Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bước nhảy vọt của tỷ phú Trần Đình Long

Hòa Phát trải qua năm 2020 thành công với lợi nhuận hơn 13.500 tỷ đồng, tăng trưởng gần 80%. Giá cổ phiếu tăng mạnh đưa tài sản của ông Trần Đình Long đạt 2,2 tỷ USD.

Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố đạt doanh thu 26.166 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.660 tỷ trong quý IV/2020. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này lần lượt tăng 43% về doanh số và 142% về lãi ròng so với cùng kỳ 2019. Đây đồng thời là mức lợi nhuận cao nhất trong một quý của Hòa Phát từ khi thành lập đến nay.

Lũy kế cả năm 2020, doanh thu của Hòa Phát đạt 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019. Còn lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lên tới 13.506 tỷ, tăng 78% cũng là con số kỷ lục trong lịch sử doanh nghiệp.

Năm nay, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát lần lượt là 86.000 tỷ đồng9.000 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp được mệnh danh là “vua thép” vượt 6% so với mục tiêu doanh thu và 50% chỉ tiêu lợi nhuận. Hòa Phát cũng chính thức gia nhập câu lạc bộ số ít các doanh nghiệp trên sàn có lợi nhuận ròng trên 10.000 tỷ đồng.

Sản xuất thép - lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của tập đoàn này - vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng nhất. Năm 2020, sản lượng thép thô của Hòa Phát đạt 5,8 triệu tấn. Trong đó, phôi thép và thép xây dựng thành phẩm chiếm 5,1 triệu tấn, thép cuộn nóng (HRC) gần 700.000 tấn.Với công suất sản xuất gấp đôi năm 2019, thị phần thép của Hòa Phát tăng lên mức 32,5%.

Lợi nhuận Hòa Phát tăng vọt năm 2020
Kết quả kinh doanh của Hòa Phát giai đoạn 2017-2020
Nhãn2017201820192020
Doanh thu thuần tỷ đồng 46162558366365891279
Lợi nhuận sau thuế
80158601757813506

Riêng HRC là sản phẩm được ra lò lần đầu trong tháng 4/2020 và được cung ứng ra thị trường 6 tháng sau đó. Đây là kết quả của việc Hòa Phát chính thức đưa vào hoạt động lò cao số 3 tại khu liên hợp ở Dung Quất.

Dự kiến trong năm nay, cả 4 lò cao của Hòa Phát tại Dung Quất sẽ cùng hoạt động và cho phép tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước, đặc biệt là sản lượng thép cuộn cán nóng HRC. Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long dự kiến đặt mục tiêu 2,7 triệu tấn HRC, trên 5 triệu tấn phôi và thép xây dựng, hướng đến vị trí nhà sản xuất thép lớn nhất tại Việt Nam, vượt Formosa.

Lĩnh vực nông nghiệp của Hòa Phát cũng đóng góp tích cực cho kết quả kinh doanh chung của tập đoàn. Doanh nghiệp tuyên bố chiếm 50% thị phần thịt bò Úc trong nước, đạt sản lượng 700.000 quả trứng gà sạch mỗi ngày và cũng nằm trong nhóm đầu về chăn nuôi heo với gần 400.000 con gồm cả heo thịt và heo giống.

Trong mảng bất động sản, Hòa Phát năm qua không phát triển các dự án mới. Những khu công nghiệp hiện hữu của tập đoàn tại Hưng Yên, Hà Nam như Phố Nối A, Yên Mỹ II, Hòa Mạc đạt tỷ suất lấp đầy 100% diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Sau thông tin kết quả kinh doanh đạt kỷ lục, thị giá cổ phiếu Hòa Phát tăng 3% trong phiên sáng 25/1, tiến sát mốc 45.000 đồng/cổ phiếu. Tài sản của Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long theo đó cũng tăng lên 2,2 tỷ USD theo ước tính của Forbes.

Ông Long xếp thứ ba tại Việt Nam sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng và CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo. Nếu chỉ tính riêng khối tài sản trên sàn chứng khoán, ông Long đứng ở vị trí thứ hai chỉ sau ông Vượng.

Các đại gia chứng khoán Việt giàu lên hay nghèo đi sau một năm?

Trong khi tài sản của Chủ tịch Hoà Phát, Bất động sản Phát Đạt được nhân đôi năm 2020 thì ông bà chủ Vingroup, Vietjet lại sụt giảm nhẹ do biến động của thị giá cổ phiếu.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm