Đám tang một người phụ nữ chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 5 phút. Thời gian tang lễ chỉ đủ cho vị mục sư mau chóng đọc lời cầu nguyện trên thi thể của người phụ nữ đã khuất, trước sự hiện diện của một thân nhân và 2 người khâm liệm.
Theo AFP, sự bùng phát của virus corona ở Italy khiến cho cuộc sống tại những vùng bị ảnh hưởng không còn chỗ cho sự màu mè trang trọng.
Tại Zorlesco, thị trấn nhỏ với 1.700 dân tại miền Bắc của Italy hiện đã bị cách ly, nhà chức trách cùng người dân đang tìm cách vượt qua dịch bệnh một cách ổn thỏa nhất có thể.
Nhà thờ cũng đóng cửa
Thị trấn nhỏ yên tĩnh Zorlesco chỉ cách thành phố Codogno của vùng Lombardy, tâm điểm dịch, khoảng 9 km về phía tây bắc. Trên toàn vùng Lombardy, nhà chức trách đã ghi nhận 212 ca nhiễm virus corona.
Ít nhất 7 người đã tử vong tại Italy do nhiễm virus corona, tất cả các bệnh nhân tử vong đều ở độ tuổi từ 68 đến 88.
Tuy nhiên, người phụ nữ được chôn cất ở Zorlesco không qua đời vì dịch bệnh. Don Nunzio Rosi, linh mục tại đám tang, cho biết người phụ nữ qua đời vì "tuổi già".
11 thị trấn ở Italy đã bị đặt dưới tình trạng phong tỏa. Ảnh: AFP. |
Thị trấn Zorlesco chưa ghi nhận ca nhiễm virus corona nào, mặc dù vậy, linh mục Rosi cho biết người dân địa phương không vì vậy mà tránh được cảm giác như thể đang sống trong "một không khí gần như siêu thực".
"Tại thị trấn nhỏ của chúng tôi, mọi thứ đã thay đổi trong 3 ngày qua. Không ai trong chúng tôi từng nghĩ bản thân mình sẽ rơi vào hoàn cảnh như những gì đã xảy ra với các thành phố ở Trung Quốc", linh mục Rosi nói.
Tại Zorlesco những ngày này, các cửa hàng, doanh nghiệp, thậm chí cả nhà thờ đều đóng cửa. Linh mục Rosi bị cấm cử hành lễ cầu nguyện với sự có mặt của đám đông giáo dân. Thay vào đó, các buổi lễ của ông chỉ có một vài con chiên, trong đó có người trợ lý.
Dù virus corona có lan rộng tới thị trấn 1.700 dân này hay không, Rosi cũng quyết định mở cửa nhà thờ vài giờ mỗi sáng. Tuy nhiên, những người mộ đạo chỉ được phép vào bên trong từng người một, để đọc những "lời cầu nguyện ngắn" như những gì họ mong ước.
Vị linh mục đồng thời gửi tin nhắn vỗ về cùng một số đoạn trích từ Kinh thánh tới các giáo dân thông qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp.
Cuộc sống chậm lại
Sau khi nhà chức trách Italy ban bố lệnh phong tỏa đối với 11 thị trấn tại khu vực miền Bắc hôm 23/2, các giáo dân đã rơi vào "thời khắc hoảng loạn" và đổ xô tới các siêu thị để tích trữ nhu yếu phẩm, đề phòng lệnh phong tỏa có thể kéo dài nhiều tuần, linh mục Rosi cho biết.
Tuy nhiên, vị linh mục khẳng định ông quan sát thấy một số điều tích cực, khi cuộc sống dường như chậm lại và các gia đình dành nhiều thời gian ở bên nhau hơn so với thường lệ.
"Chúng tôi cầu chúc cho nhau, nhận tin tức từ người khác, mỗi sợi dây đoàn kết đã hình thành", ông Rosi nói, nhấn mạnh rằng người dân thị trấn không cảm thấy bị mắc kẹt trong hoàn cảnh hiện tại hay chỉ ở trong nhà cả ngày.
Như để chứng minh cho điều vị mục sư nói, một phụ nữ trẻ không đeo khẩu trang tiến lại gần nơi ông Rosi và phóng viên của AFP đang trò chuyện. "Quả là thời gian tuyệt vời để đi dạo", người phụ nữ nói.
Người dân một số nơi ở Italy đổ xô đi mua nhu yếu phẩm sau khi có lệnh phong tỏa một số khu vực. Ảnh: Getty. |
Một người đàn ông khác cũng xuất hiện, tên là Luigi Malabarba. Với niềm tin và suy nghĩ tích cực, ông Malabarba khẳng định người dân tại Zorlesco "sẽ ổn cả thôi".
Tuy nhiên, không phải mọi người dân Italy đều có suy nghĩ tích cực. Trong ngày 25/2, quốc gia châu Âu này đã xác nhận thêm 52 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm virus corona tại Italy lên 283.
Một nhân viên ngân hàng tên Lorenzo sống tại thành phố Brescia, cách thị trấn Zorlesco khoảng 100km, cho biết virus corona là "tất cả những gì người dân nói tới" trong những ngày này.
Lorenzo cho biết dịch bệnh bùng phát là thời kỳ màu mỡ giúp các loại thuyết âm mưu sinh sôi và lan truyền, "thậm chí ngay cả giữa những người được giáo dục đầy đủ nhất".
"Một số người nói dịch bệnh này là do người Trung Quốc, một số khác nói nếu Salvini nắm quyền, chúng tôi sẽ không đối mặt cuộc khủng hoảng này. Đất nước chúng tôi đang trên bờ vực suy sụp tinh thần", Lorenzo nói, nhắc tới ông Matteo Salvini, thủ lĩnh phe cực hữu đối lập tại Italy.
Virus corona tiếp tục lan rộng
Nhà chức trách Italy hôm 25/2 cho biết 2 ca nhiễm virus corona đầu tiên được phát hiện ở vùng Tuscany, trong đó có một ca tại thành phố du lịch nổi tiếng Florence. Trong khi đó, một ca nhiễm virus corona được ghi nhận ở quần đảo Sicily là du khách đến từ vùng Lombardy.
Cũng trong ngày 25/2, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic xác nhận quốc gia Đông Nam Âu này đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên là một bệnh nhân đang được điều trị ở thủ đô Zagreb.
Người này đã được cách ly và đang có tình trạng sức khỏe tốt. Bộ trưởng Y tế Croatia Vili Beros cho biết công dân nước này nhiễm virus corona đã có mặt tại thành phố Milan của Italy từ 19-21/2.
Châu Âu đã ghi nhận 335 người nhiễm virus corona. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, hai ca nhiễm virus corona đầu tiên tại Áo được ghi nhận tại bang Tyrol, nằm ở phía Tây, có biên giới giáp với miền Bắc của Italy. Hai người nhiễm virus đều ở tuổi 24 đã trình báo nhà chức trách sau khi có triệu chứng sốt nhẹ. Nhà chức trách Áo cho biết nhiều khả năng hai người trong vụ việc đã nhiễm virus khi du lịch tới vùng Lombardy của Italy trước đó.
Tới thời điểm hiện tại, 11 quốc gia tại châu Âu đã ghi nhận các ca nhiễm virus corona với tổng cộng 335 bệnh nhân. Italy hiện là quốc gia có số người nhiễm virus corona nhiều nhất tại châu Âu với 283 ca, trong đó 7 bệnh nhân đã tử vong.
Trong số 283 ca nhiễm bệnh tại Italy, 212 trường hợp được ghi nhận ở vùng Lombardy, cao nhất trên toàn Italy.
Các trường hợp nhiễm virus corona còn lại được ghi nhận ở Veneto với 38 ca, Emilia Romagna với 23 ca, Pledmont với 3 ca, Tuscany với 2 ca, Lazio và Sicily với 1 ca mỗi nơi.