“Cha truyền con nối” là đặc quyền của chế độ quân chủ phong kiến từ Á sang Âu. Chưa cần xét tới tài năng hay công trạng, mang trong mình huyết mạch của dòng dõi đế vương là yếu tố đầu tiên để được kế thừa ngai vị. Bởi vậy, mới có chuyện những đứa trẻ “miệng còn hơi sữa” đã được ẵm lên ngai vàng. Xung quanh cuộc đời của các vị ấu chúa đó là câu chuyện đầy thăng trầm của lịch sử và số phận.
Chế độ quân chủ phong kiến ở nước ta kéo dài hơn 1000 năm, kể từ khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán giành lại độc lập cho dân tộc vào năm 938, cho tới lúc vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945. Trong suốt hơn 10 thế kỉ dài đằng đẳng ấy, có không ít lần, vận mệnh đất nước được đặt vào tay các ấu chúa. Đằng sau việc kế thừa vương của các vị vua trẻ là những câu chuyện chính trị thâm sâu khó lường.
Tập sách Những vị vua trẻ trong sử Việt của nhóm tác giả Nguyễn Huy Thắng- Nguyễn Quốc Tín và Nguyễn Như Mai mang đến cho bạn đọc những câu chuyện buồn vui xoay quanh cuộc đời của 34 vị ấu chúa trong lịch sử phong kiến. Họ có một điểm chung là đều lên ngôi khi ở độ tuổi thiếu niên, thường là trước khi bước vào tuổi 15. Nhưng với mỗi vị quân vương nhỏ tuổi, tùy thuộc vào bối cảnh chính trị và tư chất lãnh đạo, họ lại có những đóng góp khác nhau cho lịch sử của triều đại và dân tộc.
Con nối ngôi cha là lẽ hiển nhiên khi chế độ quân chủ phong kiến còn tồn tại. Tuy nhiên, để chọn ra một người đứng đầu đất nước, gánh vác trọng trách nặng nề với sự an nguy của quốc gia, dân tộc luôn là việc hệ trọng. Một đứa trẻ đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” tất nhiên khó mà đảm nhận công việc đầy thử thách này. Đây là điều mà ai cũng hiểu!
Phần lớn các vị vua trẻ đều lên ngôi trong hoàn cảnh rất ngặt nghèo và đường đột, không có sự chuẩn bị trước. Chỉ có ở triều nhà Trần mới có lệ: vua cha nhường ngôi sớm để lên làm Thái thượng hoàng và sau đó cùng “vua con” chăm lo việc nước thì vị vua trẻ mới có thời gian chuẩn bị cho việc làm vua.
Còn lại, để tránh vận nước rối ren, khi nhà vua băng hà, các đại thần liền phò trợ để thái tử hay hoàng tử lên ngôi, nhằm yên lòng dân. Ấu chúa khi ấy chỉ đóng vai trò như một quyền lực tượng trưng chứ không hề nắm thực quyền. Quyền lực chủ yếu nằm trong tay các đại thần.
Cuốn sách Những vị vua trẻ trong sử Việt. |
Thế mới có chuyện, vào thời vua Lê Thái Tông, Tư đồ Lê Sát ỷ mình là đại thần phụ chính mà hống hách, ngang ngược, tham quyền cố vị. Vua trẻ sớm nhìn thấy điều này nhưng đành phải đợi đến khi đủ 15 tuổi, chính thức nắm đại quyền trong tay liền bãi chức của Lê Sát, sau đó tìm cách khép ông vào tội chết.
Đọc Những vị vua trẻ trong sử Việt, chúng ta sẽ thấy suốt hơn 1000 năm lịch sử của chế độ quân chủ phong kiến, ở triều đại nào cũng có chuyện con trẻ lên ngai vàng. Sự nắm quyền của các ấu chúa phần lớn gắn với điềm báo về sự diệt vong của triều đại. Bởi vua trẻ từ lúc lọt lòng đã sống trong nhung lụa, chỉ quen hưởng lạc, tiêu khiển. Mặt khác, gian thần thấy vua còn ít tuổi nên cứ thế mặc sức lộng hành.
Nhiều vị đại thần, vì bị quyền lực che mờ mắt mà làm mọi cách “ bỏ trưởng, lập thứ” phò trợ ấu chúa lên ngôi, để sau đó mặc sức thao túng binh quyền. Câu chuyện của vua Trần Thiếu Đế, Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng là một ví dụ. Bên cạnh đó, cũng có những vị vua trẻ xứng đáng với hai chữ minh quân như: Lí Nhân Tông, Trần Thái Tông, Lê Thái Tông…
Vào cuối thời nhà Nguyễn, khi chế độ phong kiến trở nên rệu rã như con ngựa sắp tàn hơi, cũng là lúc một loạt các vị vua trẻ rơi vào bi kịch. Các vị Khâm sứ Pháp cũng như Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ đều muốn đưa vua trẻ lên ngôi vì vậy mới dễ bề sai khiến.
Thế nên mới có chuyện triều đình nhà Nguyễn trong vòng 4 tháng đã lập tới ba vua. Ngai vàng từ niềm khát khao trở thành nỗi khiếp sợ của những cậu bé được sinh ra trong hoàng tộc.
Trước khi bỏ lên núi Yên Tử đi tu, Trần Thái Tông có chỉ vào chiếc dép rách mà ví von rằng: ngôi vua cũng chỉ như chiếc dép rách. Quả thực, có những lúc, cái ngôi vị cao quý ấy đã gây ra quá nhiều đau khổ cho người ngồi trên nó. Nên không phải ai cũng bám riết lấy ngai vàng. Trong những trận can qua của chính trị, nơi mà con người tìm đủ mọi cách để nắm trong tay binh quyền và coi vua như một thứ bù nhìn, hết giá trị lợi dụng là vứt bỏ. Lúc ấy, thử hỏi: Làm vua để làm gì?