Một năm trở lại đây, Đức Tùng - 25 tuổi, trú tại Hà Nội - giữ thói quen không mang nhiều tiền mặt trong ví. Thậm chí, trong vòng một tháng trở lại đây, hiếm có dịp nào người dùng này phải ra ATM để rút tiền.
Thay vì sử dụng tiền mặt, mọi hoạt động thanh toán của anh đều được thao tác trực tiếp bằng điện thoại. “Từ cắt tóc, mua tạp hóa cho đến đồ ăn, tôi đều thanh toán qua qua QR Code. Vừa đỡ phải chuẩn bị tiền mặt mỗi khi ra ngoài, vừa tránh được rủi ro rơi, mất tiền, rất tiện lợi”, anh Tùng chia sẻ.
Tiện lợi, tiết kiệm thời gian
Hình thức thanh toán bằng QR Code vốn xuất hiện từ lâu và thường được áp dụng trong các cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, trung tâm mua sắm. Dẫu vậy, phải đến thời gian gần đây, hình ảnh những tấm bảng, tờ giấy in QR Code đặt ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ bình dân như quán ăn, tiệm cắt tóc hay thậm chí trà đá mới trở nên phổ biến.
Dù giao dịch bằng ví điện tử hay ứng dụng ngân hàng, người dùng vẫn có thể thực hiện thao tác thanh toán bằng QR Code đơn giản trên điện thoại.
Nhận thấy xu hướng hạn chế dùng tiền mặt, anh Long Hoàng - chủ một tiệm cắt tóc tại quận Hai Bà Trưng - quyết định in sẵn bảng QR Code để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Anh cho biết nhờ tấm bảng này mà cả chủ lẫn khách đều cảm thấy tiết kiệm thời gian, công sức.
“Trước đây mỗi lần khách muốn chuyển khoản tôi lại phải dừng tay để đọc số tài khoản, check giao dịch. Giờ khách đến cắt đều đã quen với việc thanh toán bằng QR Code. Khách thanh toán qua mạng nhiều hơn đồng nghĩa cửa hàng không còn phải tích trữ tiền lẻ mỗi ngày”, chủ kinh doanh này chia sẻ.
Hình thức thanh toán bằng QR Code nay phổ biến trong cả các cửa hàng dịch vụ bình dân. |
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2022, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng quét mã QR tăng 86%.
Trong quý III, nền tảng thanh toán Payoo cũng ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 62% về số lượng và 53% về giá trị so với quý liên trước. Đây là số liệu ghi nhận qua cổng thanh toán và POS của Payoo.
Các nhóm có tỷ lệ tăng trưởng thanh toán bằng QR Code cao nhất là siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhóm F&B và công nghệ. Nhóm siêu thị tăng 68% về số lượng và 45% về giá trị so với quý trước. Riêng nhóm F&B tăng đến 79% về số lượng và 90% về giá trị.
Thanh toán QR mảng công nghệ quý III có giá trị giao dịch tăng gấp đôi ở nhóm sản phẩm điện thoại, laptop và tăng 50% với nhóm liên quan đến điện máy.
Ở lĩnh vực thời trang, phụ kiện, hình thức thanh toán bằng QR Code cũng ghi nhận mức tăng trưởng trung bình gần 50% cả về số lượng lẫn giá trị.
Theo Payoo, sự tăng trưởng của nhóm ngành thời trang là do nhiều đối tác thuộc ngành này tích cực tổ chức các chương trình khuyến mãi kích thích người dùng trải nghiệm quét mã QR.
Thanh toán bằng mã QR Code cũng có sự khác biệt về giá trị đơn hàng trung bình giữa các ngành hàng. Cụ thể, giá trị đơn hàng trung bình của ngành siêu thị từ 600.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng; cửa hàng tiện lợi 100.000-200.000 đồng; ngành thời trang là 1,5-2 triệu đồng; trang sức, phụ kiện là 5-6 triệu đồng; điện thoại và điện máy có giá trị đơn hàng cao, từ 5 triệu hoặc có những đơn hàng lên tới hơn 20 triệu đồng.
Các giao dịch thanh toán có giá trị nhỏ chủ yếu đến từ QR Code ví điện tử hay người dân sử dụng QR từ ứng dụng mobile banking của ngân hàng.
Chi phí đầu tư rẻ, có thể triển khai nhanh chóng
Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam có 93,5 triệu thuê bao sử dụng smartphone, trong đó 73,5% là người trưởng thành. Tính đến tháng 9, Việt Nam có hơn 81,8 triệu thuê bao Internet di động.
Do đó, hình thức thanh toán bằng QR Code vẫn có nhiều dư địa để tiếp tục phát triển.
Theo ông Ngô Trung Lĩnh - Tổng giám đốc VietUnion - một trong những lý do giúp QR ngày càng phổ biến là vì chi phí đầu tư rẻ, tốc độ triển khai nhanh chóng.
So với thanh toán bằng thẻ ngân hàng cần đầu tư thiết bị, cấu hình kỹ thuật và được các tổ chức tài chính kiểm định, thanh toán QR Code không cần máy móc chuyên biệt do giao tiếp thanh toán bằng hình ảnh.
Ở Việt Nam, thanh toán QR đang nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội.
Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc VietUnion
“Chỉ cần đầu quét của máy bán hàng, một chiếc điện thoại hay thậm chí một mã QR được đặt cố định tại quầy là người dùng có thể thanh toán xong một đơn hàng. Vì đầu tư rẻ, triển khai nhanh, QR sớm chiếm lĩnh vị trí nhất định”, ông Lĩnh nhận định.
Bên cạnh đó, khách hàng sử dụng dịch vụ đa phần là lớp người dùng hiện đại, dễ thích nghi và chấp nhận cái mới. Nhìn chung, QR Code góp phần quan trọng giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh và mạnh hơn.
Nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của thanh toán QR trong xã hội, nhiều đơn vị fintech, trung gian thanh toán đã phát triển các giải pháp thanh toán mới trên công nghệ mã QR, giúp đơn giản hóa quy trình, tối ưu hóa vận hành và giảm chi phí xử lý giao dịch, vốn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế