Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bức tranh TMĐT và 5 xu hướng bán hàng trong báo cáo của Lazada

Social commerce, nội dung do người dùng tạo, đa kênh bán lẻ, cá nhân hóa hành trình mua sắm, đa dạng phương thức thanh toán là 5 xu hướng được dự báo về ngành TMĐT của Lazada.

thuong mai dien tu,  Lazada Viet Nam anh 1

Bức tranh toàn cảnh và những xu hướng của ngành thương mại điện tử (TMĐT) được đưa ra trong báo cáo "Thương mại điện tử năm 2021: Thích ứng và nhanh chóng vượt trở ngại từ Covid-19" của Lazada Việt Nam.

Báo cáo này tổng hợp những dữ liệu cùng sự tham vấn của ông Nguyễn Thanh Sơn - chuyên gia cấp cao tư vấn chiến lược kinh doanh và truyền thông doanh nghiệp và ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc điều hành MiBrand.

TMĐT bứt tốc và những động lực phát triển

Báo cáo của Lazada Việt Nam mang đến cái nhìn tổng thể về ngành TMĐT Đông Nam Á và Việt Nam năm 2021 - nơi TMĐT đã thúc đẩy và đóng góp mạnh vào tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

Theo đó, bất chấp những thách thức từ dịch Covid-19, 2021 được xem là năm khởi sắc với nền kinh tế số trên toàn Đông Nam Á, trong đó TMĐT là động lực tăng trưởng chính. Theo Statista, giá trị thị trường TMĐT ở Đông Nam Á đã tăng 24 lần trong 6 năm qua, từ 5 tỷ USD năm 2015 lên 120 tỷ USD năm 2021, dự kiến đạt 234 tỷ USD năm 2025. Thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam được dự báo có mức tăng trưởng mạnh với 300%, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD năm 2025.

Lý giải cho sự phát triển của TMĐT trong năm qua, báo cáo ghi nhận động lực tăng trưởng đến từ xu hướng mua hàng bách hóa trên sàn TMĐT, sự gia tăng về số lượng nhà bán hàng mới (đồng nghĩa ngày càng nhiều nhà bán mong muốn phát triển kinh doanh trên kênh online) và sự hưởng ứng của người dân dành cho các hoạt động shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí).

Đặc biệt, sự đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống logistics (hậu cần) nội bộ đã giúp các nền tảng TMĐT giải được bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng hóc búa trong năm qua.

thuong mai dien tu,  Lazada Viet Nam anh 2

Lazada đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống logistics trong năm 2021.

Trong năm 2021, người dân thay đổi nhiều thói quen và hành vi tiêu dùng. "Nhìn chung, độ tuổi người tiêu dùng trực tuyến trên sàn TMĐT đã được mở rộng. Họ dành nhiều thời gian trên các nền tảng TMĐT hơn, sẵn sàng đặt đơn hàng có số lượng và giá trị lớn hơn", báo cáo nhận định.

Cụ thể, 58% người tiêu dùng Việt cho rằng họ sẽ tiếp tục mua sắm hàng bách hóa trên nền tảng TMĐT bởi sự tiện lợi. Thói quen này vẫn sẽ được duy trì khi 53% thừa nhận mua hàng bách hóa trực tuyến đã trở thành một phần trong cuộc sống của họ.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẵn sàng chi tiêu trực tuyến nhiều hơn. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng trực tuyến mua sắm trên 5 triệu đồng trong năm 2020 tăng lên đáng kể so với 2019.

Phân tích những thay đổi trong đối tượng nhà bán hàng, báo cáo nhận thấy các nền tảng TMĐT thu hút nhiều nhà bán hàng hơn, đặc biệt từ ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG. Hai báo cáo gần đây của Lazada Việt Nam cho thấy số lượng nhà bán hàng trong quý II/2021 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Con số này tiếp tục tăng hơn 1,5 lần trong quý III/2021 so với cùng kỳ năm trước.

Quý III cũng chứng kiến các thương hiệu thực phẩm và đồ uống (F&B) lớn tham gia kinh doanh trên Lazada. Điều này góp phần mang đến mức tăng trưởng cao nhất về số lượng người bán trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) năm 2021.

Bên cạnh đó, số lượng nhà bán hàng mới ở các khu vực phi thành thị cũng tăng đáng kể trong năm qua. Theo thống kê mới nhất của Lazada 11 tháng đầu năm 2021, có tới 40% nhà bán hàng mới trên nền tảng này đến từ các khu vực phi thành thị, trong khi số lượng nhà bán hàng mới đến từ Hà Nội và TP.HCM lần lượt là 29% và 31%.

thuong mai dien tu,  Lazada Viet Nam anh 3

Các hoạt động TMĐT bùng nổ trong bối cảnh đại dịch.

Các chuyên gia cũng phân tích sự khác biệt cơ bản giữa kinh doanh trực tuyến (online) với ngoại tuyến (offline) là trải nghiệm và kết nối. Không giống mua sắm ngoại tuyến - người mua có thể “sờ tận tay, nhìn tận mắt” sản phẩm, môi trường trực tuyến cần nhiều nỗ lực hơn từ các nhà bán để xây dựng “kết nối ảo” với khách hàng.

Shoppertainment - chiến lược mua sắm kết hợp giải trí - với nhiều hoạt động đa dạng như livestream, đánh giá sản phẩm thực tế... được xem là "chìa khóa" giúp thương hiệu và nhà bán hàng tháo gỡ nút thắt này, từ đó thúc đẩy doanh thu. Minh chứng là trong giai đoạn giãn cách xã hội cao điểm năm 2021, LazGame “Lazzie Star” của Lazada đã thu hút hơn 750.000 người chơi và doanh thu từ LazLive tăng 22 lần. Còn trong lễ hội mua sắm 11/11 của Lazada, đại nhạc hội SuperShow ghi nhận 26 triệu lượt xem, doanh số bán hàng qua SuperShow tăng 20 lần.

Năm qua, logistics tiếp tục là yếu tố tạo sự khác biệt giữa các nền tảng TMĐT. Điều này đến từ việc đầu tư bài bản vào hệ thống cơ sở hạ tầng logistics nội bộ, hay các sáng kiến hướng tới mục đích xã hội và cộng đồng.

Lazada Logistics đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm duy trì sự ổn định và nâng cao tốc độ của quá trình giao hàng, từ đó đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Để thích ứng với tình hình giãn cách xã hội trên diện rộng và kéo dài tại TP.HCM, nền tảng này đã mở thêm 5 trung tâm phân loại hàng hóa vệ tinh tại các quận Tân Phú, quận 4, TP Thủ Đức và huyện Hóc Môn để đảm bảo nguồn hàng được phân phối kịp thời. Công nghệ AI cũng được ứng dụng vào khâu giao hàng để đảm bảo tuyến đường giao vận ngắn nhất.

Trong lễ hội mua sắm 11/11 năm 2021, Lazada đạt kỷ lục với đơn hàng giao nhanh nhất trong vòng 30 phút kể từ lúc đơn hàng được ghi nhận đến khi giao thành công. Trong lễ hội mua sắm 12/12, đơn hàng được giao nhanh nhất của Lazada chỉ mất 8 phút.

5 xu hướng bán hàng trong kỷ nguyên số

Báo cáo cũng đưa ra những dự đoán về xu hướng của ngành TMĐT thời gian tới, để từ đó, các nền tảng TMĐT có thể nỗ lực phục vụ khách hàng tốt hơn và nhà bán hàng tận dụng cơ hội tăng trưởng doanh thu, phục hồi kinh tế trong bối cảnh bình thường mới.

thuong mai dien tu,  Lazada Viet Nam anh 4

Lazada nỗ lực cải tiến chất lượng dịch vụ để hỗ trợ nhà bán hàng và phục vụ người dùng.

Thứ nhất, social commerce (bán hàng qua nền tảng mạng xã hội) được dự đoán lên ngôi trong năm 2022. Theo đó, các phương thức bán hàng sử dụng nội dung tương tác cao, giao tiếp kết nối trực tiếp với người tiêu dùng như livestream (phát trực tiếp), trải nghiệm gian hàng ảo, hoạt động shoppertainment sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán hàng. Doanh thu từ bán hàng qua livestream dự báo tiếp tục tăng.

Xu hướng thứ hai là sự thúc đẩy nội dung do người dùng sáng tạo (user generated content). Với sự gia tăng của nhiều nền tảng mạng xã hội tương tác cao và xu hướng để lại bài đánh giá (review), việc thu hút người dùng tạo nội dung liên quan đến thương hiệu hoặc sản phẩm sẽ giúp tối ưu hóa kết nối, hỗ trợ quá trình quyết định mua hàng.

Thứ ba, đa kênh là hình thức bán lẻ mới. Tận dụng cả kênh trực tuyến và truyền thống bằng cách tham gia nền tảng TMĐT, sử dụng các công cụ tiếp thị trực tuyến có sẵn, gói hỗ trợ giao hàng và hỗ trợ người bán từ sàn TMĐT là những cách giúp nhà bán tiết kiệm chi phí khi mở rộng hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Thứ tư, cá nhân hóa hành trình mua sắm của khách hàng. Điều chỉnh cá nhân hóa nội dung và điểm chạm trong hành trình mua sắm được xem là chìa khóa để thu hút sự chú ý, giữ chân người tiêu dùng. Các nền tảng TMĐT như Lazada đã đầu tư vào AI, công nghệ để tổng hợp và xử lý thông tin, từ đó thấu hiểu khách hàng hơn trước khi thiết kế những trải nghiệm riêng dành cho họ.

Thứ năm, đa dạng hóa phương thức thanh toán mang lại sự tiện lợi và đảm bảo an toàn. Để tăng cường tiện lợi cho người tiêu dùng, thanh toán bằng ví điện tử đang trở nên phổ biến và có khả năng chiếm ưu thế hơn phương thức thanh toán khi nhận hàng (CoD) trong thời gian tới.

Ông James Dong - Tổng giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan - chia sẻ: "Thuộc nhóm nền tảng TMĐT hàng đầu tại Việt Nam với tệp khách hàng và mạng lưới đối tác rộng lớn, chúng tôi đã quan sát sự dịch chuyển đáng chú ý trong bức tranh toàn cảnh về thị trường TMĐT Việt Nam năm qua. Chúng tôi hy vọng báo cáo này sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho các tổ chức và cá nhân quan tâm tìm hiểu về tác động của Covid-19 đến thị trường TMĐT tại Việt Nam, những thay đổi trong hành vi tiêu dùng, chuyển đổi số trong năm qua cũng như dự đoán về xu hướng thị trường năm 2022. Qua đó, báo cáo sẽ giúp các doanh nghiệp và nhà bán hàng có thêm dữ liệu để củng cố định hướng phát triển trong thời gian tới".

TMĐT được dự báo tiếp tục là “mảnh đất màu mỡ” cho sự phát triển của nền kinh tế số, nơi người dân an tâm mua sắm và giúp nhà bán hàng đến gần với người dùng hơn. Không nằm ngoài những động lực phát triển và xu hướng của TMĐT, Lazada sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ, logistics, shoppertainment cùng các hoạt động hỗ trợ nhà bán hàng để phục vụ và chinh phục người dùng Đông Nam Á.

Giang Nhật Minh

Bình luận

Bạn có thể quan tâm