Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Buông lỏng kiểm tra chất lượng hàng Trung Quốc

Mỗi ngày có hàng trăm tấn khoai tây, bắp cải, gừng... nhập từ Trung Quốc, nhưng không ai dám chắc số lượng hàng hóa trên có thật sự an toàn bởi việc kiểm tra, kiểm dịch ở cửa khẩu cũng như ngoài thị trường đang bị buông lỏng.

Buông lỏng kiểm tra chất lượng hàng Trung Quốc

Mỗi ngày có hàng trăm tấn khoai tây, bắp cải, gừng... nhập từ Trung Quốc, nhưng không ai dám chắc số lượng hàng hóa trên có thật sự an toàn bởi việc kiểm tra, kiểm dịch ở cửa khẩu cũng như ngoài thị trường đang bị buông lỏng.

Trong khi đó, việc kiểm soát tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa cũng khó thực hiện vì nông sản, trái cây là mặt hàng thuộc diện không bắt buộc phải ghi nhãn hàng hóa.

Không cần kiểm tra chất lượng?

 
Khoai tây, củ cải, hành tây... được nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc nhưng khi đưa ra thị trường không hề ghi nguồn gốc xuất xứ.

Nhiều chủ vựa trái cây, rau củ tại các chợ đầu mối thừa nhận việc nhập khẩu hàng nông sản rất dễ dàng, phần lớn được đưa thẳng từ cửa khẩu tới các chợ mà gần như không qua một khâu kiểm tra, kiểm dịch nào.

Kiểm tra, nhưng vẫn “lọt lướt” khoai tây độc hại

Ông Nguyễn Văn Tuân, chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 (Lào Cai), cho biết tại cửa khẩu Lào Cai hiện có bảy doanh nghiệp nhập khẩu khoai tây. Trong đó, có công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và xuất nhập khẩu Vân Linh, doanh nghiệp nhập khoai tây bị cơ quan chức năng TP.Đà lạt (Lâm Đồng) kiểm tra, phát hiện dư lượng chất chlorpyrifos vượt ngưỡng gấp 16 lần cho phép. Tính từ đầu năm đến ngày 10/6, bảy công ty trên đã nhập khẩu 1.400 tấn khoai tây hồng Trung Quốc vào nội địa.

Theo ông Tuân, đơn vị này đã kiểm dịch theo các bước: kiểm tra hồ sơ hải quan và lấy mẫu hàng hóa (theo phương pháp xác suất dưới 10%). Trường hợp lô hàng khoai tây hồng của Công ty Vân Linh có lượng tồn dư hoạt chất chlorpyrifos có thể do kiểm tra, lấy mẫu theo xác suất nên bị “lọt lưới”

Chị T.N., tiểu thương tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) cho biết, các đầu mối nhập hàng trái cây ở Hà Nội thường lên Lạng Sơn làm việc với các “mối” bên Trung Quốc. Tại đây, họ thỏa thuận giá cả, gút lại phương thức vận chuyển hàng. Ở khu vực biên giới tại Lạng Sơn, hàng được bốc lên các container, vận chuyển đi khắp nơi mà không qua kiểm dịch. “Hàng cứ thế đi thẳng vào chợ rồi phân phối ra các vựa, sau đó chuyển đến các chợ lẻ mà không có chuyện kiểm tra, kiểm dịch gì cả” - chị T.N. nói.

Trong khi đó, một tài xế vận chuyển hàng hóa từ phía Bắc vào chợ đầu mối Thủ Đức cho biết thông thường vận chuyển mặt hàng trái cây đều phải có hợp đồng khoảng 72h đi và 3h nghỉ ngơi. Nếu quá thời gian cam kết sẽ bị phạt. “Đi như thế thì thời gian đâu mà dừng lại kiểm tra, kiểm dịch cho kỹ được” - anh này cho hay.

Tại các chợ lẻ, hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tự do bày bán mà rất ít khi nào có kiểm tra, kiểm dịch. Chị Nguyễn Thị Huệ, tiểu thương bán rau củ tại chợ Việt Hưng (quận 12), nói chưa bao giờ thấy có bất kỳ hoạt động kiểm tra hàng hóa nào liên quan đến chất lượng. Khảo sát tại nhiều chợ nội thành, tiểu thương cũng cho biết hầu như không ai kiểm tra, kiểm soát về chất lượng hay nguồn gốc hàng hóa khi bày bán cho người tiêu dùng. “Toàn thấy đi kiểm tra niêm yết giá, vệ sinh khu chợ chứ có ai kiểm tra chất lượng hàng nông sản nhập khẩu đâu?” - chị Thủy, chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), nói.

10 lô chỉ kiểm tra tối đa 3 lô

Theo ông Nguyễn Văn Ngã, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) vùng 2, thuộc Cục BVTV, các loại nông sản tươi nhập khẩu về Việt Nam thuộc diện phải kiểm tra trước khi thông quan. Cả hai điều kiện là các động thực vật có hại trên sản phẩm (gọi là dịch hại) và dư lượng hóa chất. Tại cửa khẩu, cán bộ BVTV kiểm tra về các loại dịch hại đối với 100% các lô hàng. Nếu không có dấu hiệu vi phạm thì chuyển sang Trung tâm kiểm định thuốc BVTV để giám định tồn dư các loại hóa chất ảnh hưởng cho người sử dụng. Tuy nhiên, do điều kiện không cho phép nên ở khâu này các loại rau củ nhập khẩu chỉ được kiểm tra tối đa với tần suất 30% (10 lô kiểm tra ngẫu nhiên ba lô). Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện lô hàng có dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép sẽ xử lý theo quy định, và các mặt hàng này sẽ bị đưa vào diện kiểm tra với tần suất cao hơn trong thời gian tiếp theo.

Trên thực tế, theo một số tiểu thương chuyên nhập khẩu hàng nông sản Trung Quốc về Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, hàng nông sản nhập khẩu vào Việt Nam hết sức dễ dàng. Hàng về đến cửa khẩu, tiểu thương đem hồ sơ nhập hàng đăng ký với cơ quan kiểm dịch. Hàng chờ tại cửa khẩu 2-3h để kiểm tra dịch hại, sâu bệnh bằng cách test nhanh. Sau khi có giấy chứng nhận kiểm dịch, hàng hóa được thông quan. Một số lô hàng phải kiểm tra hóa chất tồn dư, thuốc BVTV thì lô hàng sẽ được lấy mẫu tại cửa khẩu đưa về kiểm nghiệm. Trong thời gian đó, tiểu thương vẫn đưa hàng vào trong nước tiêu thụ. Ngay cả khi hàng kiểm nghiệm không đạt chất lượng, cơ quan chức năng cũng khó có thể thu hồi sản phẩm mà chỉ cảnh báo để tăng cường kiểm tra trong những lần nhập sau.

Theo một cán bộ ngành BVTV, với cơ sở vật chất hiện tại của Cục BVTV thì khó kiểm tra hết các lô hàng rau quả tươi nhập khẩu về VN. Hơn nữa, Cục BVTV chỉ kiểm tra được một số loại hóa chất phổ biến. Do đó mới có chuyện các loại trái cây, rau củ Trung Quốc để hàng tháng trời vẫn tươi nguyên thì đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa rõ họ dùng loại hóa chất gì để bảo quản.

Chưa kể với đường biên giới dài với Trung Quốc, hoạt động buôn bán tiểu ngạch diễn ra vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Văn Ngã thừa nhận, Cục BVTV chỉ kiểm soát ở những lô hàng nhập chính ngạch, còn hàng tiểu ngạch không thể kiểm soát được. Trong khi đó, hình thức mua gom tiểu ngạch dọc biên giới rồi chất lên xe tải đưa vào nội địa hiện được khá nhiều tiểu thương áp dụng.

Nên bắt buộc ghi rõ nguồn gốc xuất xứ

Một trong những tiêu chí để người tiêu dùng nhận biết xuất xứ hàng hóa trước khi đưa ra quyết định mua hàng là nhãn hàng hóa. Trên nhãn, theo quy định, nhà sản xuất, người bán hàng phải ghi đầy đủ thông tin về nhà sản xuất, xuất xứ, hạn sử dụng... Thế nhưng với hàng nông sản, trái cây nhập khẩu, người tiêu dùng hoàn toàn mù tịt thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa... do đa số không có bao bì, bán trực tiếp cho người sử dụng, không có nhãn hàng.

Theo Cục BVTV, cơ quan này chỉ có trách nhiệm kiểm tra dịch hại và dư lượng thuốc, việc gian lận về nguồn gốc xuất xứ thuộc về quản lý thị trường. Theo một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, nghị định 89/2006 quy định về ghi nhãn hàng hóa đã xếp hàng nông sản thuộc nhóm thực phẩm tươi sống, không bắt buộc phải ghi nhãn. Do vậy rất khó kiểm soát khi tiểu thương thông tin xuất xứ sai lệch từ hàng Trung Quốc sang hàng nông sản trong nước qua trao đổi trực tiếp với người tiêu dùng. Ngay cả trường hợp cố tình để biển chỉ dẫn hàng hóa là “khoai tây Đà Lạt”, “bắp cải Đà Lạt”... nhưng vẫn khó kiểm tra và xử phạt. Các chuyên gia đề nghị cần phải quy định rõ hàng nông sản nhập khẩu khi đưa ra thị trường bắt buộc phải ghi rõ xuất xứ hàng hóa.

Theo Tuổi trẻ

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm