Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Búp bê TDDC Việt Nam kể chuyện dính doping vì làm đẹp

Nhiều trường hợp vận động viên (VĐV) vô tình dùng chất cấm dẫn đến dương tính với bài kiểm tra doping. Với Ngân Thương là "tai nạn" sau khi làm đẹp.

Năm 2008, Đỗ Thị Ngân Thương là tuyển thủ thể dục dụng cụ (TDDC) duy nhất ở khu vực Đông Nam Á được đặc cách tham dự Olympic Bắc Kinh (Trung Quốc) nhờ thành tích đạt 5 HCV trong 3 kỳ SEA Games liên tiếp. VĐV sinh năm 1989 bước vào giải đấu lớn nhất hành tinh với biết bao kỳ vọng. Tuy nhiên, sau khi khép lại các nội dung vòng loại, kết quả kiểm tra doping của Ủy ban Olympic quốc tế cho thấy mẫu thử của cô dương tính với furosemide – một chất bị cấm trong danh mục của Ủy ban phòng chống doping quốc tế.

Ngân Thương trở thành VĐV TDDC đầu tiên bị trục xuất khỏi một kỳ Olympic, đồng thời bị cấm thi đấu một năm.

Nói về sự cố này, ngôi sao được người hâm mộ trìu mến gọi là "búp bê TDDC" cho biết: “Sự việc đã quá rất lâu và bản thân tôi không muốn nhắc nhiều đến chuyện này. Đợt đó trước khi lên đường tôi thấy mình quá béo nên quyết định mua thuốc lợi tiểu dùng để giảm cân. Khi dùng tôi chỉ biết đó là thuốc lợi tiểu chứ không hề biết trong đó có doping. Đây không phải là thuốc để nâng cao thành tích thi đấu vì khi dùng nó khiến người mệt hơn”.

Dính cú “phốt” lớn nhưng lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam đều thông cảm với Ngân Thương bởi cô chỉ vô tình dùng doping. Bản thân VĐV này cũng không thật sự hiểu biết về danh mục các chất bị cấm dùng trong thi đấu. Ban huấn luyện đội tuyển TDDC cũng chịu một phần trách nhiệm lớn trong chuyện này bởi không giải thích cặn kẽ, sâu sát với VĐV.

Những lần VĐV Việt Nam dính doping

Doping là hiểm họa của thể thao, ảnh hưởng đến danh dự của một nền thể thao cũng như khiến sự nghiệp của VĐV bị gián đoạn nhưng nhiều VĐV Việt Nam không hiểu thấu đáo điều này.

Do Thi Ngan Thuong vo tinh dinh doping anh 1

Ngân Thương dính doping năm 2008 chỉ vì uống thuốc để giảm cân. Ảnh: Getty Images

Trưởng ban y tế của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Arne Ljungqvist khi đó cũng khẳng định đây không phải lỗi cố ý của Ngân Thương. Ông cho rằng VĐV Việt Nam còn quá nhỏ, không đủ kiến thức cần thiết về chất cấm.

Rời Olympic 2008 trong nước mắt, mang trong mình mặc cảm lớn, Ngân Thương suy sụp thấy rõ và từng nghĩ đến việc chia tay hẳn TDDC để chuyên tâm cho chuyện học. Nhưng sau đó, nhờ sự động viên của HLV Trương Tấn Hiền và bà Nguyễn Thị Kim Lan - Trưởng bộ môn TDDC của Tổng cục TDTT - cô đã trở lại đầy ngoạn mục để rồi giành quyền dự Olympic 2012 cũng như đoạt 2 HCV SEA Games 2011.

Sự việc này cũng nhắc nhở Ngân Thương cẩn trọng hơn với những thứ đưa vào cơ thể của mình: “Tôi xem đây là bài học lớn của bản thân, để từ đó không vấp ngã vì những lỗi như thế nữa. Thông trường, 1 tháng hoặc 3 tháng trước khi bước vào thi đấu một giải nào đó, chúng tôi không được dùng bất cứ một loại thuốc nào nếu không được phép”.

Bên cạnh Ngân Thương, thể thao Việt Nam từng có nhiều VĐV khác dính doping vì những sơ suất và thiếu hiểu biết. VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn dính chất cấm vì dùng nước uống đóng chai không rõ nguồn gốc, dẫn đến việc bị cấm thi đấu 2 năm, từ 18/9/2010 đến 18/9/2012. Sự kiện này đã gần như chấm dứt luôn sự nghiệp huy hoàng của đô cử giành HCB Olympic 2008. Ngoài ra, VĐV thể hình Mỹ Linh cũng từng bị cấm thi đấu một năm bởi dương tính với chất furosemide. Cô uống thuốc để chữa bệnh đau thắt lưng và bí đường tiểu.


Hoàng Tâm

Bạn có thể quan tâm