Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bùng nổ xu hướng mượn sách điện tử tại Mỹ

Các nhà xuất bản và thư viện tại Mỹ đang bất đồng quan điểm khi xu hướng mượn sách điện tử gia tăng tạo ra nhiều khó khăn về vấn đề truy cập và bản quyền số, theo Context News.

Các cuốn sách in tại thư viện Mỹ đều trong tình trạng tốt, không bị thất lạc hay bị rách nát, nhưng chúng không còn được sinh viên mượn nhiều. Hiện tại, sách điện tử đang ngày càng được học sinh ưa chuộng và xu hướng này đang gây lo ngại cho các thư viện tại Mỹ vì các nhà xuất bản muốn gia tăng mức giá và đưa ra nhiều hạn chế mới trong các hợp đồng cho thuê quyền truy cập như vậy.

Chỉ cấp phép truy cập thay vì cấp quyền sở hữu vĩnh viễn

Bà Alison Macrina, thủ thư kiêm Giám đốc nhóm vận động Dự án Giải phóng thư viện, cho biết: “Chúng tôi phải trả tiền cho mỗi lần thanh toán, có những hạn chế lớn về số lượng ấn bản điện tử có thể truy cập… và rất nhiều vấn đề khác”.

Việc quản lý bộ sưu tập nội dung trực tuyến, bao gồm sách điện tử, sách nói, âm nhạc… ngày càng trở thành một trọng tâm trong hoạt động của các thư viện, đặc biệt kể từ sau đại dịch Covid-19, khi người dùng vẫn có thể tìm kiếm kiến thức dù các thư viện bị phong tỏa hay hạn chế tiếp xúc.

Theo OverDrive, một nền tảng lưu trữ lớn, khách hàng đã truy cập kỷ lục 662 triệu sách điện tử và các sản phẩm kỹ thuật số khác từ các thư viện vào năm 2023, nhiều hơn 19% so với năm 2022.

sach dien tu My anh 1

Quá trình số hóa ấn bản in tại Internet Archives. Ảnh: Context news.

Trong hơn một thập kỷ rưỡi qua, một số công ty kiểm soát hầu hết việc sản xuất và phân phối sách điện tử ở Mỹ chỉ cấp phép cho thư viện quyền truy cập những tác phẩm này. Họ không bán quyền sở hữu toàn bộ ấn bản.

Được một số thủ thư gọi là "mô hình Netflix", các công ty này không chỉ đưa ra giá đắt đỏ cho những hợp đồng cấp phép mà một số người còn lo ngại rằng các công ty có thể theo dõi thói quen đọc của độc giả, có quyền xóa sách hoặc kiểm duyệt nội dung.

Chuyên gia Lia Holland từ nhà xuất bản Fight for the Future cho biết: “Các nhà xuất bản lớn không cho người dùng sở hữu sách điện tử, dù là cá nhân hay thư viện lớn. Họ chỉ cấp phép cho người dùng để đọc tác phẩm đó”.

sach dien tu My anh 2

Số hoá và bảo tồn phim tại Internet Archive. Ảnh: Context news.

Xu hướng này đã gia tăng xung đột lợi ích giữa nhà xuất bản và thư viện và điều đó đã dẫn đến hàng loạt cuộc chiến pháp lý trong những năm gần đây.

Các công ty xuất bản lo lắng rằng nếu không điều chỉnh thì các quy định về cấp phép truy cập sách điện tử hiện tại có thể gây tổn hại đến nền kinh tế xuất bản, trong khi các thư viện tranh luận rằng mức phí truy cập cao hơn và nhiều hạn chế khác làm suy yếu sứ mệnh khuyến đọc và tạo điều kiện cho khách dễ dàng tiếp cận sách.

Giám đốc chiến dịch kiêm truyền thông tại Fight for the Future Holland cho biết: “Yêu cầu của các công ty cho thấy họ rất muốn tối đa hóa lợi nhuận, nhưng cái giá phải trả là làm suy yếu một cộng đồng có học thức”.

Một số bang tại Mỹ đã xem xét luật bắt buộc các nhà xuất bản cung cấp sách điện tử cho thư viện theo "các điều khoản hợp lý". Tuy nhiên, các nhà xuất bản và tác giả đã cùng cảnh báo rằng những đề xuất này sẽ làm giảm giá trị của tác phẩm văn học. Một thẩm phán liên bang vào năm 2022 đã ra phán quyết rằng một đạo luật như vậy ở Maryland là vi hiến.

Vụ kiện nhằm vào các thư viện

Hiện diễn ra hai vụ kiện bản quyền có thể dẫn tới nhiều hạn chế hơn nữa đối với quyền truy cập nội dung số tại các thư viện.

Vào năm 2020, bốn nhà xuất bản lớn đã kiện Internet Archive, một thư viện phi lợi nhuận với khoảng 44 triệu tài liệu in và cũng là kho lưu trữ Internet lớn nhất thế giới. Họ tìm cách hạn chế việc Internet Archive giảm thiểu việc phải thuê quyền tiếp cận sách điện tử từ nhà xuất bản vì họ đã tự đi mua bản in, số hóa và cho độc giả đọc ấn bản đó.

Các nhà sản xuất âm nhạc cũng tiến hành một vụ kiện khác liên quan đến quyền tiếp cận các bản ghi âm số của họ.

Chris Freeland, Giám đốc dịch vụ thư viện tại Internet Archive cho biết: “Căng thẳng đang tồn tại giữa việc thư viện có thể sở hữu nội dung số hay chỉ có thể được cấp phép truy cập nó”.

Ông Terrence Hart, cố vấn của Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ, cho biết năm 2023 rằng "các hoạt động chuyển đổi định dạng nội dung số trên quy mô lớn của Internet Archive cấu thành hành vi vi phạm bản quyền. Không có sự hỗ trợ pháp lý nào cho quan điểm rằng Internet Archive hoặc các thư viện có thể chuyển đổi hàng triệu sách điện tử để phân phối công khai mà không có sự đồng ý hoặc đền bù cho các tác giả và nhà xuất bản”.

Một thẩm phán đã đứng về phía các nhà xuất bản vào năm ngoái, tuy nhiên, Internet Archive đã kháng cáo và vụ việc vẫn tiếp diễn.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Cứ 5 người Gen Z và Millennials Mỹ có 3 người sở hữu sách điện tử

Kết quả cuộc thăm dò ý kiến mới của Economist/YouGov về thói quen đọc sách của người Mỹ năm 2023 đã cho thấy nhiều kết quả thú vị.

Minh Hoa

Bạn có thể quan tâm