Sáng 20/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết, nguyên nhân hiện tượng cá chết bất thường ở vùng biển ven bờ của tỉnh này "không phải tác nhân vi khuẩn, virus mà do nguồn nước bị ô nhiễm".
Cá chết bắt đầu từ khu công nghiệp Vũng Áng
Trước khi xảy ra ở vùng biển Quảng Đông (huyện Quảng Trạch), cá chết hàng loạt từng được phát hiện ở khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh). Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) kết luận, cá chết ở Hà Tĩnh do “môi trường nước bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc trong môi trường”.
Sở Nông nghiệp Quảng Bình đã trao đổi thông tin với cơ quan chuyên môn đồng cấp của Hà Tĩnh và thống nhất kết luận. Theo đó, "dưới tác động của dòng hải lưu Bắc Cực – Xích đạo, nguồn nước ô nhiễm ở Hà Tĩnh bị đẩy vào phía nam gây nên hiện tượng cá chết ven biển Quảng Bình, kéo dài từ bắc xuống nam theo thời gian”.
Dòng hải lưu này đẩy nguồn nước nhiễm độc vào đến vùng biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình kết luận, cá chết bất thường là do nguồn nước ô nhiễm, có yếu tố gây độc trong nước . Ảnh: Văn Được. |
Tuy xác định nguồn nước có yếu tố gây độc, song ông Trần Đình Du, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Bình cho hay, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra yếu tố cụ thể đó là gì.
Sở Nông nghiệp Quảng Bình khuyến cáo những hộ gia đình nuôi trồng thủy sản tạm dừng lấy nước biển vào ao nuôi cho đến khi không còn hiện tượng cá chết để giảm bớt rủi ro. Sở cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tìm nguyên nhân cụ thể để phòng tránh.
Dân miền biển hoang mang
Cá chết bất thường được phát hiện từ đầu tháng 4 ở Hà Tĩnh, lan vào khu vực Hòn La (Quảng Bình, giáp Hà Tĩnh) rồi mở rộng xuống vùng biển Nhật Lệ, Hải Ninh và Lệ Thuỷ. Đến ngày 18 và 19/4, Quảng Trị và Huế cũng xuất hiện tình trạng này.
Riêng tại Quảng Trị, tổng khối lượng cá chết mà người dân vớt được từ 2 đến 4 tấn.
Công văn báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh gửi lên Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện tượng xảy ra mà không rõ nguyên nhân khiến người dân "hoang mang, lo lắng".
Cá chết dạt vào bờ biển Cửa Tùng, Quảng Trị. Ảnh: CTV. |
Một số loài thuỷ sản nuôi lồng bè (như cá hồng, cá bống bớp và tôm) và thuỷ sản tự nhiên (như tôm, cá…) chết với số lượng ước tính khoảng 39.000 con. 5.000 m2 ao nuôi tôm, kể cả tôm nuôi công nghiệp có sử dụng nước biển, cũng gặp tình trạng này.
Ngoài ra, một số loài cây như đước, sú và vẹt sống tại khu vực ven biển thuộc xã Kỳ Hà (Kỳ Anh) cũng bị chết.
Báo cáo của Hà Tĩnh cũng chỉ rõ, trên vùng biển và ven bờ của các khu biển thuộc tỉnh đã và đang có nhiều dự án hoạt động đầu tư và sản xuất như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, Tổng kho xăng dầu Vũng Áng và Tổng kho khí hoá lỏng LPG.
Những dự án này đều có hoạt động liên quan đến xả thải ra biển.
Hà Tĩnh đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường có các biện pháp yêu cầu các đơn vị có dự án tại khu vực khẩn trương hoàn thành xác nhận công trình bảo vệ môi trường, tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát công trình môi trường, đảm bảo quản lý vệ sinh môi trường.
Trên cơ sở đó, Hà Tĩnh kiến nghị Bộ chỉ đạo, bố trí cán bộ và phương tiện để hỗ trợ kiểm tra, xác định nguyên nhân để có biện pháp phù hợp.