại anh nữa.

-------------------

* Tiêu đề trong sách: Những tháng năm vội vã

Những câu hỏi cho ba

Từ nhỏ đến lớn, tôi vẫn giữ thói quen hỏi ông đủ điều. Dù đôi khi đó là những câu hỏi vớ vẩn, ba vẫn luôn từ tốn, kiên nhẫn giải đáp cho tôi.

Bỉnh Khôi / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

Bạn có thể quan tâm