Bước sang phiên chiều 20/1, thị trường tiếp tục ghi nhận hiện tượng khó khớp lệnh và thanh khoản gần như chỉ đi ngang. VN-Index theo đó không còn rung lắc dữ dội. Trước đó, trong phiên sáng, thị trường liên tục đảo chiều, VN-Index có thời điểm mất tới hơn 40 điểm.
Đóng cửa phiên 20/1, VN-Index dừng ở 1.135 điểm, tăng nhẹ 4 điểm (0,3%) sau phiên giảm kỷ lục lịch sử hôm qua. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giao dịch tích cực hơn thị trường chung khi VN30-Index tăng 0,8% (9 điểm).
VN-Index lấy lại sắc xanh nhờ lực đỡ của nhóm cổ phiếu trụ. Trong rổ VN30, 21 cổ phiếu tăng giá, 3 mã giữ nguyên tham chiếu và chỉ 6 cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ. Ngược lại, độ rộng toàn thị trường vẫn nghiêng về bên bán với 235 cổ phiếu giảm giá so với 209 mã tăng.
Nhóm cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho đà hồi phục của VN-Index hôm nay gồm NVL (Novaland), GAS (PV Gas), VNM (Vinamilk), VHM (Vinhomes), TCB (Techcombank), VIC (Vingroup). Trong đó, NVL tăng mạnh 4% còn các mã còn lại tăng 1-2%.
Thanh khoản thị trường hạ nhiệt so với phiên giảm sốc 19/1 nhưng vẫn neo ở mức cao. Giá trị khớp lệnh hôm nay trên sàn HoSE đạt 16.478 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường phiên 20/1. Ảnh: VNDS. |
Trong ngày thị trường diễn biến khó lường và giá nhiều cổ phiếu tiếp tục giảm, nhà đầu tư ngoại vẫn duy trì vị thế mua ròng như phiên hôm qua. Tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài phiên 20/1 là 240 tỷ. Trong đó, các cổ phiếu được khối ngoại tập trung gom nhiều nhất gồm VNM, VHM, VIC, MSN (Masan), HDB (HDBank).
Theo nhận định của BSC, dòng tiền đầu tư hôm nay tích cực với 11/19 nhóm ngành tăng điểm. Một tín hiệu tốt khác với thị trường là khối ngoại tiếp tục mua ròng. Tuy nhiên, độ rộng thị trường vẫn ở trong trạng thái đi ngang với thanh khoản giảm so với phiên hôm trước.
Theo đánh giá của nhóm phân tích công ty chứng khoán này, VN-Index có thể sẽ còn những phiên biến động mạnh do yếu tố tâm lý và giao dịch trong tuần đáo hạn hợp đồng phái sinh.
Trả lời Zing, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), nhận định sau chuỗi đà tăng kéo dài từ tháng 4/2020 đến nay, giá vốn của nhiều nhà đầu tư ở mức thấp, tỷ suất sinh lời chưa gặp rủi ro ở thời điểm hiện tại.
Những nhà đầu tư có vị thế trung, dài hạn sẽ không chịu áp lực lớn nên chỉ cần kiểm soát rủi ro trong ngắn hạn. Theo ông Minh, sau 2 phiên 19 và 20/1, xu hướng thị trường tiêu cực hơn trong ngắn hạn nên nhóm nhà đầu tư này cần giảm tỷ lệ đòn bẩy về mức cân bằng.
Tuy nhiên, những nhà đầu tư vừa mua mới và giải ngân trong thời gian gần đây có rủi ro lớn hơn. Ông Minh khuyến nghị nhóm này không nên hoảng loạn trong phiên giảm mạnh và có thể mua bình quân để giảm giá vốn, tận dụng nhịp hồi của thị trường để giảm bớt rủi ro hiện tại trong ngắn hạn, triệu tiêu áp lực sử dụng tỷ lệ đòn bẩy.
Về dài hạn, ông Minh cho biết YSVN vẫn giữ quan điểm thị trường có thể vượt ngưỡng 1.200 điểm trong năm 2020 và theo kịch bản cơ sở hướng về 1.364 điểm trong bối cảnh toàn nền kinh tế phục hồi tốt và EPS của các doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng hơn 20%.
Do đó, các nhịp giảm mạnh cũng là cơ hội cho nhà đầu tư trung và dài hạn, đặc biệt là nhà đầu tư lỡ cơ hội trong năm qua tiến hành giải ngân mới. ạ