Những chuyến tàu mùa hè của Bỉnh Khôi gồm 20 truyện ngắn viết về người trẻ ngây thơ, mộng mơ, cuồng nhiệt với những giấc mơ đời mình. Được sự đồng ý của tác giả, Zing trích đăng một phần nội dung sách.
Hai mươi lăm năm đi qua, mọi thứ vẫn như thế chỉ có điều khác duy nhất là ba đã chẳng thể trả lời những câu hỏi của tôi nữa. Căn bệnh đột quỵ bất ngờ vào những năm tháng cuối đời đã mang giọng nói của ông đi xa.
Mỗi khi ráng chiều tắt, sau bữa cơm độn khoai, trong căn nhà tranh lụp xụp thường rộn rã tiếng đọc thơ, đánh vần. Ba tôi chong đèn ngồi bên cạnh quan sát đàn con. Ông thường sửa chính tả cho chúng tôi.
Dù không phải trí thức, dù quanh năm chân lấm tay bùn, ba tôi dạy tám đứa con, đứa nào cũng viết chữ đẹp. Chỉ là người nông dân, tình yêu thương của ba đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để tôi có thể thi đỗ và theo đuổi chuyên ngành mỹ thuật trong suốt bốn năm đại học.
Tiếng xe cấp cứu vang lên trước cổng nhà tôi vào mùa hè năm đó đã vô tình để lại cho cả gia đình một nỗi buồn hoang hoải. Ba bị tai biến. Cơn đột quỵ cướp đi tiếng nói của ông, rồi khi thoát khỏi tay thần chết để trở về cũng là lúc ông nửa tỉnh nửa mê, làm ông ú ớ lẫn lộn giữa con hai với thằng tám trong từng cơn khóc cười vô thức.
Chiếc bát bằng sành từ tay ba rơi xuống sàn đã trở thành thứ âm thanh đau thương theo tôi trong suốt nhiều năm liền. Mọi thứ đến nhanh tới mức mấy tháng liền sau đó, ngồi cạnh bên ông trong căn phòng lạnh ngắt của bệnh viện, tôi cứ ngỡ đó là một giấc mơ.
Từ người đàn ông khỏe mạnh, rắn rỏi, một “cây cột lớn” của gia đình, bỗng chốc sau vài tiếng đồng hồ, ba tôi đã không thể làm được bất kỳ điều gì, kể cả việc gọi tên vợ và các con.
Sách Những chuyến tàu mùa hè. Ảnh Q.M. |
Tôi nhớ hoài cảm giác đôi tay run lên và lồng ngực như vỡ ra từng mảnh khi cầm bút đặt chữ ký vào tờ giấy quyết định phẫu thuật cho ba. Gần một giờ chúng tôi túc trực tại phòng cấp cứu để cầm ống thở, chứng kiến bác sĩ đẩy máu từ não của ông ra ngoài. Từng hồi oxy đưa vào cơ thể là từng hồi ba tôi co giật, thứ chất lỏng màu đỏ cứ kéo nhau trào ra qua kẽ mắt của ông, ướt đẫm cả tấm ga trải giường.
Thấy ba đứng ở lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, tôi thấy mình bất lực. Câu hỏi đầu tiên tôi hỏi ba khi ông vừa mở mắt là: “Ba ơi, ba có đói không, ba có muốn ăn gì không ba?”. Giây phút đó cũng là lúc tôi biết ba mình trở thành người thực vật.
Sau lần chứng kiến cảnh người thân trở về từ cõi chết, tôi nhận ra mình không còn đủ nước mắt khi nghĩ về ba. Nỗi đau đó đã tụ lại thành từng khối bất động tạo nên một khoảng trống thật sâu trong lòng.
Thi thoảng tôi tự hỏi rằng liệu có lúc nào đó, ba tôi đã đau khổ đến cháy lòng giữa một cơn tỉnh táo bất chợt khi nhìn thấy vẻ mặc hốc hác của mình qua tấm gương. Tôi nhận ra từ trong sâu thẳm của bản thân có rất nhiều câu hỏi mà chưa một lần đặt cho ba. “Ba ơi, ba thích ăn gì?”.
Mẹ tôi thơ thẩn như người mất hồn sau lần ba ra viện. Tết đến, anh em chúng tôi đã nấu rất nhiều món ăn ngon vì cả tám đứa đều chẳng biết được ba thích ăn món gì. Đứng trước quầy rau củ trong siêu thị gần nhà tôi nghĩ tôi luôn biết người yêu của mình thích ăn món gì, thích ăn ở nhà hàng nào, hẹn hò ở đâu, nhưng ba mẹ là người đã bên cạnh tôi trong suốt mấy mươi năm qua vậy mà tôi lại chẳng biết họ thích ăn gì? “Ba ơi, ba muốn đi đâu chơi?”.
Cuộc đời của ba tôi là mấy mươi năm quanh quẩn ngoài đồng, đêm về ngả lưng trong căn nhà ọp ẹp, nhỏ xíu. Khi tôi lớn lên, cuộc sống đỡ khó khăn hơn cũng là lúc tôi nghĩ đến những chuyến du lịch cho ba nhưng tôi chẳng biết ba mình thích đi đâu cả. “Ba ơi, điều ba muốn làm nhất bây giờ là gì?”.
Ai cũng có những mong ước riêng, sau những lo toan vất vả, những sóng gió của cuộc đời thì những ước mong đó có khi bị vùi vào quên lãng. Ba tôi chắc chắn cũng có nhiều ước mơ, tôi không biết hết, tôi chỉ nhớ ông đã từng một lần nói chuyện với mẹ giữa đêm mưa bão tối trời: “Giờ này chắc ở quê nước lũ cũng lên cao lắm, phải có đủ tiền về quê thăm anh ba, biết khi nào tui với bà và mấy đứa nhỏ mới được đi máy bay về thăm ổng, sơn sửa lại nấm mồ của cha mẹ”.
Đó là một trong rất nhiều ước mơ của ba tôi mà ông chưa thực hiện được. Nếu như không có lần giật mình giữa đêm mưa bão ấy tôi đã không bao giờ biết được ước mơ của ba. Vì có bao giờ tôi hỏi ông đâu.
“Gió đưa cây cải về trời / Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”.
Tôi chẳng hiểu hết câu hát quen thuộc của người dân Nam Bộ, nhưng cứ mỗi buổi chiều đi làm về qua con hẻm nhỏ, nghe đâu đó vang lên lời ru u sầu này, qua chiếc radio bé tẹo thì tôi lại nhớ ba mình da diết.
Nhớ từng đôi mắt, từng hơi thở, từng lời nói của ba tôi, rồi tôi thèm một lần được sà vào vòng tay ông để kể ông nghe những mỏi mệt bên ngoài thế giới rộng lớn kia. Nếu như thời gian quay lại tôi ước mình sẽ có thêm một khoảng thanh xuân kia chỉ để đặt cho ba tôi thêm nhiều câu hỏi nữa.