Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cà chua, hành lá ở miền Tây chỉ còn 500-2.000 đồng/kg

Các loại rau củ ở ĐBSCL rớt giá thê thảm từ sau Tết đến nay khiến người nông dân thua lỗ nặng, không còn vốn đầu tư cho vụ sau.

Thông thường bước vào mùa hạn, giá các mặt hàng nông sản, rau màu đều tăng khoảng vài giá so với những tháng khác, vì đây là mùa gieo trồng không có năng suất. Nhưng năm nay quy luật này đảo ngược hoàn toàn, nông sản dồi dào và phong phú khiến giá liên tục rớt. Nhiều nơi nông dân phải nhổ rau, thu hoạch bắp cải cho gia súc ăn.

Nông dân trồng ớt ở huyện An Phú - An Giang đang lo âu vì giá liên tục giảm.
Huyện Chợ Mới được xem là nơi sản xuất rau màu lớn nhất tỉnh An Giang, mỗi năm có trên 32.000 ha, nhưng năm nay giá các loại rau “rẻ như bèo” khiến nhiều chủ vườn lỗ nặng. Anh Nguyễn Văn Tuấn, ở ấp Hòa Thượng, xã Kiến An, một nông dân đã nhiều năm gắn bó với cây màu, cho biết sau Tết anh đã xuống giống 2.000m2 củ cải trắng. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch, khoản thu không đủ trang trải chi phí đầu tư. "Với 2.000m2 củ cải, chi phí đầu tư tôi bỏ ra 5 - 6 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc, sau gần 2 tháng trồng, bán xô cho thương lái chỉ được 2,5 triệu đồng", anh Tuấn nói.

Còn anh Lê Văn Đủ, ở cùng xóm trồng 3 công hành lá và 2 công cà chua, cho biết,
hiện một kg hành lá có giá 2.000 - 3.000 đồng, thấp hơn năm ngoái khoảng 12.000 -15.000 đồng/kg, còn cà chua thương lái vào mua chỉ từ 500 - 700 đồng/kg, giá này giảm từ 3-4 lần so các năm trước. “Tôi đã gắn với nghề làm rẫy hơn chục năm nay, chưa có khi nào gặp giá xuống thấp như vậy. Trong khi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công đều tăng cao, thử hỏi làm sao nông dân có đủ vốn để bám với nghề trồng rau màu này nữa”.

Hành lá  trồng hơn 2 tháng mới thu hoạch, nhưng giá bán hiện rẻ như cho, chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Các loại như ớt, bắp và củ sắn cũng đồng loạt giảm giá mạnh khiến nhiều nông dân thua lỗ trong vụ xuân hè này. Anh Lê Văn Bình, ở xã Khánh Bình, huyện An Phú - An Giang, trồng 6 công ớt, cho biết hơn 3 tháng cực công chăm sóc, đến ngày thu hoạch ớt lại rớt giá hơn 50% so mùa vụ rồi. Đã thế đó thương lái vào vườn chỉ chọn mua giống ớt chỉ thiên giá 16.000 đồng/kg, còn ớt giống sen hồng không mua, nếu bán xô chỉ 5.000 -6.000 đồng/kg. Buộc lòng anh phải thuê nhân công hái ớt, rồi tự đem ra các chợ bán lẻ.

Điều đáng nói là tuy giá rau tại vườn “rẻ như bèo”, nhưng tại các chợ như Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp, giá rau vẫn cao. Cụ thể, giá cà chua dao động từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, gấp 10 lần so với tại vườn. Củ cải 7.000 đồng/kg, hành lá 8.000 đồng/kg... Tính ra, giá rau từ nông dân đến chợ chênh lệch nhau 7 - 10 lần.

Một công bắp cải phải đầu tư từ 4-5 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc, nhưng nông dân thu hoạch chỉ bán được 2-2,5 triệu đồng.

Theo lý giải của nhiều tiểu thương, sở dĩ giá rau cao hơn nhiều so với tại vườn vì họ phải lấy hàng từ các đầu mối. Mặt khác, sức mua tại các chợ không còn tăng cao như những năm trước, nên nếu bán rẻ lãi sẽ không nhiều.

Câu chuyện chênh lệch giá rau màu từ vườn ra chợ đã diễn ra thường xuyên, nhất là những lúc dội chợ như hiện nay, thương lái lợi dụng giá cả xuống thấp để ép giá nông dân, dẫn đến tình trạng người sản xuất thường xuyên lỗ nặng, người tiêu dùng lại phải mua với giá đắt, trong khi khâu phân phối ở giữa là hưởng lợi cao nhất.

Ngọc Trinh

Bạn có thể quan tâm