Trước sự ngạc nhiên của giới chuyên gia, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã đồng ý can thiệp để ổn định tình hình tại Kazakhstan, mặc dù liên minh này từng từ chối yêu cầu tương tự của Kyrgyzstan vào năm 2010 và Armenia vào năm 2021.
Sự hành động nhanh chóng của Nga - nhân tố chủ chốt của CSTO - khơi lại câu hỏi về tầm quan trọng của Kazakhstan trong không gian hậu Xô Viết.
Chuyện gì đang xảy ra?
- Khởi phát từ cuộc biểu tình tại thành phố miền Tây Zhanaozen hôm 2/1 vì giá xăng dầu tăng cao, các cuộc biểu tình tại Kazakhstan lan rộng ra khắp đất nước và biến thành bạo loạn.
- Ngày 7/1, Tổng thống Tokayev cho phép binh sĩ bắn không cần báo trước để dẹp loạn. Theo yêu cầu của ông, gần 3.000 lính Nga được cử đến hiện diện ở Kazakhstan, có thể từ vài tháng đến vài tuần. Tuy nhiên, đến ngày 11/1, tổng thống Kazakhstan thông báo các binh sĩ CSTO sẽ rút trong 2 ngày tới.
Tại sao sự kiện này quan trọng?
- Nằm giữa Nga và Trung Quốc, Kazakhstan là quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới, lớn hơn toàn bộ khu vực Tây Âu, trong khi dân số chỉ có 19 triệu người.
- Từ lâu, Kazakhstan - một trong những quốc gia hậu Xô Viết - vốn được coi là trụ cột của sự ổn định chính trị và kinh tế tại khu vực Trung Á bất ổn. Quá trình chuyển giao quyền lực từ tổng thống đầu tiên sang người kế nhiệm diễn ra suôn sẻ và hiệu quả.
- Danh tiếng về nền chính trị ổn định giúp nước này thu hút hàng trăm tỷ USD đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp dầu mỏ và kim loại trong hơn ba thập niên.
- Các nước láng giềng hoặc CSTO có lý do để lo lắng rằng bất ổn ở Kazakhstan, nếu không được dập tắt sớm, sẽ lan qua biên giới và châm ngòi cho sự phản đối bên trong các nước này.
Ai là có liên quan?
- Người biểu tình: Thời gian đầu, hầu hết cuộc biểu tình diễn ra hòa bình, không đụng độ với cảnh sát, với mục đích ban đầu là phản đối giá nhiên liệu tăng cao, về sau là trước tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng và tham nhũng. Tình hình dần thay đổi khi 69 người bị bắt giam trong các ngày 2-3/1.
- "Khủng bố": Các đơn vị quân đội được điều đến những nơi có bạo loạn để chống lại nhóm người mà Tổng thống Kassym Jomart Tokayev gọi là “khủng bố được đào tạo chuyên nghiệp ở nước ngoài”.
- Tổng thống Kassym Jomart Tokayev: Ông Tokayev tỏ ra không khoan nhượng với những người mà ông gọi là "kẻ khủng bố", sa thải một số quan chức an ninh hàng đầu và kêu gọi sự giúp đỡ từ Nga. Tổng thống đương nhiệm Tokayev cố gắng tạo khoảng cách giữa mình với ông Nazarbayev, người đang ngày càng mất lòng dân.
- Cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev: Một phần lớn trong nỗi tức giận của người dân nhắm vào cựu Tổng thống Nazarbayev - người lãnh đạo quốc gia này trong suốt 3 thập niên trước năm 2019.
Sự im ắng của ông trong nhiều ngày qua đặt dấu hỏi lớn. Chỉ đến tận ngày 8/1, phát ngôn viên mới cho biết ông Nazarbayev vẫn ở thủ đô. Vị cựu tổng thống kêu gọi người dân ủng hộ người kế nhiệm mình.
Các quốc gia khác phản ứng thế nào?
- Nga: Nga coi Kazakhstan và phần lớn toàn bộ khu vực Trung Á là "sân sau".
Hai nước có chung hơn 7.000 km đường biên giới nên bất ổn khiến Nga đối mặt với đủ loại đe dọa từ phía nam.
Do đang thuê sân bay vũ trụ Baikonur, cũng như bãi thử hệ thống chống tên lửa đạn đạo (ABM) Sary Shagan tại Kazakhstan, Nga cần tình hình ổn định để vận hành các cơ sở này. Một số công ty dầu mỏ của Nga đang hoạt động tại Kazakhstan. Nga cũng tham gia khai thác uranium ở Kazakhstan và hy vọng sớm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước này.
Sự kiện này đại diện cho thách thức đến từ các nước láng giềng, trong đó có cuộc biểu tình tại Ukraine vào năm 2014 và Belarus vào năm 2020 chống chính phủ thân Nga. Ở mặt khác, việc can thiệp vào Kazakhstan có thể là đòn bẩy để Nga duy trì vị thế trong thế giới hậu Liên Xô.
- Trung Quốc: Quốc gia láng giềng của Kazakhstan - nguồn cung cấp dầu mỏ và hành lang giao thông quan trọng cho sáng kiến Vành đai, Con đường - lên tiếng ủng hộ chính phủ Kazakhstan và đề nghị giúp đỡ ổn định tình hình.
Bởi Trung Quốc đã đầu tư lớn vào Kazakhstan, Bắc Kinh có thể không mấy vui vẻ trước sự hiện diện của Moscow. Trung Quốc đã phác thảo những chiến lược địa chính trị, địa kinh tế dài hạn nhằm bảo đảm trở thành quốc gia thống trị ở khu vực hành lang Á - Âu.
- Mỹ: Với các nguồn tài nguyên thiên nhiên trù phú, Kazakhstan trở thành nơi để các công ty năng lượng khổng lồ của Mỹ đổ hàng chục tỷ USD tiền đầu tư. Washington đang "theo dõi sát sao" tình hình, kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời chất vấn hành động điều quân của Nga tới nước này.
- Phương Tây cho rằng việc đưa quân vào Kazakhstan là bằng chứng tiếp theo cho cách hành xử không phù hợp của Nga trên trường quốc tế, sau khi Moscow hỗ trợ cho phong trào ly khai ở Georgia và Ukraine.