Để xây dựng các mô hình AI tiên tiến, ByteDance đã chi hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng AI trong 2 năm qua. Ảnh: IMAGO. |
ByteDance, công ty mẹ của TikTok, được đánh giá là một trong những ứng viên hàng đầu trong cuộc đua khai thác trí tuệ nhân tạo tạo sinh tại Trung Quốc.
Bằng cách thu hút những tài năng AI hàng đầu từ các đối thủ trong nước như Alibaba, 01.ai, Zhipu, ByteDance đã xây dựng một đội ngũ chuyên phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và các sản phẩm AI, theo nguồn tin thân cận.
Khách hàng lớn nhất của Nvidia
Để xây dựng các mô hình AI tiên tiến, ByteDance đã chi hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng AI trong 2 năm qua. Theo các nguồn tin, công ty này đã mua số lượng lớn các bộ xử lý đồ họa (GPU) tiên tiến từ Nvidia và trở thành trở thành khách hàng lớn nhất của hãng chip tại Trung Quốc, lẫn khu vực châu Á.
Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance và cũng là người giàu nhất Trung Quốc, được xem là động lực chính đứng sau nỗ lực chuyển mình này của ByteDance. Trong bối cảnh đà phát triển của Douyin - phiên bản TikTok tại Trung Quốc - đang bão hòa và TikTok chững lại, Zhang đã nhìn thấy tiềm năng của các mô hình ngôn ngữ lớn.
“Zhang Yiming nhận ra tiềm năng của các mô hình ngôn ngữ lớn có thể thay đổi ngành và ông ấy quyết định dốc toàn lực”, một người trong công ty cho biết.
Theo Financial Times, quan hệ đối tác thương mại với Nvidia là yếu tố then chốt trong chiến lược AI của ByteDance. Tại Trung Quốc, công ty chỉ được phép mua phiên bản GPU H20s đã điều chỉnh để phù hợp với các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Người sáng lập ByteDance Zhang Yiming là người giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: Financial Times. |
Tuy nhiên, trước khi các quy định này có hiệu lực vào tháng 11/2023, ByteDance đã kịp mua các phiên bản mạnh hơn như H100s và Blackwell để sử dụng tại các trung tâm dữ liệu bên ngoài Trung Quốc.
Năm 2024, Tan Dai - người đứng đầu bộ phận điện toán đám mây Volcano Engine của ByteDance - đã có cuộc gặp với CEO Nvidia Jensen Huang tại California.
Việc OpenAI ra mắt chatbot cũng thúc đẩy các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Baidu, Alibaba và Tencent lao vào cuộc đua phát triển AI tạo sinh. Trước đó, lĩnh vực này vốn chưa được phát triển mạnh tại quốc gia tỷ dân. Tuy hiện vẫn chưa có công ty nào thực sự vượt trội trong việc phát triển LLM tiên tiến nhất, ByteDance đã nỗ lực đẩy mạnh mô hình và giảm chi phí cho các nhà phát triển.
ByteDance đã phát hành chatbot Doubao vào tháng 8/2023, chỉ 5 tháng sau khi Baidu ra mắt Ernie Bot. Doubao nhanh chóng trở thành ứng dụng AI phổ biến nhất tại Trung Quốc. Theo thống kê từ Aicpb.com, đến tháng 11/2023, Doubao đã có 60 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Số liệu này vượt xa con số 13 triệu của Wenxiaoyan - phiên bản di động đã được đổi tên của Ernie Bot.
Doubao nổi bật nhờ khả năng tích hợp nhiều chức năng AI vào một ứng dụng hoàn thiện, như tìm kiếm, dịch thuật, tạo hình ảnh và video. Theo kỹ sư Wang Tiezhen từ nền tảng học máy Hugging Face, đây chính là yếu tố phân biệt của Doubao so với các đối thủ khác.
Bên cạnh Doubao, ByteDance cũng ra mắt chatbot quốc tế Cici AI, sử dụng các mô hình từ bên thứ 3 như GPT của OpenAI.
Sau TikTok, ByteDance muốn cược tất vào AI
Dù Zhang Yiming đã từ chức CEO vào năm 2021, ông vẫn trực tiếp giám sát chiến lược AI của ByteDance. Ông tham gia tuyển dụng các kỹ sư và nhà nghiên cứu AI từ các đối thủ, với tham vọng đạt được "trí tuệ nhân tạo tổng quát" (AGI) - hệ thống có trí thông minh giống con người.
“Đây không phải là lần đầu tiên Zhang Yiming đặt cược lớn vào công nghệ tiếp theo. Chúng ta sẽ xem lần cá cược này kéo dài bao lâu”, CEO của một công ty AI đối thủ ở Trung Quốc nhận định.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành vẫn hoài nghi về mục tiêu này. ByteDance từng đầu tư lớn vào các lĩnh vực như game, thực tế ảo và giáo dục trực tuyến, nhưng đều phải rút lui sau những thất bại hoặc doanh thu không như kỳ vọng.
Bên cạnh mua chip, ByteDance còn mở rộng sang lĩnh vực phần cứng với đội ngũ chuyên thiết kế chip AI. Đội ngũ này được dẫn dắt bởi những tài năng hàng đầu được chiêu mộ từ các công ty sản xuất chip lớn của Trung Quốc. Họ đang phát triển một loại mạch tích hợp chuyên dụng (ASIC) dành riêng cho AI, tương tự như TPU (Tensor Processing Unit) của Google.
Theo đuổi mục tiêu AI, BytDance chiêu mộ những tài năng hàng đầu từ các đối thủ và trở thành khách hàng lớn nhất của Nvidia tại quốc gia này. Ảnh: BBC. |
Năm 2017, ByteDance thành lập một phòng thí nghiệm AI và tuyển dụng lãnh đạo từ Microsoft Research Asia - trung tâm nghiên cứu hàng đầu tại Trung Quốc thời điểm đó. Dự án ban đầu không có lộ trình rõ ràng và bị dừng lại. Hiện tại, ByteDance đã quay lại chiến lược phát triển mô hình phù hợp với các hạn chế của Mỹ và Trung Quốc.
Tập đoàn đã đào tạo các mô hình riêng cho từng khu vực: một mô hình dành cho thị trường Trung Quốc có tên Doubao và một mô hình khác nhắm đến nước ngoài, được gọi là Cici. Doubao và Cici được phát triển trên cùng một thuật toán nhưng sử dụng bộ dữ liệu khác nhau.
Đội ngũ phát triển cả 2 mô hình này, gọi là "Seed Team”, báo cáo trực tiếp cho Zhu Wenjia. Đây là người từng phát triển thuật toán gợi ý cho sản phẩm đột phá đầu tiên của ByteDance là Toutiao.
“Zhang Yiming nhận thấy ByteDance cần một động cơ tăng trưởng mới sau Douyin và TikTok. Ông luôn suy nghĩ về những gì sẽ định hình tương lai của công ty trong 5 năm tới”, một nguồn tin thân cận nói với Financial Times.
Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI
Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.
Cuốn sách Thời đại AI - Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.