Ngày 22/4, lãnh đạo một số tỉnh thành từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã phối hợp tích cực với các ngành chức năng để điều tra, xử lý tình trạng cá chết dạt vào bờ ở các địa phương. Theo ghi nhận của Zing.vn, đại nạn cá chết đã giảm xuống đáng kể nên ngư dân ở nhiều vùng bắt đầu ra biển đánh cá trở lại.
Khốn đốn vì cá chết
Tình trạng cá chết, dạt vào bờ diễn ra từ đầu tháng 4, ảnh hưởng lớn đến ngư dân. Sau khi có kết luận ban đầu do nước biển ô nhiễm (có yếu tố độc gây cá chết), người dân không ăn cá khiến thị trường thuỷ hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chợ cá thì đìu hiu, cảng cá vắng người. Còn ngư dân không dám ra biển đánh bắt cá vì sợ không ai mua.
Sau khi cá chết dạt vào bờ, hàng trăm hộ ngư dân vùng bãi ngang Hải Ninh kéo úp thuyền, bó lưới, tạm nghỉ đánh cá. Ảnh: Văn Được. |
Ghi nhận tại bờ biển bãi ngang xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), hàng trăm chiếc thuyền nan của ngư dân xếp dài trên bãi cát hoặc đưa vào tận nhà để đại tu, sữa chữa.
"Từ ngày phát hiện cá chết dạt vào bờ, hàng trăm hộ dân ở đây không dám ra biển đánh cá vì lo sợ đánh bắt trúng cá nhiễm độc. Tôi thường ngày vẫn ra biển câu mực ban đêm nhưng hơn chục ngày rồi ngồi chơi không", lão ngư Ngô Văn Phượng (68 tuổi, ở thôn Cừa Phú) cho biết.
Trong những ngày xảy ra đại nạn cá chết ở miền Trung, 2 cảng cá lớn của Quảng Bình là cảng Gianh và Nhật Lệ giảm hẳn số tàu đánh cá xa bờ đến bán hải sản. Hơn 70 % số tiểu thương đến mua cá cũng không đến những nơi này vì cá ế. "Mỗi đêm chỉ được dăm ba tàu cập cảng cá. Cá đông lạnh tồn kho, cá nhập ngoại cũng không bán được", một nhân viên tại đây thông tin.
Tình trạng cá chết bất thường dạt vào bờ biển dày đặc khiến ngư dân ven biển vùng nam Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đứng ngồi không yên. Ngư dân nghèo ở các vùng biển rơi vào cảnh thiếu ăn vì cá chết.
"Lúc đầu, chúng tôi thấy cá nổi cũng vớt về ăn hoặc đưa lên chợ bán. Sau thấy cá chết nhiều nên mọi người lo sợ, không dám đánh bắt hay tiêu thụ nữa. Gia đình tôi nhiều ngày nay phải đi vay tiền trang trải cuộc sống vì không thể ra biển", ngư dân Nguyễn Xuân Thảo (55 tuổi, trú xã Lộc Vĩnh, huyện Phú lộc, Thừa Thiên - Huế) kể.
Thống kê của ngành chức năng Hà Tĩnh cho thấy, số lượng cá nuôi lồng bè chết là trên 37.000 con. Một số hồ nuôi tôm ở xã Kỳ Phương xảy ra tình trạng tôm chết đồng loạt do bơm nước biển vào sử dụng.
Cá chết dạt vào bờ đã giảm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, 2 ngày qua không ghi nhận thêm tình trạng cá chết dạt vào bờ biển. Cơ quan chức năng cùng người dân đang thu gom cá chết sót lại, mắc kẹt ở các ghềnh đá một số xã của thị xã Kỳ Anh để tiêu huỷ.
Cá chết trôi dạt vào bờ biển xã Kỳ Nam. Ảnh: Quang Tiến. |
Sáng 22/4, đoàn công tác do Bộ Tài nguyên & Môi trường chủ trì vào làm việc với khu công nghiệp Vũng Áng. Tuy nhiên, Ban quản lý Khu công nghiệp này từ chối tiếp báo chí. Nhiều phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông vẫn chưa thể tiếp cận được các nhà máy nghi xả thải... trong khu vực này.
Tại Quảng Bình, ông Trần Tiến Dũng – Phó chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo các địa phương và đơn vị liên quan tập trung lực lượng thu gom, tiêu hủy tránh làm ô nhiễm môi trường. Đến chiều 22/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình ghi nhận vẫn tiếp tục phát hiện cá chết rải rác tại các lồng nuôi nhốt gần cửa sông.
Lượng cá chết trôi dạt vào các bờ biển đã giảm xuống đáng kể. Gần 500 đoàn viên, thanh niên do huyện đoàn Quảng Ninh tổ chức thu gom, dọn vệ sinh trên chiều dài hơn 5 km bờ biển xã Hải Ninh chỉ gom được khoảng 1,5 tạ cá chết các loại.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng đã trực tiếp kiểm tra một số vùng biển xảy ra tình trạng cá chết dạt vào bờ. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các ngành liên quan điều tra nguyên nhân, thu dọn cá chết để tránh ảnh hưởng đến môi trường, khuyến cáo người dân không nên tiêu thụ, chế biến cá chết. Đến ngày 21/4, lực lượng chức năng và ngư dân Quảng Trị đã gom được khoảng 30 tấn cá chết.
Cùng ngày, tại Thừa Thiên Huế cũng ghi nhận tình hình cá chết dạt vào bờ đã giảm thấp so các ngày trước. Đoàn công tác của Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và đại diện Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đã đến tỉnh Thừa Thiên - Huế để tìm hiểu nguyên nhân cá chết và lấy mẫu kiểm tra.
Ngư dân ra biển đánh cá trở lại
Theo ngư dân Hoàng Tắc (46 tuổi) ở xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), một số ngư dân vùng này vẫn ra biển đánh bắt các loại cá tươi sống để về ăn.
"Sau khi cá chết dạt vào vùng này, tôi theo bạn đánh bắt xa bờ cho tàu lớn ở Bảo Ninh (Đồng Hới). Chúng tôi vẫn ăn cá đều đặn hàng ngày" ông Tắc nói.
Trong khi đó, tại các vùng bãi ngang xã Quang Phú (TP Đồng Hới), Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), một số ngư dân vẫn ra khơi đánh bắt vùng ven bờ.
Ngư dân xã Nhân Trạch chuẩn bị ra vùng biển gần bờ đánh bắt cá. Ảnh: Văn Được. |
Trước chuyến ra biển chiều 22/4, ngư dân Hồ Văn Giang (35 tuổi) cho biết, nhiều ngư dân xã Nhân Trạch vẫn đều đặn ra biển, đánh bắt các loại cá tươi sống về ăn hoặc bán cho một số nhà hàng trên địa bàn.
"Cá tầng đáy bị chết thì chúng tôi không chế biến hay tiêu thụ nhưng chúng tôi vẫn ăn một số loại cá tầng nổi trên mặt nước. Nhiều tàu cá Nhân Trạch hàng đêm vẫn ra biển câu mực phục vụ nhu cầu thực phẩm của địa phương", anh Giang nói.
Theo ông Trần Tiến Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, trong khi chờ cơ quan chức năng có kết luận, các địa phương trong tỉnh cần vận động người dân không thu gom cá chết về làm thực phẩm, bán hoặc làm mắm muối ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.
Người nuôi trồng thủy sản cũng được khuyến cáo chấp hành hướng dẫn của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát các yếu tố môi trường, lấy nguồn nước vào ao nuôi.