Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng kém sắc

So với cùng kỳ, lợi nhuận các ngân hàng vẫn tăng mạnh. Tuy nhiên, nếu so với hai quý đầu năm, bức tranh ngành này đã kém sắc rõ rệt với hơn một nửa nhà băng suy giảm lợi nhuận.

Theo báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, trong quý III năm nay, hầu hết đơn vị vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Dẫn đầu con số lợi nhuận ngân hàng quý vừa qua vẫn là Vietcombank với mức lãi trước thuế 7.566 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Mức lợi nhuận này được hỗ trợ từ nguồn thu nhập lãi thuần (lãi cho vay trừ lãi đi vay) tăng 31%, đạt gần 13.700 tỷ đồng.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lãi trước thuế của ngân hàng này vẫn tăng trưởng hai con số bất chấp nhiều nguồn thu ngoài lãi sụt giảm trong quý vừa qua như lãi từ dịch vụ (-2%), lãi từ hoạt động khác (-14%), hay hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư đều báo lỗ.

loi nhuan ngan hang,  ngan hang anh 1

Lợi nhuận ngành ngân hàng quý III vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng đã chậm lại so với hai quý đầu năm. Ảnh: Hoàng Hà.

Tăng cao so với cùng kỳ

Xếp thứ hai trong quý vừa qua là Techcombank với mức lợi nhuận 6.715 tỷ đồng trước thuế, tăng 21% so với cùng kỳ. Tương tự Vietcombank, mức tăng trưởng lợi nhuận kể trên của Techcombank cũng được hỗ trợ chính từ khoản thu nhập lãi thuần tăng 12% và một phần đến từ lãi hoạt động dịch vụ tăng 42%.

Trong khi đó, quý III năm nay, Techcombank chứng kiến nguồn thu từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm tới 70%, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm gần 50%...

Các nhà băng có lợi nhuận quý III cao tiếp theo lần lượt là BIDV với 6.673 tỷ, tăng 150% so với cùng kỳ; MBBank với 6.296 tỷ, tăng 62%; VPBank thu 4.514 tỷ, tăng 67%; ACB thu 4.475 tỷ, tăng 71%, VietinBank đạt 4.157 tỷ đồng, tăng 36%...

Các nhà băng tư nhân lớn như SHB, VIB, SHB, TPBank, Sacombank, MSB, Eximbank, LienVietPostBank, SeABank cũng là nhóm có mức lợi nhuận nghìn tỷ trong quý vừa qua và đều tăng trưởng 2-3 con số so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, không phải nhà băng nào cũng ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong quý vừa qua. Như trường hợp của ABBank, việc chỉ thu về 86 tỷ đồng trong quý gần nhất khiến chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đã giảm tới 79%.

Theo lý giải của lãnh đạo nhà băng, lợi nhuận suy giảm là do ngân hàng phải tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý vừa qua để trích lập bổ sung dự phòng mua lại trái phiếu đặc biệt (VAMC). Bên cạnh đó, việc thay đổi cách ghi nhận chi phí dự phòng theo Thông tư 11/2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng làm thay đổi một số chỉ tiêu kinh doanh của nhà băng này.

Tuy vậy, lãnh đạo ABBank cho rằng việc tăng nguồn dự phòng sẽ giúp ngân hàng chủ động hơn trong việc xử lý rủi ro trong thời gian tới.

KẾT QUẢ LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ CỦA MỘT SỐ NGÂN HÀNG

NhãnVietcombankTechcombankBIDVMBBankVPBankACBVietinBankOCBABBankNCB
Quý III/2022 tỷ đồng 756667156673629645144475415790986-199
Quý III/2021
57385562267438982698261630611107408-6.4

Tương tự, lợi nhuận trước thuế OCB thu về trong quý III cũng đã giảm gần 18%, đạt 909 tỷ. Nguyên nhân đến từ khoản lỗ 67 tỷ đồng ở hoạt động mua bán chứng khoán trong khi cùng kỳ lãi tới gần 500 tỷ.

Thậm chí, trong quý vừa qua, NCB còn phải đối mặt với khoản lỗ trước thuế gần 199 tỷ đồng. Lý do dẫn tới kết quả này là ngân hàng phải hoạt động trong tình trạng lãi cho vay không đủ bù lãi đi vay khiến thu nhập lãi thuần âm hơn 2 tỷ đồng quý vừa qua, trong khi cùng kỳ vẫn lãi dương 439 tỷ.

Dù đã giảm mạnh dự phòng rủi ro tín dụng tới 64%, việc lỗ thuần từ hoạt động cho vay đã khiến kết quả lợi nhuận trước và sau thuế của NCB rơi xuống mức âm.

Đại diện NCB cho biết thu nhập lãi thuần quý III giảm mạnh do ngân hàng phải thực hiện thoái lãi dự thu, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của NHNN. Ngoài ra, ngân hàng vẫn đang áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguồn thu từ hoạt động cho vay bị ảnh hưởng.

Kém sắc so với nửa đầu năm

Với kết quả kể trên, trong quý III, ngành ngân hàng vẫn ghi nhận 24/27 nhà băng có lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ, trong đó, nhiều đơn vị đạt mức tăng trưởng ba con số.

Tuy nhiên, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lớn tại Hà Nội cho biết thực chất, mức tăng trưởng cao của các nhà băng trong quý vừa qua đến từ nền so sánh thấp. Quý III/2021 trước đó cũng là giai đoạn nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nhất từ dịch Covid-19 và nhiều hoạt động kinh doanh bị gián đoạn.

“Cũng có số ít ngân hàng ghi nhận hoạt động kinh doanh nổi bật trong quý này và tăng trưởng thực chất so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số này không nhiều, phần lớn mức tăng trưởng trong quý vừa qua đều do nền so sánh năm trước thấp”, vị lãnh đạo ngân hàng nói thêm.

Thực tế, nếu so sánh kết quả lợi nhuận quý III của các ngân hàng với hai quý liền trước, bức tranh ngành này đã kém sắc hơn rõ rệt.

LỢI NHUẬN NHIỀU NGÂN HÀNG CHẬM LẠI TRONG QUÝ III

NhãnVietcombankTechcombankBIDVMBBankVPBankACBVietinBank
Quý I tỷ đồng 99506785451459101114641145822
Quý II
7423732165705987417749145785
Quý III
7566671566736296451444754157

Cụ thể, so với quý II năm nay, chưa đến một nửa ngân hàng niêm yết ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương. Mức tăng trưởng cao nhất là 41% ở ngân hàng BacABank với khoản lãi 284 tỷ đồng. Trong khi nhóm ngân hàng lớn chỉ ghi nhận mức tăng trưởng thấp như Vietcombank, BIDV, VIB cùng tăng dưới 2%; MBBank tăng 5%; VPBank tăng 8%...

Ngược lại, có tới 15/27 nhà băng ghi nhận lợi nhuận suy giảm. Trong đó bao gồm cả những ngân hàng lớn như Techcombank (-8%); ACB (-9%); VietinBank (-28%); HDBank (-2%)…

Theo các chuyên gia, bên cạnh yếu tố mùa vụ, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận ngành ngân hàng giảm tốc trong quý III là do câu chuyện “room” tín dụng giai đoạn này.

Cụ thể, trong tháng 7-9, hoạt động cho vay của hầu hết ngân hàng đã bị ảnh hưởng vì hết “room”.

Số liệu của NHNN cho biết đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 10,96% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, số liệu công bố trước đó vào cuối tháng 6 đã là 9,44%. Như vậy, trong cả quý III, các ngân hàng chỉ ghi nhận tăng trưởng tín dụng vào khoảng 1,52%, tương đương mức giải ngân cho vay ròng ra nền kinh tế đạt gần 160.000 tỷ đồng.

Mức tăng trưởng này thậm chí còn thấp hơn mức tăng bình quân tháng trong nửa đầu năm, với 1,57%/tháng.

Đến đầu tháng 9, NHNN mới thông báo nới hạn mức tín dụng cho 18 ngân hàng thương mại, tuy nhiên mức nới thêm rất hạn chế và cũng nằm trong hạn mức tăng trưởng định hướng 14% đã đặt ra từ đầu năm.

TÍN DỤNG TĂNG TRƯỞNG CHẬM TRONG QUÝ III
Nguồn: NHNN; Tổng hợp
NhãnTháng 1Tháng 2Tháng 3Tháng 4Tháng 5Tháng 6Tháng 7Tháng 8Tháng 9Tháng 10
Tăng trưởng so với đầu năm % 2.492.655.977.248.099.449.429.9110.9611.5

Chính việc tín dụng tăng trưởng thấp này đã khiến nguồn thu từ hoạt động cho vay của nhiều nhà băng giảm so với hai quý đầu năm, kết quả là lợi nhuận trước và sau thuế sụt giảm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo một số ngân hàng cũng thừa nhận kết quả lợi nhuận quý III cũng bị ảnh hưởng vì phải thực hiện thoái lãi dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định mới của NHNN.

Diễn biến này chủ yếu xuất hiện ở nhóm ngân hàng cỡ nhỏ. Trong khi nhóm ngân hàng lớn với bộ đệm dự phòng tốt hơn đã thực hiện thoái các khoản lãi dự thu này từ cuối năm 2021.

Vốn hóa ngành ngân hàng giảm hơn 22 tỷ USD

Trong quý cuối năm, các chuyên gia phân tích tại VNDirect cho rằng với việc lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, các nhà băng sẽ gặp áp lực về chi phí vốn, từ đó thu hẹp NIM (biên lãi thuần) của ngành. Các áp lực này có thể kéo dài đến nửa đầu năm 2023.

Đây là nguyên nhân nhiều ngân hàng phải tích cực mở rộng danh mục cho vay bán lẻ trong cơ cấu tín dụng kể từ quý II năm nay để tối ưu lợi suất tài sản và duy trì NIM. Theo VNDirect, các ngân hàng có tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao và thanh khoản dồi dào có thể tối ưu hóa chi phí vốn để vượt qua rủi ro NIM thu hẹp trong thời gian tới.

Về rủi ro nợ xấu, các chuyên gia cho rằng dù chất lượng tài sản các ngân hàng đã giảm sút vào cuối quý II do hệ quả sau đại dịch, rủi ro nợ xấu gia tăng khi Thông tư 14 hết hiệu lực là không đáng ngại. Nguyên nhân là chất lượng tài sản của các ngân hàng đã được củng cố với bộ đệm dự phòng vững chắc và hệ số LLR cao nhất từ trước tới nay.

loi nhuan ngan hang,  ngan hang anh 2

Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn giảm sâu từ đầu năm cuốn bay hàng chục tỷ USD vốn hóa ngành này. Nguồn: Tradingview.

Tỷ lệ chi phí tín dụng bình quân đã giảm xuống mức trước đại dịch và áp lực trích lập dự phòng sẽ không còn, do phần lớn ngân hàng đã trích lập 100% với các khoản vay tái cơ cấu.

Với kết quả kinh doanh và triển vọng kém khởi sắc giai đoạn cuối năm, cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm có diễn biến tiêu cực nhất từ đầu năm, cùng với bất động sản và chứng khoán.

Tính từ đầu năm, chỉ số VN-Index đã giảm xấp xỉ 35% (cuối ngày 4/11). Thống kê cho thấy toàn bộ 27 cổ phiếu ngân hàng hiện đều giao dịch ở mức thấp hơn so với đầu năm. Trong đó, hơn một nửa cổ phiếu ngành này có mức giảm mạnh hơn thị trường.

Cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực nhất giai đoạn này là BVB (Vietcapital Bank) với mức giảm gần 61%. Từ mức 23.400 đồng/cổ phiếu vào đầu năm, hiện thị giá BVB chỉ còn mức 9.200 đồng/cổ phiếu (cuối ngày 4/11).

Tương tự, một loạt cổ phiếu TPB (TPBank); VAB (VietABank); TCB (Techcombank); OCB (Ngân hàng Phương Đông); SHB (Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội); ABB (ABBank) và VBB (VietBank) cũng giảm xấp xỉ 50% từ đầu năm.

Đầu năm nay, chỉ 5 cổ phiếu ngân hàng giao dịch dưới giá 20.000 đồng và không cổ phiếu nào dưới mệnh giá 10.000 đồng. Đến nay, đã có 18/27 cổ phiếu ngân hàng giao dịch dưới giá 20.000 đồng và 5 mã về dưới mệnh giá.

Việc hàng loạt cổ phiếu ngân hàng giảm sâu cũng đã thổi bay hàng chục tỷ USD vốn hóa của nhóm ngành này từ đầu năm.

Đầu năm, vốn hóa 27 ngân hàng niêm yết đạt khoảng 1,926 triệu tỷ đồng, đến nay, mức vốn hóa này đã chỉ còn xấp xỉ 1,385 triệu tỷ, tương đương mức giảm ròng hơn 540.900 tỷ đồng (khoảng 22 tỷ USD theo tỷ giá quy đổi hiện tại).

Tỷ phú Trần Đình Long dự báo đúng về ngành thép

Chi phí sản xuất đầu vào cao và nhu cầu thị trường yếu đang khiến bức tranh ngành thép ảm đạm, nhiều công ty báo lỗ kỷ lục hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.

Lợi nhuận doanh nghiệp tăng chậm lại

Thị trường ghi nhận sự đổi ngôi trong bức tranh lợi nhuận quý II khi ngành dầu khí và ngân hàng tỏa sáng, trong khi các công ty thép và bất động sản lao dốc.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm