Tại thị trường châu Âu, Huawei đánh bại 2 tên tuổi lớn là HTC và Sony. Trong khi tính đến doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu, hãng giờ chỉ xếp sau Apple và Samsung.
Huawei trở thành cái tên đáng sợ trên thị trường smartphone. |
Mức tăng trưởng “chóng mặt” trong năm tài khóa 2015 khẳng định hướng đi đúng dựa vào chiến lược truyền thông sản phẩm giá rẻ để tấn công thị trường cấp thấp.
Smartphone, máy tính bảng, đồng hồ thông minh và các thiết bị kết nối Internet mở ra cơ hội mới để cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số.
Huawei nhanh chóng chiếm lĩnh vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng đó. Thành công năm ngoái của công ty phần lớn dựa vào chiến lược thông minh về tiếp thị, xây dựng thương hiệu và dịch vụ khách hàng .
Cuộc đua giành giật thị trường
Dù chậm chân hơn BlackBerry và Sony trong việc tiếp cận thị trường, nhưng với những thành tích ấn tượng gần đây đủ giúp Huawei vượt mặt hai ông lớn đang ngụp lặn trong khủng hoảng. Cuộc đua tranh giành khách hàng vì thế ngày càng khắc nghiệt.
Cuộc chiến ngày một khốc liệt. |
Thị phần điện thoại thông minh toàn cầu của Huawei ước đạt 6,8% trong năm 2014 và lên mức 9% năm 2015. Nếu so với gã khổng lồ Apple thì đó là con số ấn tượng.
Dấu hiệu này cho thấy gã khổng lồ Trung Quốc đủ lực để cạnh tranh sòng phẳng tại sân chơi smartphone. Hãng thay đổi cách tổ chức và tiếp cận khách hàng, hướng vào nhu cầu người dùng nội địa trước tiên. Tại thị trường đông đúc như Android, việc nhận diện thương hiệu là điều tối quan trọng.
Nhưng giờ đây, tính năng sản phẩm và thương hiệu vẫn chưa đủ khi từ “smart” đồng nghĩa với việc phải kết nối được với người dùng và những phản hồi trên phương tiện truyền thông xã hội ngay lập tức.
Huawei hiểu rằng, thị trường di động ngày nay đòi hỏi cao về dịch vụ chăm sóc khách hàng, trở thành “sản phẩm bán kèm” với thiết bị nhằm tạo ra mức độ hài lòng về lâu dài. Tiếp cận người tiêu dùng và cá nhân hóa các tính năng giúp mang tới một trải nghiệm hoàn hảo trong một sản phẩm có mức giá phù hợp, mang phong cách thời thượng.
Cái tên Huawei trở thành biểu tượng cho lối tư duy thương mại hiện đại đang nổi lên trong ngành công nghiệp Trung Quốc. Tiếp thị trở thành chìa khóa cốt lõi.
Bằng những chiến dịch quảng cáo rầm rộ nhắm tới từng khách hàng đã mang tới hiệu quả cho gã khổng lồ Quảng Đông. Họ “phủ sóng” hình ảnh khắp các mặt sân cỏ châu Âu bằng những khoản tài trợ lớn cho các đội bóng như Arsenal, Paris, Saint-Germain và cả AC Milan.
Chưa kể, danh mục sản phẩm của công ty “rải đều” mọi phân khúc, từ khía cạnh phần cứng lẫn phần mềm.
3 bí quyết thành công
Lịch sử làng di động thế giới cho thấy, khách hàng tỏ ra trung thành hơn với các công ty mang tới những trải nghiệm, cộng đồng và hệ sinh thái phù hợp với nhu cầu của họ. Hiện tại, có khá nhiều phương thức tiếp cận và lắng nghe người dùng. Huawei đã xây dựng nên chiến lược rõ ràng và hợp lý.
CEO Huawei luôn lấy khách hàng làm trọng tâm. |
Đầu tiên, vị Tổng Giám đốc của Tập đoàn luôn muốn mọi nhân viên lấy khách hàng làm trọng tâm, đặc biệt với những người lần đầu tiên mua sản phẩm của hãng. Mang tới trải nghiệm hoàn hảo ngay từ lần “kết duyên” đầu là cách giữ chân tốt nhất.
Tiếp đến, Huawei không cứng nhắc trong việc phân phối sản phẩm và các dịch vụ đi kèm. Họ cho đối tác bên thứ ba tham gia vào nhằm mở rộng thị phần nhanh nhất có thể. Nhờ sự hợp tác này mà hãng vươn cánh tay tới nhiều khu vực trên thế giới.
Cuối cùng, Huawei nhận thức rõ nhu cầu cần được kết nối của người tiêu dùng, từ đó khai thác và phát triển thị phần một cách hiệu quả.
Bằng những bước đi thông minh, ông lớn viễn thông Trung Quốc dần xâm lấn thị trường di động và đe dọa nghiêm trọng ngôi vương của hai gã khổng lồ khác là Apple và Samsung. Sẽ không bất ngờ nếu một ngày chúng ta thấy Huawei trở thành nhà phân phối smartphone và các thiết bị kỹ thuật số hàng đầu thế giới.