Các nhà khoa học đang chạy đua tìm phương thuốc chữa trị, nhà chức trách các nước tẩy trùng mọi thứ từ tiền mặt tới những chiếc xe bus, trong khi biện pháp cách ly, phong tỏa đã được áp dụng từ những khu du lịch sang trọng ở Đại Tây Dương cho tới những hòn đảo thưa dân ở Thái Bình Dương, trong bối cảnh virus corona tiếp tục lan rộng.
Nỗi lo về một cơn suy thoái kinh tế toàn cầu do cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 đã bắt đầu nhen nhóm, các nhà máy không hoạt động hoặc đóng cửa một phần, các tuyến giao thương đình trệ, các chặng du lịch tê liệt, khi danh sách các quốc gia ghi nhận người nhiễm virus corona chủng mới ngày một tăng.
Thậm chí cả kỳ Thế vận hội mùa hè tại Nhật Bản, còn 5 tháng nữa mới tới giờ khai mạc, cũng đứng trước lo ngại có thể sẽ không diễn ra như dự kiến do nguy cơ khiến virus corona bùng phát.
"Chúng tôi không trông đợi phép màu sẽ đến trong chớp mắt", quan chức Bộ Y tế Iran cho biết, khi quốc gia Trung Đông này đã ghi nhận 139 ca nhiễm virus corona. Nhiều người nghi ngờ tình hình dịch bệnh tại Iran nghiêm trọng hơn những gì Tehran công bố.
Rửa xe bus, tẩy trùng tiền mặt, cách ly đô thị
Ở châu Âu, Italy, Đức, Pháp và Tây Ban Nha là những quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm virus corona mới. Trong đó, hơn 200 ca lây nhiễm virus corona đã được ghi nhận ở vùng Lombardy, miền Bắc Italy, khu vực nay đã bị coi là nguồn gốc khiến virus corona bùng phát đột biến tại lục địa già.
Tại châu Á, sau khi bùng phát tại Vũ Hán, virus corona tiếp tục đe dọa lây lan khắp khu vực, với Hàn Quốc ở tuyến đầu của trận chiến khi ổ dịch lớn đã bùng phát ở thành phố 2,5 triệu dân Daegu, đô thị lớn thứ 4 của quốc gia này.
Nhân viên xã hội Hàn Quốc tẩy trùng một nhà thờ ở thủ đô Seoul. Ảnh: AP. |
Dù virus đã tấn công nhiều quốc gia cả giàu có lẫn chậm phát triển hơn, các quốc gia chủ nhà nơi ít có khả năng phát hiện, ứng phó và kiềm tỏa dịch bệnh đang làm dấy lên lo ngại virus corona có thể lan rộng và dễ dàng lây lan sang những khu vực khác của thế giới.
"Chúng ta đang nỗ lực làm chậm lại sự lây lan của virus để giúp các bệnh viện không bị quá tải chỉ trong một đợt bùng phát", Ian Mackay, chuyên gia về virus ở Đại học Queensland, Australia, cho biết.
Tại Hàn Quốc, các nhân viên y tế những ngày qua đã tẩy trùng hàng nghìn xe bus công cộng. Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng sử dụng tia cực tím tẩy trùng tiền mặt. Còn tại Mỹ, các bác sĩ vừa công bố một phương pháp điều trị lâm sàng được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả với virus corona.
Khắp thế giới, các tín đồ Thiên chúa giáo bước vào Mùa Chay và Lễ Tro tháng 4 trong bối cảnh nhiều nhà thờ đóng cửa, các nghi lễ tôn giáo phải thay đổi do lo ngại sự lây lan của virus. Ngay tại Quảng trường Thánh Peter ở Vantican, các tín đồ tham gia buổi thuyết giảng của Giáo hoàng Francis phải đeo khẩu trang, cũng như bị ngăn không đụng chạm hay hôn vào nhẫn của Giáo hoàng Francis.
Các buổi lễ tôn giáo ở Singapore được truyền hình trực tuyến để người dân không đổ tới các lễ đường đông đúc nơi dịch bệnh có thể lây lan. Trong khi đó, các giám mục ở Hàn Quốc đã đóng cửa nhiều nhà thờ, bước đi được miêu tả là lần đầu tiên từng xảy ra trong 236 năm lịch sử nhà thờ Thiên chúa giáo ở quốc gia Đông Á này.
Tại Malaysia và Philippines, tro được rắc lên đầu của các tín đồ, thay vì việc các tín đồ dùng ngón tay cái để thực hiện nghi lễ này trong Mùa Chay. "Chúng tôi cần hết sức cẩn trọng để tránh làm virus lây lan", linh mục Victorino Cueto tại Manila cho biết.
Sự kiện đông người bị hủy bỏ
Các sự kiện quy tụ nhiều người tham dự nhận được những cái nhìn cảnh giác, khi các nhà tổ chức đang chật vật trong việc ra quyết định nhằm ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Olympic mùa hè, dự kiến tổ chức từ 24/7 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, hiện là sự kiện được quan tâm nhiều nhất. Richard Pound, một thành viên Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), đã lên tiếng cảnh báo, cho biết virus corona bùng phát có nguy cơ khiến Olympic phải hủy bỏ.
Chính phủ Nhật Bản hiện chưa thể đưa ra một phản ứng dứt khoát, trong bối cảnh virus corona có nguy cơ lan rộng ở nước này. Tokyo dù tuyên bố chưa có lý do để hủy bỏ Olympic, đã yêu cầu hạn chế các sự kiện thể thao trong thời gian nhạy cảm này.
Thủ tướng Shinzo Abe hôm 25/2 đã yêu cầu các nhà tổ chức hủy bỏ hoặc hoãn các sự kiện thể thao và văn hóa lớn trong thời gian 2 tuần tới để tránh khiến virus lây lan. Trong khi đó, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản khẳng định các công tác chuẩn bị Olympic sẽ diễn ra như kế hoạch.
Nhà chức trách Iran tẩy trùng một toa tàu điện ngầm ở thủ đô Tehran. Ảnh: AP. |
Trong số các địa điểm đông người, doanh trại quân sự đã trở thành mối lo về bùng phát virus.
Quân đội Hàn Quốc hôm 25/2 thông báo thêm 20 ca nhiễm virus corona đã được xác nhận trong các doanh trại của nước này, khiến 9.570 quân nhân bị đưa vào diện cách ly. Trong khi đó, quân đội Mỹ cho biết một quân nhân nước này ở Hàn Quốc đã nhiễm virus corona tại trại Carroll, gần thành phố Daegu.
Trước đó một ngày, vợ của một quân nhân Mỹ ở Hàn Quốc cũng được xác nhận nhiễm virus corona. Sàn đấu bowling, rạp chiếu phim và các sân golf tại 4 căn cứ quân sự Mỹ ở Hàn Quốc đã phải đóng cửa trước nguy cơ dịch bệnh lây lan.
"Đây là một thất bại, sự thực là vậy, không có cách nào để né tránh nó. Tuy nhiên đây chưa phải dấu chấm hết, chúng ta được trang bị đầy đủ để đối phó với dịch bệnh", Đại tá Edward Ballanco, chỉ huy quân đội Mỹ ở căn cứ Carroll, cho biết.
Virus corona lan rộng khắp toàn cầu
Trên toàn cầu, 81.000 người đã nhiễm virus corona, các ca nhiễm mới vẫn tiếp tục được ghi nhận.
Hàn Quốc cuối ngày 26/2 ghi nhận tổng cộng 284 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm virus corona lên 1.261. Ở châu Âu, Italy hôm 26/2 ghi nhận 52 ca nhiễm mới, trong khi Hy Lạp là quốc gia mới nhất gia nhập danh sách bị ảnh hưởng của virus corona.
Trong khi đó, Trung Quốc ghi nhận 406 ca nhiễm mới và 52 ca tử vong. Tới nay, quốc gia tâm dịch nơi virus bùng phát đã ghi nhận 78.604 người nhiễm bệnh, với 2.715 ca tử vong. Theo WHO, lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh khởi phát, số ca nhiễm virus corona ghi nhận bên ngoài Trung Quốc đã vượt cao hơn bên trong nước này. Đây là một bước ngoặt lớn đánh dấu sự lây lan toàn cầu của dịch virus corona. Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng không nên quá vội vàng tuyên bố một đại dịch
Cảnh sát Áo tuần tra bên ngoài một trường học ở Vienna sau khi một giáo viên bị nghi nhiễm virus corona. Ảnh: AP. |
Trung Quốc cho biết 555 tù nhân đã lây virus corona từ một cai ngục, người trước đó đã sử dụng trạm xe bus gần một bệnh viện phổi. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tại các quốc gia láng giềng, Trung Quốc đã bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hành khách nước ngoài đặt chân tới quốc gia này. Trung Quốc đã đưa các chuyến bay từ Hàn Quốc vào diện giám sát.
Tại Indonesia, nhà chức trách đã di tản 188 người khỏi du thuyền World Dream và lên kế hoạch đưa nhóm người này tới cách ly ở đảo không có cư dân sinh sống là Sebaru.
Ở Caribe, du thuyền MSC Meraviglia bị từ chối cập cảng ở quần đảo Caman chỉ một ngày sau khi nhà chức trách Jamaica cấm du khách và thủy thủ đoàn của con tàu nhập cảnh. Du thuyền bị các nước Caribe xua đuổi sau khi một thành viên thủy thủ đoàn có các biểu hiện ho, sốt. Tập đoàn MSC Cruises sở hữu du thuyền cho biết người này chỉ bị nhiễm cúm A.
Tình cảnh du thuyền MSC Meraviglia đang mắc phải tương tự với số phận tàu MS Westerdam trước đó khi bị nhiều quốc gia châu Á xua đuổi, trước khi được Campuchia cho phép cập cảng. MSC Cruises cho biết du thuyền đang trên đường hướng về Mexico.