Vào năm 2007, Satoshi Nakamoto - nhân vật hoặc tổ chức ẩn danh sáng tạo ra Bitcoin - bắt đầu các nghiên cứu đầu tiên về Bitcoin. Đến tháng 1/2009, mã Bitcoin được tải lên Internet và đi vào hoạt động.
Theo Reuters, Satoshi Nakamoto giờ đây có thể tự hào vì đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới sắp đền đáp niềm tin của "cha đẻ".
Bitcoin đảm nhận nhiều vai trò, từ công cụ đầu cơ tới hàng rào chống lại rủi ro lạm phát. Nếu Bitcoin hoàn toàn thay thế vàng, giả sử về mặt lý thuyết là 100% giá trị của vàng, vốn hóa của Bitcoin có thể đạt 10.000 tỷ USD. Sau khi chia cho 20 triệu Bitcoin (ban đầu có 21 triệu Bitcoin, nhưng khoảng 1 triệu đã mất), mỗi đồng Bitcoin sẽ có giá 500.000 USD.
Thêm vào đó, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy Bitcoin đang hướng tới mục tiêu trở thành phương tiện thanh toán như kỳ vọng.
Bitcoin được nhiều người ủng hộ coi là "vàng kỹ thuật số", tức hàng rào chống lại rủi ro lạm phát. Ảnh: Reuters. |
Phương tiện thanh toán
Ông Richard Mico - Giám đốc điều hành của hãng cung cấp cơ sở hạ tầng thanh toán Banxa - chỉ ra các khoản thanh toán bằng tiền mã hóa đang phát triển nhanh chóng.
Theo công ty dữ liệu tiền mã hóa The Block, khối lượng Bitcoin được lưu trữ trên Lightning Network - một giao thức thanh toán - đã tăng 2/3 trong vòng một năm qua lên mức kỷ lục.
Khối lượng giao dịch trên nền tảng thanh toán tiền mã hóa BitPay (có trụ sở ở Mỹ) đã tăng 18% vào năm ngoái. Trong quý IV/2022, khối lượng giao dịch tại CoinsPaid cũng tăng 32% sau một năm.
Trên thực tế, biến động về giá, tốc độ xử lý chậm và sự bấp bênh về quy định là những yếu tố khiến tiền mã hóa khó trở thành một phương tiện thanh toán. Rất ít thương nhân định giá hàng hóa hay dịch vụ bằng tiền mã hóa.
Tính biến động cao đến nay vẫn là một trong những trở ngại lớn nhất của Bitcoin trong việc trở thành một phương tiện thanh toán. Ảnh: CoinMarketCap. |
Nhưng theo những người ủng hộ Bitcoin, loại tiền mã hóa này có chi phí giao dịch thấp hơn và tốc độ thanh toán nhanh hơn tiền mặt, nhất là những giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới.
Ngoài Bitcoin, các loại tiền mã hóa khác, bao gồm stablecoin, cũng được sử dụng rộng rãi, nhất là với việc chuyển tiền xuyên biên giới. Hơn nữa, tại các thị trường mới nổi, nhiều đồng tiền pháp định địa phương còn bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Stellar - một chuỗi khối cho phép thanh toán xuyên biên giới - đã ghi nhận khối lượng giao dịch tăng từ 50,6 triệu vào tháng 1/2022 lên 103,4 triệu giao dịch sau một năm.
Theo dữ liệu của CryptoCompare, trên các sàn giao dịch, khối lượng giao dịch giữa Bitcoin với đồng lira (Thổ Nhĩ Kỳ) và real (Brazil) đã tăng lần lượt 232% và 72%.
Vẫn còn trở ngại
Dĩ nhiên, không dễ để Bitcoin nhanh chóng trở thành một phương tiện thanh toán toàn cầu. Câu hỏi đầu tiên là các chuỗi khối có thể xử lý hàng nghìn giao dịch cùng một lúc hay không, nhất là khi điều này không làm chi phí giao dịch tăng vọt.
Hơn nữa, các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang muốn tạo ra những đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Điều này có thể bóp nghẹt đà tăng trưởng trong thanh toán bằng tiền mã hóa.
Nhưng đối với một số người, mối quan tâm với tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương tăng lên có nghĩa là công nghệ thanh toán chuỗi khối sẽ tiếp tục tồn tại.
Bất chấp những biến động trên thị trường trong thời gian qua, các công ty tài chính truyền thống cũng đang tìm cách áp dụng thanh toán bằng tiền mã hóa. Tháng này, Visa đã ký thỏa thuận với công ty tiền mã hóa WireX cho dịch vụ phát hành thẻ trả trước và thẻ ghi nợ được kích hoạt bằng tiền mã hóa.
"Tiền mã hóa đang phát triển thành một giải pháp thay thế khả thi với số lượng người dùng ngày càng gia tăng", ông Mico tại Banxa nhận định.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.